.

Biển, hải đảo, biên giới và người lính biên phòng lên phim

.

“Những vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc, đời sống nơi biển đảo, những miền biên giới xa xôi cùng hình ảnh người lính biên phòng lại được tái hiện sinh động, chân thực trong hàng loạt kịch bản phim truyện, phim tài liệu như 29 tác phẩm tại trại sáng tác lần này”…

Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, đồng Trưởng Ban tổ chức (BTC) đã khẳng định như thế tại buổi tổng kết trại sáng tác kịch bản phim về đề tài “Xây dựng, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo Tổ quốc và Bộ đội biên phòng (BĐBP)” ở Đà Nẵng, ngày 31-7.

Người lính biên phòng gắn với nhiệm vụ giữ gìn an ninh vùng biên giới, biển, hải đảo sẽ là một trong những chủ đề trung tâm của điện ảnh.
Người lính biên phòng gắn với nhiệm vụ giữ gìn an ninh vùng biên giới, biển, hải đảo sẽ là một trong những chủ đề trung tâm của điện ảnh.

Chân thực, giàu cảm xúc

Lượt qua 29 tác phẩm của 29 tác giả từ Bắc chí Nam không khó để nhận thấy mỗi tác phẩm là một bức tranh sinh động, không trùng lặp về biển đảo, biên giới, người lính biên phòng.

Đến từ Kiên Giang, trại viên Nguyễn Tiến Vinh góp mặt với kịch bản phóng sự tài liệu “Dấu ấn Phú Quốc”. Với cái nhìn của một người lính biên phòng, một phóng viên, Tiến Vinh đã phản ánh sinh động những đổi thay của vùng đảo trù phú từ xưa đến nay. Anh nói, thời gian tham gia trại chỉ 10 ngày, nhưng tác phẩm của anh là cả quá trình góp nhặt, ấp ủ trong những chuyến công tác, những hành trình không mỏi về vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

Còn với chiến sĩ BĐBP Điện Biên Vũ Xuân Định, trong nhiều chặng đường, nhiều câu chuyện anh được đọc, được biết, thì hình ảnh người anh hùng Trần Văn Thọ - biểu tượng đẹp về người lính biên phòng - đã để lại trong anh ấn tượng đặc biệt. Đó là lý do để nhân vật này trở thành chủ đề trung tâm của kịch bản phim anh Định chọn tham gia trại.

Trong khi đó, câu chuyện mang tên “Hoa biên cương” kể về cuộc sống cùng số phận của những con người ở vùng biên giới là cảm hứng cho kịch bản phim của chiến sĩ biên phòng Tây Ninh Lê Trung Quân. “Hoa biên cương” tập trung khắc họa đời sống của đồng bào vùng biên giới trong sự gắn bó mật thiết với BĐBP, khẳng định vai trò đồng bào trong công cuộc giữ gìn bình yên vùng biên giới…

Một trong những cây bút nữ hiếm hoi tham gia trại, An Quỳnh Trang, đến từ Điện ảnh BĐBP gọi kịch bản phim tài liệu “Thư đất Mũi” của mình là câu chuyện nhỏ của người lính trẻ mới lần đầu xa nhà. Là trại viên trẻ nhất (26 tuổi), qua tác phẩm của mình, Quỳnh Trang đã thể hiện được cái nhìn, quan niệm của người trẻ về người lính biên phòng, về phận sự thiêng liêng gìn giữ vùng biển, hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc. “Ở đó, tuổi trẻ phải biết hy sinh!”, Trang nói.

Trong khi đó, với đại diện duy nhất của Đà Nẵng - tác giả Bá Vĩnh, vấn đề biển đảo, an ninh biên giới quy tụ trong hình ảnh rất giản dị - ngư dân. Anh khẳng định: “Mỗi ngư dân là một cột mốc chủ quyền”, bởi “Dù ở đâu Tổ quốc vẫn trong lòng, cột cây số cắm từ thương đến nhớ, tình yêu đất nước đến từ trong sâu thẳm trái tim một con người, nó có thể là một việc làm rất đơn sơ, mộc mạc chẳng khoa trương. Những ngư dân này, đối với họ, yêu nước là một từ sang trọng. Nhưng những gì mà họ đang làm sau mỗi chuyến ra khơi lại chính là một việc làm chứa chan tình yêu đối với vùng chủ quyền Tổ quốc…, nhờ đó cờ Tổ quốc luôn tung bay trên vùng biển - Hoàng Sa” (trích kịch bản phim tài liệu “Mỗi ngư dân là một cột mốc chủ quyền” - Bá Vĩnh).

Phóng sự, phim tài liệu chiếm ưu thế

Theo nhà biên kịch Hoàng Tú, giảng viên Trường Sân khấu điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh, người hướng dẫn các trại viên tại trại sáng tác, sở dĩ các tác phẩm của 29 tác giả sinh động, nhiều màu sắc và giàu cảm xúc vì đó đều là những câu chuyện của chính quê hương họ. “Họ kể lại không chỉ bằng trải nghiệm, mà còn bằng tình yêu, niềm tự hào khôn xiết về từng tấc đất nơi họ đã sinh ra”. Vì vậy, thái độ, tinh thần làm việc của các tác giả tham gia trại được BTC đặc biệt đánh giá cao.

Giám đốc Điện ảnh BĐBP - Thượng tá Nguyễn Tuấn Chung cho biết: “Tham gia trại viết lần này có trại viên ở tuổi 74 nhưng vẫn làm việc rất sung, mỗi ngày chỉ ngủ vài tiếng, thời gian còn lại ông dành để đi và viết”.

Tuy nhiên, theo NSƯT Nguyễn Sỹ Chung, ngoài đam mê, nhiệt huyết thì phải thừa nhận thực tế, các tác phẩm tham dự trại chủ yếu là phóng sự, thiên về tính chất báo chí, ít tận dụng được thế mạnh của ngôn ngữ hình ảnh, ngôn ngữ phim tài liệu nên rất nhiều vấn đề có thể đẩy lên thành những thước phim tài liệu có giá trị lớn nhưng các tác giả lại bỏ lỡ. Trong số 29 kịch bản được hoàn thiện, chỉ có 7 kịch bản phim truyện, còn lại chủ yếu là phim tài liệu, phóng sự. Đó là một con số khiêm tốn cần lưu ý.

Trại sáng tác kịch bản phim về đề tài “Xây dựng, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo Tổ quốc và BĐBP” do Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức kéo dài từ ngày 22 đến 31-7-2013.

Bài và ảnh: THANH TÂN

;
.
.
.
.
.