(ĐNĐT) - Là bảo tàng hạng 1 cấp quốc gia, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng từ lâu đã gây ấn tượng mạnh cho đông đảo người dân và du khách vì có bộ sưu tập các hiện vật quý hiếm, độc đáo, mang giá trị cao về mặt văn hóa, mỹ thuật. Tuy nhiên, do sự chắp nối sau nhiều lần sửa chữa cục bộ nên kiến trúc, không gian trưng bày… trong bảo tàng thiếu đồng bộ và phần nào ảnh hưởng đến công tác bảo tồn, gìn giữ các bộ sưu tập hiện có.
Bảo tàng độc đáo của thế giới
Bảo tàng Điêu khắc Chăm được xây phỏng theo mô típ của các kiến trúc Chămpa với khối nhà trưng bày có không gian mở, đường nét trang trí đơn giản nhưng duyên dáng và từ lâu đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Đà Nẵng. Bảo tàng hiện nằm ở vị trí “đắc địa”, ngay giữa trung tâm thành phố, với tổng diện tích khoảng 6.000m2. Sau nhiều lần xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, công trình vẫn giữ được nét kiến trúc Chămpa và kế thừa bố cục trưng bày ban đầu. Hệ thống chiếu sáng, âm thanh, các phương tiện bảo vệ hiện vật được trang bị bổ sung và từng bước hiện đại hơn.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng thời Pháp thuộc |
Bảo tàng đang trưng bày khoảng 500 tác phẩm điêu khắc nguyên bản bằng chất liệu sa thạch, số ít là đất nung được sưu tập từ các đền, tháp Chăm nằm rải rác ở miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận.
Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho biết: “Những tác phẩm hiện có ở đây được đánh giá là những hiện vật quý hiếm, độc đáo bậc nhất về nghệ thuật điêu khắc Chămpa, có giá trị cao không chỉ về văn hóa mà cả về tính mỹ thuật, kiến trúc. Đây là một di sản quý báu không chỉ của Đà Nẵng, của Việt Nam mà của cả thế giới”.
Còn theo nhận định của ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm được coi là một báu vật của quốc gia mà người dân Đà Nẵng may mắn được thay mặt cả nước quản lý và gìn giữ cả trăm năm qua.
“Phải nói đây là một nơi thể hiện đầy đủ nhất, tập trung nhất các hiện vật của Chămpa nằm rải rác khắp nơi ở khu vực miền Trung. Từ đó, tạo thành một địa điểm lưu giữ những hiện vật “độc nhất vô nhị” về nghệ thuật điêu khắc Chămpa với phong cách đa dạng, ở nhiều niên đại khác nhau, phản ánh tầm nhìn, cách nghĩ của người Chăm trong tiến trình lịch sử”, ông Tiếng nhấn mạnh.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm có kiến trúc khá độc đáo |
Không chỉ với những người trong giới nghiên cứu, mà đối với hầu hết những du khách sau khi tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm đều có chung một nhận định rằng, đây là một địa điểm tham quan rất hấp dẫn và họ sẽ thật tiếc nếu bỏ qua. “Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng thực sự rất ấn tượng với những hiện vật trưng bày ở đây. Nó rất độc đáo mà không nơi nào khác có được. Tôi cũng khá thú vị và bất ngờ về cách bảo quản các hiện vật này từ hàng trăm năm qua nhưng tới nay vẫn khá ổn”, ông Kachler Fernand (65 tuổi), du khách người Pháp bày tỏ.
Thiếu đồng bộ về công năng sử dụng, trưng bày
Từ tòa nhà đầu tiên tồn tại cách đây gần 100 năm, tới nay, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã qua nhiều lần mở rộng, cải tạo bổ sung. Năm 1936, bảo tàng được mở rộng thêm 2 gian. Thời điểm những năm 1960-1975, mở rộng thêm một gian và đến năm 2000, thành phố đã xây dựng thêm tòa nhà cao 2 tầng phía sau tòa nhà chính.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm được xây dựng từ năm 1915 và chính thức khánh thành vào đầu năm 1919. Tháng 7-2007, UBND thành phố Đà Nẵng có Quyết định số 5070/QĐ-UBND về việc thành lập Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, là một đơn vị độc lập với Bảo tàng Đà Nẵng, trực thuộc Sở VH-TT&DL thành phố Đà Nẵng. Tháng 11-2011, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được Bộ VH-TT&DL công nhận bảo tàng hạng 1 quốc gia. Theo Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 156/2005/QĐ-TTg (23-6-2005), Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng thuộc nhóm các bảo tàng “từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng và mở rộng phạm vi hoạt động cấp quốc gia”. |
Mặc dù đường nét bên ngoài vẫn mô phỏng theo thiết kế của tòa nhà đầu tiên, song theo ông Thắng, bảo tàng hiện nay không đồng bộ cả về công năng sử dụng lẫn công năng trưng bày hiện vật. “Do thời gian sửa chữa, duy tu là khác nhau, hơn nữa, mỗi lần sửa chữa một ít nên từ vật liệu xây dựng đến mặt bằng kiến trúc… đều không đồng bộ mà chỉ là sự chắp vá”, ông Thắng nhấn mạnh.
