.

Tinh hoa cổ vật Phật giáo hội tụ

.

Hôm nay (16-8), hơn 80 cổ vật tinh hoa của nền Phật giáo Đà Nẵng có niên đại từ thế kỷ thứ 7-19 lần đầu tiên ra mắt công chúng với triển lãm chuyên đề mang tên “Tinh hoa cổ vật Phật giáo tại Đà Nẵng”.

Triển lãm kéo dài đến ngày 16-9 tại Bảo tàng Đà Nẵng do đơn vị này phối hợp với Thành hội Phật giáo thành phố Đà Nẵng tổ chức.

Một phần bộ tượng Thập Bát La Hán bằng chất liệu đá Non Nước đến từ chùa Linh Ứng.
Một phần bộ tượng Thập Bát La Hán bằng chất liệu đá Non Nước đến từ chùa Linh Ứng.

Bản sắc Đà Nẵng - Việt Nam

Hơn 80 cổ vật được trưng bày là những hiện vật độc đáo đến từ các chùa trên địa bàn thành phố, ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, gắn với nền Phật giáo lâu đời của Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng.

Thượng tọa Thích Huệ Vinh cho biết, trong 13 hiện vật chùa Quán Thế Âm góp mặt tại triển lãm, nhiều cổ vật có giá trị độc bản và niên đại lâu đời như: tượng Phật Quán Thế Âm chất liệu đồng có niên đại từ thế kỷ 7-8, tượng Thích ca nhập niết bàn, tượng Quán Âm nghìn mắt nghìn tay với nghệ thuật điêu khắc gỗ tinh xảo… Đáng chú ý trong các hiện vật của chùa Linh Ứng là bộ tượng Thập Bát La Hán bằng chất liệu đá Non Nước. 18 tư thế, tâm trạng của các vị La Hán được khắc họa tinh xảo cho thấy tay nghề bậc thầy của nghệ nhân làng đá Ngũ Hành Sơn xưa.

Trong hơn 80 cổ vật dự triển lãm, phong phú nhất có lẽ là bộ sưu tập của Thượng tọa Thích Từ Nghiêm đến từ chùa Phổ Đà. Để có được bộ sưu tập gồm 14 cổ vật hầu hết là tượng Phật, Bồ Tát điêu khắc gỗ có niên đại sớm và quý hiếm này, Thượng tọa Thích Từ Nghiêm đã bỏ không ít công sức.

Trong khi đó, chùa An Long hay còn gọi là Long Thủ - nơi có bia đá được công nhận là Di sản Văn hóa quốc gia mang đến triển lãm một chuông đồng lớn có niên đại thế kỷ 18. Bề mặt chuông đồng được chạm khắc nhiều họa tiết, minh văn có giá trị. Bên cạnh đó, quả tim lửa bằng đồng được cung thỉnh về từ Tam Thai Quốc Tự được kỳ vọng sẽ tạo sức hút đặc biệt tại triển lãm lần này. Theo Thượng tọa Thích Mạnh Mãn - trụ trì chùa Tam Thai, quả tim lửa là hiện vật vào hàng quý hiếm, linh thiêng, cách đây 178 năm vua Minh Mạng đã ban cho chùa. Hiện trên bề mặt quả tim lửa còn in rập ngự bút của nhà vua, với nội dung thể hiện sự tán thán, kính ngưỡng công đức vô biên của Phật tổ độ hóa chúng sinh. Vậy là “sau gần 2 thế kỷ, hiện vật quý mới lần đầu tiên hạ sơn”, Thượng tọa nói.

Ngoài các hiện vật tại các chùa trên địa bàn Đà Nẵng, triển lãm còn có sự hiện diện của các hiện vật quý đến từ chùa Tổ Đình Phước Lâm (Hội An) có niên đại từ thế kỷ 7-8…

Di sản cho mai sau

“Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ cách đây hơn 2.000 năm. Đặc biệt, dưới thời Lý - Trần, với tinh thần nhập thế, Phật giáo đã trở thành quốc giáo chi phối mạnh mẽ tư tưởng, học thuật, văn hóa và đời sống của đất nước ta. Đến nay, Phật giáo Việt Nam đã để lại cho dân tộc nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá… Tuy nhiên, với những hạn chế về điều kiện, triển lãm lần này chỉ giới thiệu một phần nào di sản văn hóa Phật giáo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Nhưng chúng tôi hy vọng triển lãm sẽ để lại dấu ấn trong lòng công chúng, như động thái mở màn tích cực cho công cuộc gìn giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc nói chung, di sản Phật giáo nói riêng, trên địa bàn Đà Nẵng”, ông Hà Phước Mai - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng kỳ vọng.

Bảo tàng Đà Nẵng cho biết thêm, trước khi diễn ra triển lãm không lâu, cuộc điền dã do Bảo tàng Đà Nẵng cùng với những chuyên gia cổ vật hàng đầu Trung ương tổ chức tại các chùa trên địa bàn thành phố, đã đi đến nhận định: Di sản văn hóa Phật giáo ở Đà Nẵng có thừa khả năng xây dựng được một bảo tàng Phật giáo độc đáo hấp dẫn để du khách thập phương đến chiêm ngưỡng.

Bài và ảnh: THANH TÂN

;
.
.
.
.
.