.
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty sáng tạo và văn hóa Trí Việt - First News:

Chúng ta đang xuất bản quá nhiều sách vô bổ

.

Dù ngày nay văn hóa đọc đang bị cạnh tranh bởi sách điện tử, văn hóa nghe nhìn nhưng sách vẫn là mạch ngầm bền bỉ và gần gũi.

Ông Nguyễn Văn Phước Ảnh: MAI HOÀNG
Ông Nguyễn Văn Phước Ảnh: MAI HOÀNG

Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Sáng tạo và văn hóa Trí Việt - First News, cho rằng, nếu các nhà xuất bản và những người làm sách cùng tập trung làm những cuốn sách thật tâm huyết, tạo ra những giá trị khách quan nhất thì chắc chắn văn hóa đọc của Việt Nam sẽ được nâng cao lên rất nhiều.

* Thưa ông, có ý kiến bảo bây giờ văn hóa đọc đang bị “tụt dốc không phanh”, thậm chí có người cho rằng Việt Nam làm gì có văn hóa đọc. Là người làm sách nhiều năm qua, ông có nhận xét gì?

- Trong bất kỳ hoàn cảnh, giai đoạn nào của cuộc sống, con người vẫn cần sách. Nhưng cuốn sách đó phải như thế nào mới là điều quan trọng. Vì vậy, tôi cho rằng, văn hóa đọc vẫn còn đó, không thể mất đi đâu được. Nhưng để giữ gìn và phát triển văn hóa đọc, trước hết phải làm tốt các khâu như tổ chức bản thảo, dịch thuật, thiết kế, ý tưởng để thể hiện nó.

* Thế còn thống kê “người Việt mỗi năm trung bình đọc không quá một cuốn sách”, ông có tin vào con số này không?

- Tôi nghĩ rằng, con số thống kê trên chưa nói được điều gì cả vì không ai có thể thống kê được một cách chính xác về vấn đề này. Không thể lấy xác suất trên 1.000 người để nói toàn Việt Nam được. Bằng chứng là trong tủ sách Hạt giống tâm hồn của Trí Việt trong 11 năm qua vẫn phát hành rất tốt. Và nhất là trong những năm gần đây khi khủng hoảng kinh tế, bạn đọc đã tìm đến tủ sách này như một người bạn tinh thần để tìm lại nguồn cảm hứng và ý nghĩa cuộc sống. First News đã cung cấp cho bạn đọc Việt Nam hàng chục triệu bản sách Hạt giống tâm hồn…

Song, nếu nhìn vào số liệu thống kê mỗi năm một người Việt Nam đọc 0,8 cuốn sách cho thấy có hai vấn đề: Thứ nhất, các hình thức giải trí khác đang phát triển khá mạnh nên người ta ít đọc sách hơn. Thứ hai, lượng sách cần thiết cho con người và có giá trị đang ngày một giảm đi. Vấn đề ở đây là dù trong giai đoạn nào, khó khăn hay khủng hoảng thì vẫn luôn có một cuốn sách gối đầu giường của mỗi người. Tại sao những năm 68-70 của thế kỷ trước, những cuốn như Thép đã tôi thế đấy luôn là sách gối đầu giường của thế hệ thanh niên, học sinh, sinh viên Việt Nam lúc đó? Bây giờ, mình đang thiếu hẳn những cuốn sách mang giá trị động viên và tìm cho người ta một lẽ sống như vậy.

* Nếu nhìn vào số lượng các nhà xuất bản, các công ty sách và số đầu sách xuất bản hằng năm ở trong nước, có tín hiệu nào để lạc quan được về “sự đọc” của người Việt hiện nay, thưa ông?

- Tôi không lạc quan vì tôi quan tâm tới chất lượng chứ không phải số lượng. Nhìn vào những đầu sách xuất bản hằng năm ở Việt Nam, trừ những bộ sách giáo khoa cho nhà trường dành cho học sinh, sinh viên, số lượng những cuốn sách mang tính nâng cao dân trí, động viên con người thì tỷ lệ không cao trong khi đó sách về giải trí tăng khá nhiều.

* Ý của ông là chúng ta đang xuất bản quá nhiều những cuốn sách vô bổ?

- Đúng vậy. Những cuốn sách truyện tranh hay những cuốn sách lôi cuốn sự tò mò của con người khá nhiều, chứ không phải là những cuốn sách có giá trị thực sự.

Chúng ta đều biết sách nói riêng và văn hóa đọc nói chung có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển dân trí.

* Nhưng cũng phải nhìn nhận sự thật rằng văn hóa đọc đang bị cạnh tranh rất dữ dội, trước phim ảnh, các trò chơi giải trí và rất nhiều các kênh truyền hình?

