.
Nâng cấp, cải tạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

Lời giải nào cho bài toán bảo tồn di sản?

.

(ĐNĐT) - Mỗi năm, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng thu hút khoảng 200.000 lượt người đến tham quan, trong đó hơn 90% là du khách nước ngoài. Điều này càng đặt ra cho chính quyền thành phố Đà Nẵng yêu cầu cấp bách trong việc đầu tư, nâng cấp, bảo tồn giá trị văn hóa, mỹ thuật độc đáo của bảo tàng để nơi đây luôn là điểm đến hấp dẫn của bất cứ du khách nào khi ghé thăm Đà Nẵng.

Khó về kinh phí vận hành

Theo ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, bảo tàng đang rất cần một sự đầu tư lớn với thiết kế đồng bộ từ cơ sở vật chất, phòng trưng bày cho tới việc trang bị thêm các thiết bị kỹ thuật theo đúng yêu cầu của một bảo tàng hiện đại. Để có thể làm được điều đó thì số vốn đầu tư thực hiện phải lên tới cả trăm tỷ đồng - một con số vượt quá khả năng tự chủ của bảo tàng.

Một số hiện vật quý được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm
Một số hiện vật quý được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là đơn vị sự nghiệp “tự đảm bảo chi phí hoạt động” theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP. “Tự đảm bảo” này chỉ gói gọn trong khoản kinh phí được giao để trả lương, chi thường xuyên (được cơ quan quản lý tài chính thẩm định trên cơ sở thực chi những năm trước rồi quy ra theo tỷ lệ nguồn thu từ bán vé để giao hằng năm theo hình thức khoán). Hiện bảo tàng có tổng số 38 cán bộ, nhân viên và người lao động. Song ông Thắng cho hay, số người làm công tác chuyên môn ở bảo tàng còn thiếu, yếu về trình độ ngoại ngữ; một số vị trí như: họa sĩ thiết kế trưng bày, nhân viên đồ họa, CNTT… lại chưa có.

Giá vé hiện nay của bảo tàng là 30.000 đồng/vé/người lớn; 5.000 đồng/vé/sinh viên, học sinh và miễn phí cho trẻ em. Trong 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm bảo tàng thu khoảng 5 tỷ đồng tiền vé. Năm 2008-2009, bảo tàng được trích lại 40% tiền vé để chi trả lương và hoạt động thường xuyên. Từ năm 2013, được tăng lên 70% theo mức trượt giá và lộ trình nâng lương cho viên chức, người lao động. Tuy nhiên, khoản kinh phí này chỉ đủ cân đối tiền lương và chi phí cấp thiết để duy trì hoạt động chứ không thể đầu tư thay đổi lớn về cơ sở vật chất, trưng bày, bảo quản, quảng bá và tuyển dụng nhân lực theo yêu cầu phát triển của một bảo tàng có đẳng cấp mang tầm vóc khu vực ASEAN và châu Á.

Trong khi chờ đợi sự đầu tư kinh phí để xây dựng, nâng cấp bảo tàng ngày càng quy mô hơn, thì việc cần làm trước mắt là phải nhanh chóng xử lý sự hư hỏng, xuống cấp, trong đó ưu tiên chống thấm cục bộ tại một số vị trí trong bảo tàng. “Tất nhiên là chống đỡ tạm thời chứ chưa triệt để được. Còn đối với những vị trí nền bong tróc, sẽ tiến hành thay thế. Những hạn chế trong cách thức trưng bày thì các hướng dẫn viên tìm phương thức giới thiệu sao cho hợp lý”, ông Thắng nói.

Sẽ nâng cấp, mở rộng hay xây thêm bảo tàng mới?

