.

"Thảm họa online" và lỗi của truyền thông

.

Chưa thấy lúc nào những “thảm họa”, từ văn học tới sân khấu, ca nhạc, người mẫu… lại xuất hiện nhanh, nhiều như hiện nay. Đặc biệt, nếu truy cập các trang điện tử, sẽ thấy ngập tràn scandal…

Xung quanh vấn đề này, PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái - giảng viên khoa Báo chí và Truyền thông - Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, cho rằng việc xuất hiện quá nhiều giá trị ảo trong thời gian qua có lỗi rất nhiều từ các chủ thể truyền thông.

Bạn thử nhìn qua các trang mạng viết về văn hóa văn nghệ xem (thậm chí không chỉ lĩnh vực văn hóa văn nghệ đâu nhé), sẽ thấy rất nhiều các tít bài giật gân để bắt mắt người xem. Vì thế, chúng ta đã và sẽ còn chứng kiến thêm một trong những thảm họa của truyền thông hiện đại, đó là thảm họa online!  PGS, TS  Nguyễn Thị Minh Thái

Bạn thử nhìn qua các trang mạng viết về văn hóa văn nghệ xem (thậm chí không chỉ lĩnh vực văn hóa văn nghệ đâu nhé), sẽ thấy rất nhiều các tít bài giật gân để bắt mắt người xem. Vì thế, chúng ta đã và sẽ còn chứng kiến thêm một trong những thảm họa của truyền thông hiện đại, đó là thảm họa online!

PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái

* Thưa bà, không ít người đang có cảm giác bất an về một nền văn nghệ quá nhiều thảm họa. Và cũng chưa lúc nào sự “nổi tiếng” lại dễ dàng như bây giờ?

- Dễ dàng, là bởi chúng ta đang sống trong thế giới phẳng về truyền thông. Bất cứ cái gì xảy ra trong văn hóa văn nghệ toàn cầu cũng được thông tin rất nhanh, mà nhanh thì rất có thể đi liền với sự dễ dàng và dễ dãi. GS Trần Quốc Vượng từng nói rằng, sinh hoạt văn hóa nông nghiệp nền tảng của dân tộc Việt Nam vốn mang rất đậm “căn tính nông dân”. Còn GS Hoàng Ngọc Hiến khi sinh thời cũng từng giải mã căn tính này của người Việt bằng một câu rất nổi tiếng: “Cái nước mình nó thế: trẻ con và nông dân”. Và với cái căn tính nông dân ấy, thì việc “nổi tiếng” trong giới văn hóa nghệ thuật hôm nay diễn ra nhanh hơn nữa. Thêm vào đó, người Việt truyền thống vốn sống trong làng xã cổ truyền, khi chưa có một nền báo chí truyền thông kiểu phương Tây du nhập, thì cơ chế truyền thông duy nhất của nông dân là tin đồn. Mà đã là tin đồn thì cách lan truyền duy nhất tương ứng vẫn là sự “sang tai”, đồn thổi: “một đồn mười, mười đồn trăm”.

* Dường như tin đồn đang là “món ăn khoái khẩu” của nhiều người, trong đó có cả một số chủ thể truyền thông khi họ cố tình “thổi” các nhân vật vốn vô danh thành “sao”, “thổi” các tin đồn thành những cái tít giật gân câu khách?

- Tin đồn ám ảnh cuộc sống người Việt, đến mức tạo thành thói quen truyền thông trong xã hội nông nghiệp truyền thống, và từ đó tạo thành cơ chế tin đồn. Mà tin đồn, đó là cái gốc của các giá trị ảo!

