Vấn đề chính sách đãi ngộ nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ tài năng, đang được dư luận quan tâm, đòi hỏi những thay đổi có tính bước ngoặt.
Một cảnh trong vở Mỵ Châu - Trọng Thủy do các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn nhân kỷ niệm 110 năm ngày mất danh nhân tuồng Tống Phước Phổ, tháng 1-2013. |
NSND, NSƯT: Mỗi buổi tập chỉ... 15.000-20.000 đồng
Bà Lê Thị Hương Trà - Phó Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, nói với chúng tôi về chế độ tập luyện của nghệ sĩ tại nhà hát: Vai chính mỗi buổi tập được bồi dưỡng 20.000 đồng, vai phụ 15.000 đồng. Tiền bồi dưỡng một suất biểu diễn với vai chính là 50.000 đồng, vai phụ 40.000 đồng. Bà Trà cho biết, đó là quy định của Nhà nước từ năm 2006 vẫn được áp dụng đến nay, không kể đó là nghệ sĩ, diễn viên mới vào nghề hay lâu năm, nghệ sĩ chưa có danh hiệu hay đã có danh hiệu. Ngoài lương, cũng theo quy định của Nhà nước từ năm 2005-2006, các nghệ sĩ được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề 20% theo hệ số lương (với diễn viên) và 15% (với nhạc công); phụ cấp độc hại (hay gọi thanh sắc) là 0,3% (với diễn viên) và 0,2% (với nhạc công). Theo bà Trà, phụ cấp này đem lại thu nhập không đáng kể cho các nghệ sĩ.
Diễn viên trẻ mới vào nghề rất khó sống được bằng lao động nghệ thuật với tổng thu nhập cao nhất chỉ trên dưới 2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, điều khiến dư luận luôn đặt câu hỏi là chế độ đối với NSND, NSƯT - những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho nghệ thuật. Để trở thành NSND, NSƯT, họ đã phải trải qua quá trình phấn đấu nhọc nhằn nhưng lại bị cào bằng với các diễn viên, nghệ sĩ đại trà.
Đa số họ chỉ hưởng lương ở ngạch trung cấp, bậc cao nhất là 4,06 (hạng 3), vì ngành sân khấu tuồng trước giờ chưa có trường đào tạo bậc đại học, hệ cao đẳng thì cách đây mấy năm mới có một khóa. Đó là chưa kể không ít nghệ sĩ trưởng thành qua hình thức truyền nghề, không qua trường lớp đào tạo. Muốn chuyển lên ngạch lương hạng 2 thì không còn cách nào khác là phải có bằng đại học, phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn về bằng cấp theo quy định hiện hành như đối với công chức Nhà nước. Đây là yêu cầu rất khó thực hiện đối với nghệ sĩ sân khấu nói chung.
Không riêng tuồng, ở Đà Nẵng, các ca sĩ, diễn viên, nhạc công, nghệ sĩ múa... rất khó sống được bằng nghề, đòi hỏi họ phải “chân trong, chân ngoài” để mưu sinh. Có người phải đi hát tổng, hát nhạc đám ma...; các nghệ sĩ trẻ vì tất bật với các sô diễn ngoài giờ nên khó có điều kiện trau dồi nghề. “Điều này là một mảng tối trong bức tranh văn hóa nghệ thuật vốn đã khá trầm lắng của Đà Nẵng. Đặc biệt là những loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng đang đứng trước nguy cơ mai một như hiện nay”, một nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật lâu năm nói.
Bao giờ mới thay đổi?
Nói về chế độ đối với nghệ sĩ, một số ý kiến còn cho rằng, chế độ khen thưởng đối với các nghệ sĩ, diễn viên đạt thành tích cao trong các cuộc thi, liên hoan toàn quốc, khu vực chỉ áp dụng mức 0,3 với cá nhân và 0,6 với tập thể (như quy định của Nhà nước) cũng chưa thỏa đáng, chưa đủ sức động viên, khuyến khích họ cống hiến. Những điều mong muốn, kiến nghị, họ đã nói quá nhiều lần, nhưng sau nhiều năm mọi chuyện vẫn chưa có gì thay đổi.
Về vấn đề này, ông Trần Quang Thanh - Phó Giám đốc Thường trực Sở VH-TT&DL Đà Nẵng cho biết, trong khi chờ sự thay đổi từ Trung ương, Sở đang hoàn thiện báo cáo trình thành phố để xây dựng một chế độ riêng của Đà Nẵng đối với văn nghệ sĩ. Trong đó, chế độ đặc thù đối với NSND, NSƯT; nghệ sĩ tài năng (đoạt các giải thưởng, huy chương trong các cuộc thi, liên hoan cấp khu vực, toàn quốc); chế độ bồi dưỡng tập luyện và biểu diễn của các nghệ sĩ, diễn viên sẽ được đặc biệt lưu ý. Tuy nhiên, hiện tại tình hình ngân sách đang khó khăn, nên chúng ta vẫn đang phải chờ sự cân nhắc của thành phố, ông Thanh nói.
Tại Thông báo số 137/TB-VPCP, về chính sách đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với các Bộ Nội vụ, Tài chính, LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về chính sách đối với văn nghệ sĩ, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11-2013. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ VH-TT&DL cần nghiên cứu xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn quy trình xét nâng lương, chuyển ngạch bậc lương, chế độ phụ cấp nghề, chế độ bồi dưỡng tập luyện, biểu diễn, chế độ nghỉ hưu sớm, chế độ bảo hiểm xã hội cho nghệ sĩ, diễn viên; chế độ đặc thù khuyến khích học sinh, sinh viên, diễn viên theo đuổi các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Đồng thời, Bộ VH-TT&DL cần phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật ứng dụng, nhiếp ảnh, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10-2013. |
Bài và ảnh: THANH TÂN