Vừa qua, đã có một số ý tưởng thiết kế nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm được đưa ra, về cơ bản là theo hướng kết hợp cải tạo toàn diện cảnh quan sân vườn lẫn không gian trưng bày. Trong đó, phương án được ưu tiên hơn cả là vẫn giữ nguyên tòa nhà trước với ý nghĩa bảo tồn một công trình kiến trúc đẹp và quen thuộc của thành phố; đồng thời, cung cấp đủ không gian trưng bày phù hợp với lộ trình tham quan tổng thể, khớp nối với cả hai phòng trưng bày mẫu vừa hoàn thành năm 2009. Dự toán chi phí cải tạo khoảng 50 tỷ đồng, nếu có thêm các phần tư vấn trưng bày thì có thể dự toán còn cao hơn.

Tuy nhiên, theo phân tích của ông Võ Văn Thắng, số tiền này khá lớn và hiện khó tìm được nguồn đầu tư. Nếu xin kinh phí từ ngân sách Nhà nước để đầu tư, sau đó sẽ thu lại thì trong giai đoạn kinh tế còn đang gặp khó khăn như hiện nay, không dễ gì được thông qua. Ngoài ra, cũng có thể lập những dự án để xin tài trợ của các tổ chức nước ngoài nhưng giải pháp này chỉ kỳ vọng những hỗ trợ mang tính nghiên cứu hoặc tư vấn chứ không thể giải quyết được các vấn đề cơ bản, nhất là xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.

Vì vậy, một phương án khác là sẽ lập Dự án tổng thể cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, có Chính phủ và thành phố đứng ra bảo lãnh, sau đó sẽ vay vốn của ngân hàng trong nước hoặc thế giới để triển khai, rồi sẽ hoàn vốn và lãi theo thỏa thuận. Nếu vay thì sẽ phải tính toán, cân nhắc việc tăng giá vé tham quan, có thể sẽ điều chỉnh vượt khung lên mức 90.000 đồng/vé/người (mức giá cao nhất hiện nay là 40.000 đồng/vé/người). Mức thu sẽ là 15 tỷ đồng/năm và ông Thắng tính toán, nếu vay 50 tỷ đồng, lãi suất 6% (bằng lãi suất gói 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ bất động sản) thì dự kiến sau 7-10 năm có thể trả hết nợ cả vốn lẫn lãi.

Du khách nước ngoài đến tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng
Du khách nước ngoài đến tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

Về ý tưởng nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm do ông Thắng đưa ra, ông Trần Quang Thanh cho biết, lãnh đạo Sở VH-TT&DL rất hoan nghênh và đánh giá cao, bởi đây là một yêu cầu cấp thiết đặt ra để đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách ngày càng lớn và góp phần nâng tầm bảo tàng này xứng với vị thế một công trình di dản quý giá - một báu vật cấp quốc gia. Ông Bùi Văn Tiếng cũng đồng tình quan đểm này và chia sẻ: “Nếu cải tạo, nâng cấp, mở rộng thêm mà làm sao vẫn giữ được phong cách kiến trúc cũ và xây dựng ngay tại chỗ đó thì rất tốt”.

Ở một góc độ khác, ông Bùi Văn Tiếng cũng đề cập đến một phương án mới. Đó là có thể xây dựng một Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2, nằm ngay trên khu vực mới vừa phát hiện và khai quật di tích Chăm tại làng Phong Lệ (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Tại địa điểm này, có thể đầu tư xây dựng một bảo tàng mới nhưng quy mô nhỏ hơn, biến nơi đó thành bảo tàng ngoài trời, một “phiên bản” khác của Bảo tàng Điêu khắc Chăm hiện nay. Từ đó, phân bố lại hiện vật trưng bày theo niên đại, hoặc theo phong cách, hoặc giữ nguyên ở dưới (cơ sở 1 - PV), còn những hiện vật mới phát hiện thì trưng bày ở bảo tàng mới.

“Việc có hai địa điểm trưng bày sẽ kéo giãn thời gian tham quan của khách. Có thể buổi sáng họ đi cơ sở 1, buổi chiều đi cơ sở 2. Đó cũng là một cách để kéo dài thời gian lưu trú của du khách, góp phần vào việc phát triển ngành du lịch nói chung”, ông Bùi Văn Tiếng nhấn mạnh.