Ngoài ra, tình trạng xuống cấp và thấm dột, bong tróc tường, gạch nền… ở một số vị trí trong bảo tàng là khó tránh khỏi và đã xảy ra vài năm nay, nhất là ở tòa nhà xây dựng đầu tiên. Bên cạnh đó, việc bố trí, trưng bày hiện vật bên trong bảo tàng chưa được sắp xếp một cách đồng bộ, trong khi lộ trình tham quan, các phòng, gian trưng bày chưa thực sự ăn khớp… cũng một phần có nguyên nhân từ việc chắp nối diện tích của bảo tàng.
Ông Bùi Văn Tiếng cho rằng, dù đã được mở rộng nhiều lần song không gian hiện nay của bảo tàng là quá chật hẹp: “Hiện nay, số lượng du khách tới bảo tàng này ngày càng đông. Tuy nhiên, số cổ vật trưng bày, diện tích phòng trưng bày… như hiện tại thì không theo kịp tiêu chuẩn của một bảo tàng hiện đại. Đó là chưa kể tới số cổ vật mới phát hiện và còn nằm trong kho rất lớn, vì thế cần mở rộng không gian trưng bày cho những cổ vật này”.
Theo ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) thành phố Đà Nẵng, sự xuống cấp của bảo tàng này là thực tế đang diễn ra, bởi ngoài tác động do yếu tố thời gian, còn có sự ảnh hưởng không ít của điều kiện thời tiết nên yêu cầu phải có sự cải tạo, nâng cấp là rất cần thiết, cấp bách.
Nhiều mảng tường ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm bị bong tróc, thấm nước. |
Được biết, lần nâng cấp phòng trưng bày gần đây nhất được tiến hành cho hai phòng Mỹ Sơn và Đồng Dương (được khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2009). Đây là hai phòng trưng bày được coi là đẹp nhất của bảo tàng hiện nay. “Song đây mới chỉ là hai phòng mang tính thí điểm để từ đó có phương án hoàn thiện các phòng khác cũng theo hướng này. Nhưng kể từ đó tới nay, kinh tế khó khăn nên nguồn kinh phí cho sửa chữa, nâng cấp phòng trưng bày chưa được đáp ứng”, ông Thắng cho hay.
Thời gian qua, bảo tàng này đã được duy trì theo mức độ hiện hữu để phục vụ du khách thông qua các hoạt động mang tính chuyên môn như: trưng bày nhiều bộ sưu tập; trưng bày theo chuyên đề; liên kết với một số tỉnh bạn, kể các một số nhà sưu tập tư nhân… để giới thiệu cổ vật; thường xuyên tổ chức một số trưng bày mang tính thường kỳ để nâng cao tính đa dạng, hấp dẫn cho bảo tàng. Ngoài ra, Bảo tàng cũng phối hợp với một số đơn vị liên quan tiến hành các hoạt động khai quật nhằm sưu tầm thêm hiện vật và phục vụ nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, vấn đề cần nhất hiện nay là làm sao có sự đầu tư đúng mức để hóa giải bài toán thiếu đồng bộ về công năng sử dụng, trưng bày như hiện nay.
Các phòng trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng: Phòng Quảng Trị: Hiện trưng bày 14 tác phẩm, hầu hết có niên đại thế kỷ VII-VIII, được khai quật từ các địa danh ở tỉnh Quảng Trị như: Nam Giáp, Hà Trung, Thạch An, Đa Nghi và đưa về bảo tàng từ những năm 1918 và 1935. Phòng Trà Kiệu: Hiện tại có 43 tác phẩm, phần lớn có niên đại thế kỷ VII-VIII và XI-XII đang được trưng bày tại đây. Phòng Mỹ Sơn: Hiện đang trưng bày 18 hiện vật, gồm 3 nhóm hiện vật: nhóm hiện vật trong các tháp chính, nhóm hiện vật ở các tháp phụ và nhóm các hiện vật trang trí trên trán cửa hoặc trên tường tháp nói chung. Ngoài ra, tại đây cũng đang trưng bày một tấm bia chữ Sanskrit và chữ Chăm cổ (ký hiệu 1.1). Phòng Đồng Dương: Là phòng trung tâm của bảo tàng, được thiết kế hiện đại và đẹp nhất hiện nay. Đồng Dương là một di tích Chăm tại làng Đồng Dương (xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 60 km về phía tây nam. Phòng Tháp Mẫm - Bình Định: Hiện tại phòng Tháp Mẫm - Bình Định trưng bày 67 hiện vật, niên đại từ thế kỷ XII - XV. Hành lang Quảng Nam: Hiện trưng bày 32 hiện vật, niên đại thế kỷ VII - VIII và IX - X, được khai quật từ nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Nam. Hành lang Quảng Ngãi: Hiện trưng bày 14 hiện vật, niên đại từ cuối thế kỷ X đến giữa thế kỷ XI, hầu hết được khai quật và mang về từ Chánh Lộ và một số địa danh khác ở tỉnh Quảng Ngãi. Chánh Lộ cũng là tên gọi mà Boisselier đã chọn để đặt tên cho phong cách nghệ thuật chuyển tiếp giữa Mỹ Sơn A1 và Tháp Mẫm. Phòng trưng bày mở rộng: Được chính thức khai trương từ ngày 28-4-2004, trưng bày gần 150 tác phẩm thuộc nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau, chủ yếu được sưu tầm sau năm 1975 và được chia thành các bộ sưu tập: Quảng Trị, Trà Kiệu, Quảng Nam, An Mỹ, Chiên Đàn, Bình Định - Tháp Mẫm, Quá Giáng - Khuê Trung và Phú Hưng. |
Bài và ảnh: Đắc Mạnh
(Còn tiếp)