.

Báo chí văn nghệ có nguy cơ sụt giảm về số lượng, chất lượng

.

Ngày 11-9, tại Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội nghị Báo chí văn nghệ toàn quốc năm 2013. Thực trạng thiếu kinh phí hoạt động, giảm số lượng phát hành trong hệ thống báo chí văn nghệ được các đại biểu tập trung phân tích, mổ xẻ.

Hiện cả nước có hơn 80 cơ quan báo chí văn học, nghệ thuật, chủ yếu đăng tải các sáng tác và nghiên cứu, phê bình văn học, nghệ thuật. Thời lượng chương trình văn nghệ trên các đài phát thanh, truyền hình chiếm tỷ lệ khá lớn. Với đặc trưng riêng của mình, báo chí văn nghệ là nơi chọn lọc, công bố các tác phẩm, tác giả mới và phản ánh hiện thực xã hội, công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển đất nước với sự phong phú về loại hình, hấp dẫn về nội dung. Song, khuynh hướng thương mại hóa, câu khách, giật gân đã khiến một số ít tờ báo có lúc sa đà vào các thông tin tiêu cực xã hội, phản ánh ý kiến bạn đọc khi chưa kiểm chứng thông tin, gây bức xúc cho đối tượng bị phản ánh. Cái đẹp, cái tốt trong đời sống xã hội chưa là dòng chủ đạo trong các tác phẩm văn nghệ.

Trong gần 10 tham luận trình bày tại hội nghị, nhiều đại biểu thẳng thắn chỉ ra sự yếu kém về nội dung và nguy cơ biến mất của loại hình báo chí văn nghệ do có lượng bạn đọc ít, số lượng in sụt giảm, kỳ xuất bản ít, nhuận bút thấp, lương người làm báo không đủ sống. Một số tờ báo xem chuyên trang văn hóa, văn nghệ chỉ là nội dung phụ…

Hội nghị cũng chỉ ra những định hướng hoạt động của báo chí văn nghệ trong thời gian tới như: tiếp tục bám sát, đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; tuyên truyền kết quả tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Thông qua công tác tuyên truyền góp phần xây dựng, củng cố môi trường văn hóa lành mạnh; kiên trì đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, phản động của các thế lực cơ hội, thù địch. Thực hiện các chính sách, chế độ đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để đội ngũ những người hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Tiếp thu những kinh nghiệm, giá trị tinh hoa trong văn học, nghệ thuật thế giới để giới thiệu với bạn đọc Việt Nam. Ngăn chặn, đẩy lùi, vô hiệu hóa sự xâm nhập và tác hại của các sản phẩm văn hóa đồi trụy, phản động từ nước ngoài, nâng cao sức đề kháng với các sản phẩm văn hóa đồi trụy, phản động cho công chúng, nhất là đối với thế hệ trẻ.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.