- Đúng là văn hóa đọc đang bị cạnh tranh dữ dội trước phim ảnh, các trò chơi giải trí, facebook, các trang báo điện tử. Đây là sự phát triển tất yếu của xã hội hiện đại. Tôi từng đến các nước Pháp, Đức, Anh, thậm chí ngay cả ở Mỹ - nơi phát triển Iphone - thì ở những bến xe, bãi biển, công viên vẫn có người ngồi say sưa đọc sách.

Ở First News, chúng tôi có một tiêu chí làm sách có giá trị, chăm chút, với mức độ vô cùng tâm huyết, xem cuốn sách như đứa con tinh thần. Với tiêu chí này và năng lượng dành cho tác phẩm, những cuốn sách có thể làm thay đổi cuộc đời của người đọc. Đó có thể là sách về Hạt giống tâm hồn, về ý chí, nghị lực, có thể là sách về kỹ năng, về bí quyết thành công, hay về một vị anh hùng trong chiến tranh. Nếu các nhà xuất bản và những người làm sách cùng tập trung làm những cuốn sách thật tâm huyết, tạo ra những giá trị khách quan nhất thì chắc chắn văn hóa đọc của Việt Nam sẽ được nâng cao lên rất nhiều. Và truyền thông hay tất cả mọi người cùng tập trung giới thiệu những cuốn sách hay, có chỉ đạo, định hướng thì nó sẽ tạo nên hiệu ứng tốt cho văn hóa đọc.

Việc nâng cao văn hóa đọc, nhất là trong giới trẻ, là vấn đề đang được đặt ra. Ảnh: NGỌC Tâm
Việc nâng cao văn hóa đọc, nhất là trong giới trẻ, là vấn đề đang được đặt ra. Ảnh: NGỌC TÂM

Các bạn trẻ thường đọc ngẫu hứng, không có định hướng, vớ được gì đọc cái nấy. Tại sao nước ta không lập ra một ban nghiên cứu 10 cuốn sách cần đọc trong năm cho tất cả thanh-thiếu niên? Tôi rất ủng hộ ý tưởng của anh Đặng Lê Nguyên Vũ với chương trình tặng 100 triệu cuốn sách khởi nghiệp sáng tạo mà First News đã tham gia bằng cuốn sách Cách nghĩ để thành công của Napoleon Hill.

Thực ra đây không phải là thách thức đối với riêng Việt Nam mà đối với tất cả các quốc gia khác nhưng ở những nước đó, người ta vẫn đọc sách, sách họ bán giá gấp 10 lần nước mình. Sách nước ngoài được biên tập rất kỹ lưỡng, giá trị của nó cao. Tôi nghĩ, sự phát triển này là thách thức đối với văn hóa đọc chứ không thể giết văn hóa đọc được. Sách vẫn là quan trọng nhất.  

* Nhưng thưa ông, xã hội phát triển, thế hệ độc giả cũng đã khác xưa rồi, chúng ta cũng phải nhìn văn hóa đọc một cách khác đi? Tức là giờ đây người ta có thể đọc mà… không cần cầm một cuốn sách in trên giấy?

- Việc đọc sách in, cảm giác được cảm nhận trang giấy sâu sắc hơn nhiều một tác phẩm trên ebook. Rõ ràng là hai giá trị và độ cảm nhận, thẩm thấu khác nhau. Những ai yêu văn hóa đọc mới hiểu được cảm giác đó. Chúng ta tặng nhau một cuốn sách nhân sinh nhật, nhân ngày tốt nghiệp, chứ không ai tặng nhau một CD ebook cả. Thông tin mà ebook hay các trang mạng đăng tải độ sâu sắc về cảm nhận chỉ bằng 1/5 so với khi đọc một cuốn sách truyền thống. Người ta thường lướt web để tìm thông tin chứ không phải để thẩm thấu một giá trị. Tôi nghĩ chắc chắn văn hóa đọc cũng sẽ bị cạnh tranh, nhưng nếu như chúng ta có những cuốn sách thực sự sâu sắc, khác biệt thì văn hóa đọc vẫn là hàng đầu. Vấn đề là chúng ta chưa tìm được cách để đưa văn hóa đọc lên thành một thói quen hằng ngày và chỉ ra rằng “trưởng thành nhờ những cuốn sách” cũng không kém gì đi đến trường.

Theo tôi, nên có sự phân chia theo dòng sách, những sách dùng cho ebook hay các thiết bị chỉ nên để nắm thông tin. Còn đọc để cảm nhận thực sự về ý nghĩa của cuốn sách thì không có gì có thể thay thế được sách in cả.

* Xin cảm ơn ông!

MAI HOÀNG thực hiện

;
.
.
.
.
.