Truyền thông hôm nay trong xã hội hiện đại cũng vẫn bị vướng vất trong cơ chế tin đồn ấy, bởi người Việt hiện đại vẫn mang trong mình “căn tính nông dân”, nên không thể khác, các nhà truyền thông cũng theo đó mà ưa thích làm truyền thông theo kiểu tin đồn. Bạn thử nhìn qua các trang mạng viết về văn hóa văn nghệ xem (thậm chí không chỉ lĩnh vực văn hóa văn nghệ đâu nhé), sẽ thấy rất nhiều các tít bài giật gân để bắt mắt người xem. Vì thế, chúng ta đã và sẽ còn chứng kiến thêm một trong những thảm họa của truyền thông hiện đại, đó là thảm họa online! Tôi cho rằng, để xuất hiện quá nhiều giá trị ảo như mọi người thấy trong thời gian qua, có lỗi từ các chủ thể truyền thông, khi họ làm truyền thông theo lối a dua, thiếu vắng ý thức xây dựng, thiếu sự tôn vinh những giá trị văn hóa nghệ thuật đích thực. Đó là còn chưa kể một số khác làm truyền thông để trục lợi, nói thẳng ra là để làm tiền.

Tôi lo ngại cho những người sử dụng phương tiện truyền thông. Bởi lẽ, theo đà, nếu không chịu thay đổi cách thức truyền thông “lá cải” này, sẽ còn xảy ra bi kịch, trên cái “căn tính nông dân” sẵn có sự ưa thích tin đồn ấy.

* Vậy thưa bà, những giá trị ảo sẽ mang lại điều gì cho tương lai của nền văn hóa nước nhà?

- Trước hết, nó mang lại một giá trị vật chất rất cơ bản trong thị trường hôm nay, lại không hề ảo chút nào, đó là tiền! Sự nổi tiếng chưa biết có thực sự là tài năng và lao động nghệ thuật không, nhưng sự nổi tiếng là con đường kiếm tiền nhanh, nhạy, nhiều. Vì thế, đây là lúc các giá trị ảo được tạo ra đến mức cực đoan và mù quáng. Có tưởng tượng được không, bây giờ người hâm mộ thần tượng còn đi hôn ghế mà thần tượng đã ngồi?

* Nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận đời sống văn nghệ vẫn còn những mảng màu tươi sáng. Hay nói cách khác, vẫn còn những người làm văn hóa đích thực với những sản phẩm văn hóa thực sự?

- Tôi nói riêng trong lĩnh vực văn học, những bộ tác phẩm của các nhà văn như: Hoàng Xuân Hải, Nguyễn Xuân Khánh, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh… có phải đã là những mạch ngầm văn hóa chảy trong văn chương không, có phải là những giá trị đích thực không? Đúng quá rồi chứ gì. Thế nhưng lại không hoặc gây sự xôn xao đáng như nó xứng đáng phải được xôn xao, mà thay vào đó, trên truyền thông, trên diễn đàn là tràn đầy những xôn xao nhăng nhít. Đó cũng là cái lỗi của truyền thông, lỗi của các nhà phê bình không dành sự quan tâm xứng đáng để tôn vinh những giá trị văn hóa ấy.

Nhưng cũng phải nhìn vào thực tế, chúng ta hiện rất thiếu tài năng lớn, rất thừa những tài năng tầm tầm và những ảo tưởng về tài năng. Nhưng văn nghệ khi biến thành một thị trường phát triển xô bồ và hỗn tạp thế này rất khó tạo ra các tài năng lớn. Đã đến lúc nên thay đổi tư duy văn hóa văn nghệ, và từ bỏ thói quen chỉ suy nghĩ bằng bụng, mà chuyển lên suy nghĩ bằng đầu một cách có ý thức hẳn hoi, thì có lẽ sẽ tốt hơn. Khi còn giữ thói quen suy nghĩ bằng bụng, khoái chạy theo cơ chế tin tồn; khi cái căn tính nông dân vẫn còn “nặng căn” trong tính cách Việt hiện đại, thì chưa phải, hoặc chưa hội đủ điều kiện xã hội - văn hóa cho các tài năng lớn có thể xuất hiện.

HOÀNG THU PHỐ thực hiện

;
.
.
.
.
.