Ý tưởng này cũng khá thú vị và được Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Trần Quang Thanh bày tỏ sự đồng tình: “Bởi hiện tại thì khu vực phát lộ của di tích Chăm ở làng Phong Lệ đã là một bảo tàng ngoài trời của nghệ thuật điêu khắc Chăm. Chỉ cần xây dựng thêm một phòng trưng bày nhỏ là tạm ổn. Hiện đối với di tích này, Sở cũng đang xem xét lập hồ sơ để được công nhận là di tích cấp thành phố, sau đó sẽ đề nghị công nhận là di tích cấp quốc gia”.

Với phương án này, cũng cần phải tính đến hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Tiếng, đầu tư cho văn hóa thì có thể thu lại sẽ chậm, nhưng mục đích chính là quảng bá văn hóa nên phải tính toán thật kỹ. Nếu tính mà có hiệu quả cao thì dù có đầu tư 100 tỷ đồng cũng nên làm. Còn việc cải tạo, nâng cấp theo phương án triển khai dự án tại chỗ (địa điểm hiện tại) thì có một số nhược điểm như: khi thi công sẽ bị gián đoạn một thời gian, du khách không thể tham quan. Rồi công tác bảo tồn các hiện vật cổ ra sao; vấn đề an ninh lúc thi công dự án như thế nào... cần cân nhắc thận trọng.

“Nên chăng tìm một đơn vị rồi kêu gọi sự đầu tư và thống nhất cho họ khai thác trong bao nhiêu năm đó. Song, có tính tới việc xã hội hóa thì cũng phải liên kết chứ không thể giao khoán hoàn toàn cho họ quản lý. Bởi bảo tàng không giống với một công trình kinh tế bất kỳ khác như cầu cống, đường sá… Bảo tàng có giá trị văn hóa vô giá”, ông Tiếng bày tỏ quan điểm.

Về bài toán vay vốn của ngân hàng, sau đó sẽ trả nợ dần bằng số tiền thu từ bán vé, ông Trần Quang Thanh cho rằng chưa mang tính chắc chắn và chưa khả thi: “Nếu vay vốn rồi nhưng không được phép tăng giá vé lên mức 90.000 đồng/vé như dự tính thì sao? Bởi mức giá là phải theo quy định của Chính phủ, mà hiện nay thì chưa có một bảo tàng nào được phép thu quá mức ban hành như hiện tại. Hơn nữa, cũng phải tính toán tới những rủi ro gặp phải, chẳng hạn như có chắc chắn lượng khách sẽ đến bảo tàng này duy trì được con số như hiện tại và năm sau sẽ cao hơn năm trước hay không? Cần phải tính toán kỹ lưỡng lắm mới làm được”.

Hiện Sở VH-TT&DL cũng đã có công văn gửi Bảo tàng  Điêu khắc Chăm, đề nghị bảo tàng cần làm rõ hơn những nội dung cụ thể của đề án nâng cấp, cải tạo bảo tàng. Trong đó, triển khai rà soát lại nhân sự hiện có tại đơn vị, đánh giá năng lực và khả năng chuyên môn của từng vị trí để xây dựng lộ trình cụ thể cho từng năm nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của bảo tàng theo đề án.

Về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, hiện vật trưng bày, bảo tàng cũng cần xây dựng hai phương án là vay ngân hàng và xã hội hóa kèm theo lộ trình cụ thể cho từng năm, trong đó có đánh giá ưu, khuyết điểm của từng dự án. Việc tăng giá vé, đại diện bảo tàng cần làm việc với Sở Tài chính cùng các đơn vị liên quan để tham khảo ý kiến và xin chủ trương của thành phố để khi báo cáo đề án sẽ có tính thuyết phục hơn.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh

;
.
.
.
.
.