.

Đoàn Thanh niên tham gia quản lý, vận hành khu vui chơi, giải trí: Không dễ!

.

Để khắc phục sự xuống cấp, hoạt động không hiệu quả của hàng loạt khu vui chơi giải trí, thành phố chủ trương xây dựng, triển khai Đề án “Đoàn Thanh niên tham gia quản lý, vận hành khu vui chơi, giải trí”.

Một góc khu vui chơi ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu.
Một góc khu vui chơi ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu.

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, tính đến tháng 9-2011, toàn thành phố có hơn 25 khu vui chơi giải trí, trong đó 10 khu đã ngừng hoạt động. Nhưng mới đây, theo khảo sát của các Quận Đoàn, có đến 80% các điểm đã ngừng hoạt động.

Nhiều khó khăn

Đề án “Đoàn Thanh niên tham gia quản lý, vận hành khu vui chơi, giải trí” nhằm đổi mới phương thức quản lý, vận hành và khai thác các khu vui chơi giải trí vốn lạc hậu, thiếu hiệu quả, đồng thời góp phần giúp Đoàn có thể tự chủ trong việc tạo nguồn kinh phí hoạt động. Theo đó, từ nay đến năm 2014, quận Hải Châu và Liên Chiểu là hai địa phương được chọn làm thí điểm xây dựng mô hình thiết chế văn hóa do Đoàn Thanh niên trực tiếp quản lý, vận hành, khai thác và thụ hưởng.

Thực tế lâu nay, các điểm vui chơi, giải trí dưới sự quản lý của UBND phường, nhưng vì thiếu sự đầu tư về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực nên lần lượt xuống cấp, ngừng hoạt động. Dự kiến khi chuyển giao cho Đoàn Thanh niên thì Đoàn phường sẽ là đơn vị trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, theo anh Hồ Văn Dũng, Bí thư Quận Đoàn Thanh Khê: “Phường quản lý, vận hành còn không hiệu quả, nếu chuyển giao cho Đoàn phường là nhiệm vụ quá sức, bởi hiện nay, nhân lực của Đoàn phường chỉ có hai cán bộ thường trực (bí thư và phó bí thư) với hàng trăm thứ việc của Đoàn. Đó là chưa nói đến trình độ, năng lực còn nhiều hạn chế”.

Một cán bộ Thành Đoàn cho biết, vấn đề khó nhất hiện nay để Đề án được xây dựng và triển khai thành công, đó là cần tìm ra được một mô hình khu vui chơi giải trí mới mẻ, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của người dân (nhất là giới trẻ). Thực tế, cơ sở vật chất ở các khu vui chơi, giải trí trên địa bàn thành phố đều đã lạc hậu, ngay cả những điểm đầu tư lớn cũng chỉ quanh quẩn một vài trò chơi quá quen thuộc với cả trẻ con lẫn người lớn như: đu quay, câu cá, nhà banh, cầu trượt, tô tượng… “Muốn xây dựng được khu vui chơi, giải trí chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của người dân, cần sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Xã hội hóa các khu vui chơi, giải trí là hướng đi được lựa chọn nhưng Đoàn Thanh niên chưa đủ lực để huy động được nguồn vốn lớn này. Thêm vào đó, khi để tư nhân đầu tư sẽ nảy sinh ra mâu thuẫn là người dân muốn vào chơi phải trả phí, trong khi những khu vui chơi này trên thực tế vẫn là tài sản của Nhà nước, dùng phục vụ miễn phí cho người dân”, cán bộ Thành Đoàn này nói thêm.

Xây dựng theo mô hình nhà thiếu nhi cấp quận

Qua trao đổi, nhiều cán bộ Đoàn đề xuất ý tưởng nên giao cho quận, huyện Đoàn quản lý và xây dựng thành mô hình nhà thiếu nhi ở cấp quận, huyện. Là một trong hai địa phương được dự kiến chọn làm thí điểm triển khai Đề án, anh Phan Công Bằng - Bí thư Quận Đoàn Liên Chiểu - nêu ý tưởng: “Theo tôi, nếu được, nên giao cho Quận Đoàn quản lý và thay vì tiếp tục mô hình khu vui chơi, giải trí như lâu nay thì nên xây dựng những điểm này thành một nhà thiếu nhi, cơ quan quận Đoàn sẽ được chuyển về đây.

Như vậy, Đoàn vừa có không gian để tổ chức hoạt động, vừa tiện quản lý, còn thanh-thiếu nhi không chỉ có sân chơi, giải trí mà còn gần gũi hơn với tổ chức Đoàn - Hội - Đội. Ở nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước, người ta đã thành công với mô hình này và chúng tôi tin tưởng sẽ làm được nếu có sự hổ trợ, tạo điều kiện từ các cấp lãnh đạo. Chúng tôi đang đợi hướng dẫn cụ thể”.

Nhằm bảo vệ và chăm sóc thế hệ trẻ, từ năm 2010, Chính phủ đã có Quyết định số 37 quy định tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em. Theo đó, để đạt chuẩn, mỗi xã, phường phải đạt 25 tiêu chí, trong đó có tiêu chí xây dựng sân chơi cho trẻ em. Được biết hiện nay, Đà Nẵng là địa phương duy nhất trên cả nước chưa có nhà thiếu nhi cấp quận, huyện và xếp thứ 3… từ dưới lên về thiết chế văn hóa cơ sở. Để hoàn thành được “nhiệm vụ” này, Đoàn cần nhiều cơ chế hỗ trợ đồng thời phải phát huy nội lực của chính mình.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.