.

Xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở: Chuyện còn dài...

.

Vấn đề xây dựng thiết chế văn hóa ở các quận, huyện, xã, phường đang được đặt ra bức thiết khi nhu cầu vui chơi giải trí, thụ hưởng văn hóa của người dân ngày càng cao.

Công viên Bình Kỳ (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) xuống cấp nghiêm trọng vẫn là nơi vui chơi của trẻ em địa phương mỗi ngày.
Công viên Bình Kỳ (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) xuống cấp nghiêm trọng vẫn là nơi vui chơi của trẻ em địa phương mỗi ngày.

Già, trẻ đều cần chỗ vui chơi

Những ngày rộn ràng không khí Trung thu, công viên khoảng 40m2 gần Trường mầm non Hoa Mai (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) chiều tối nào cũng tấp nập già trẻ, lớn bé đến vui chơi. Người già ngồi ghế đá hóng mát, thư giãn, thanh niên tụ tập tán gẫu, có nhóm tập múa lân tranh thủ biểu diễn trong dịp Tết Trung thu..., đông nhất vẫn là các trẻ ở độ tuổi từ 2-8. Các bé lớn khá say sưa với phương tiện vui chơi ít ỏi được đặt tại công viên như: bàn xoay, máng trượt, cầu vồng… Các bé nhỏ hơn thì thường được bố mẹ vừa bón cơm, cháo vừa xem các anh chị chơi đùa. Chị Huỳnh Thị Loan (35 tuổi, trú ở 24 Dương Thưởng) đang bón cháo cho cô con gái gần 2 tuổi cho biết: “Trừ những ngày mưa, còn lại chiều nào tôi cũng đưa bé ra đây, ở nhà các bé biếng ăn, nhưng ra công viên thì khác hẳn, không còn nhõng nhẽo...”.

Không riêng chị Loan, nhiều phụ huynh đều nói rằng, các trẻ rất thích thú khi được dẫn ra công viên chơi.

Ngay cả công viên Bình Kỳ (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) đang bị xuống cấp trầm trọng, với nhiều hạng mục vui chơi không còn bảo đảm an toàn cũng vẫn thu hút không ít trẻ em đến vui chơi, đặc biệt là học sinh Trường tiểu học Tô Hiến Thành - trường học nằm đối diện ngay công viên.

Về vùng nông thôn, đặc biệt là ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa như Hòa Bắc, Hòa Phú, tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ càng diễn ra phổ biến. Ngày hè các em thường chỉ biết đi chơi loanh quanh xóm, tắm sông suối, hoặc tham gia các trò chơi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Theo ông Phạm Tấn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc, trên địa bàn xã chưa được đầu tư, xây dựng khu vui chơi cho trẻ em. Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp lãnh đạo đề nghị đầu tư, xây dựng khu vui chơi, khu thể thao cho các cháu, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Tránh đầu tư cùng một lúc

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa cấp quận, huyện, xã, phường, người dân - đặc biệt là trẻ em ở hầu hết các địa phương trên địa bàn thành phố - vẫn rất thiếu chỗ vui chơi. Trong khi đó, một số công viên, nơi vui chơi bị xuống cấp, hoặc bỏ hoang vì thiếu kinh phí xây dựng, duy tu hoặc địa điểm xây dựng không phù hợp gây lãng phí lớn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Chiến - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng cho biết, Sở đã đề xuất thành phố quan tâm tăng cường đầu tư các thiết chế văn hóa cơ sở, trong đó tập trung và thiết thực nhất là các trung tâm văn hóa-thể thao xã, phường. Ở cấp quận, huyện, về cơ bản thành phố và các đơn vị liên quan thống nhất với phương án xây dựng mỗi quận, huyện một trung tâm văn hóa-thể thao và một khu vui chơi giải trí. Nhưng để bảo đảm hoạt động của các thiết chế này đi vào thực chất và phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng nên xây dựng thí điểm một mô hình, sau đó nhân rộng, tránh đầu tư cùng một lúc sẽ gây áp lực quá lớn cho ngân sách thành phố. Hiện tại Sở VH-TT&DL đang khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở ở các địa bàn, để trình thành phố trong thời gian sớm nhất. Trong đó, các khu vui chơi bị xuống cấp hoặc bỏ hoang sẽ được lưu ý và có cách giải quyết phù hợp nhất.

Đối với các nhà văn hóa xã, phường, ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa-Thể thao huyện Hòa Vang cho rằng, điều quan trọng nhất là phải tạo xây dựng được các hoạt động văn hóa, văn nghệ hấp dẫn thu hút người dân. Bởi thực tế có một số thiết chế được xây dựng khang trang nhưng rồi hoạt động không hiệu quả. Vì vậy, “không nên chỉ chăm chút cơ sở vật chất, cho cái bề ngoài một cách máy móc, xơ cứng, lãng phí”.   

Bài và ảnh: NGỌC DUNG
 

;
.
.
.
.
.