Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook, rất nhiều người (trong đó hầu hết là học sinh, sinh viên - HSSV) thường xuyên truy cập vào trang Fanpage “Bộ mặt thật của các hot teen Đà thành” (còn có tên là BMT).
Hậu quả của trang mạng BMT đã và đang tác động tiêu cực đến xã hội, đặc biệt là đối với HSSV thành phố Đà Nẵng, gây bức xúc, lo lắng cho các bậc phụ huynh. Qua đây, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động thực trạng công khai văng tục, lăng mạ người khác trên mạng xã hội ngày càng phổ biến.
Số lượng truy cập và sự thu hút của trang mạng BMT đã lên đến 17.000 lượt người. Hoạt động của diễn đàn chủ yếu là đăng tải những nội dung thuộc về bí mật cá nhân; dùng lời lẽ thô tục đả kích, nói xấu, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm nhân phẩm một số bạn trẻ là HSSV hiện đang học tại các trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, thường là những em được nhiều người biết đến, có vẻ bề ngoài xinh xắn, được bạn bè quen gọi là hot girl; thậm chí còn có trường hợp xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của cả những giáo viên đang giảng dạy tại các trường học trên địa bàn thành phố. Những thông tin được đăng tải trên trang BMT thường là những thông tin được các đối tượng quản lý (admin) tuyển chọn từ những email của các thành viên tham gia diễn đàn BMT gửi về hộp thư bomatthatcfs@gmail.com. Mọi người tham gia diễn đàn đều có thể để lại lời bình luận (comment) về những chủ đề được đưa ra.
Theo kết quả điều tra ban đầu của các cơ quan chức năng thành phố, trang mạng BMT được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 5-2013. Điều hành hoạt động của trang mạng này gồm 7 đối tượng, đều là HSSV hiện đang học hoặc đã từng học tại một số trường trên địa bàn thành phố. Thực tế những nạn nhân bị vu khống, xúc phạm, do đa số trong độ tuổi thanh-thiếu niên nên không thể tự bảo vệ mình, thậm chí còn bị đe dọa; một số em do thiếu suy nghĩ đã tìm đến giải pháp tự sát. Nguy hại hơn là một bộ phận HSSV tham gia các diễn đàn trên Facebook không những không lên án những hành vi xấu nói trên, mà còn bày tỏ sự ủng hộ bằng những lời bình luận tiêu cực, cổ súy cho những việc làm của những đối tượng xấu.
Nguyên nhân một phần các bạn trẻ đã không ý thức được những bình luận của mình trên Facebook, thích hùa nhau theo “tâm lý đám đông” khi liên tục bình luận những câu mang tính chất cãi vã, nhục mạ, đá xéo người khác, chửi nhau tục tĩu một cách vô tội vạ. Mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ, nhưng chính sự tự do một cách tối đa trên những trang mạng này cũng đã tạo điều kiện cho không ít cá nhân bộc phát thói quen “phản biện” người khác ở góc độ tiêu cực hơn khiến nhân vật chính ít nhiều bị tổn thương. Có thể nhìn nhận nguyên nhân của hành vi này dưới hai khía cạnh, đó là do nhân vật chính bất cẩn có những phát ngôn, những hình ảnh khơi mào cho những trận chiến ngôn ngữ “lành” và “tục”, đồng tình và phản bác, thông cảm và xúc phạm... Thứ hai là do nhiều người nghĩ rằng nói xấu hay nhục mạ người khác chính là lúc bản thân đang được thể hiện “cái tôi”, “bản lĩnh” của mình, chứng tỏ mình đang hơn người khác.
Theo lời khuyên của các nhà tâm lý học, khi tham gia các mạng xã hội, mỗi người nên nhớ một nguyên tắc là đừng bao giờ chỉ trích một ai đó, vì khi giơ tay “chỉ trích” người khác thì cũng sẽ có ít nhất “3 người” - (3 ngón tay còn lại của chính bạn) đang chỉ trích và tố cáo ngược lại. Và tất cả những cuộc khẩu chiến đều không đi đến một kết thúc đẹp.
Trang mạng BMT là một biểu hiện của sự lệch lạc về văn hóa và đạo đức nghiêm trọng trong bộ phận HSSV hiện nay. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thì nhà trường cũng phải có biện pháp giáo dục thanh-thiếu niên, HSSV, lên án các biểu hiện lệch lạc về văn hóa, đạo đức, ngăn chặn không để hiện tượng xấu có cơ hội tiếp tục lây lan, gây hậu quả nghiêm trọng cho chính các em HSSV. Bởi ông bà ta có câu “Ngôn là người”, việc dùng những lời lẽ nhục mạ nhân phẩm người khác chứng tỏ những người ấy có một “nền tảng” văn hóa quá yếu kém, thể hiện một cách rõ nét hình ảnh “xấu xí” của chính mình. Và điều quan trọng hơn nữa, đó là mầm mống gây nên tội lỗi, dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.
ĐOÀN LƯƠNG