.

Thắm tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ

.

Sáng nay (23-10), Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Ấn Độ 2013 chính thức bắt đầu ở Đà Nẵng, với chương trình tọa đàm “Giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ” tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

Đoàn Nghệ thuật Múa Odissi Ấn Độ biểu diễn tại Đà Nẵng, nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ, tháng 4-2012.
Đoàn Nghệ thuật Múa Odissi Ấn Độ biểu diễn tại Đà Nẵng, nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ, tháng 4-2012.

Nối nhịp cầu văn hóa

Hòa trong dòng chảy tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị thắm thiết Việt Nam - Ấn Độ hơn 40 năm qua, không thể không kể đến sự vun đắp từ những hoạt động giao lưu văn hóa. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Đà Nẵng là một trong 3 thành phố được chọn là nơi diễn ra Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Ấn Độ 2013. Thực tế cho thấy, từ lâu việc nối nhịp cầu văn hóa đã được Đà Nẵng và Ấn Độ chú trọng.

Thời gian qua, Đà Nẵng đã phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật sôi nổi tại Đà Nẵng như: biểu diễn múa Odissi Ấn Độ vào năm 2008 và năm 2012 nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ; biểu diễn của đoàn nghệ thuật Bollywood năm 2011... Bên cạnh đó, Đại sứ quán Ấn Độ còn phối hợp với Sở Ngoại vụ thành phố tổ chức các hoạt động như Tuần lễ phim Ấn Độ (tháng 6-2010) tại Đà Nẵng; biểu diễn nhạc rock Ấn Độ tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) vào đầu năm 2013 nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối tác Ấn Độ - ASEAN; tổ chức cho các nhà thơ Đà Nẵng tham gia triển lãm thơ quốc tế tại Ấn Độ...

Theo ông Huỳnh Đức Trường - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng, các hoạt động văn hóa nghệ thuật giữa Đà Nẵng và Ấn Độ trong thời gian qua đã trở thành nhịp cầu nối bền chặt, góp phần tô thắm tình hữu nghị hai nước Việt - Ấn.

Dấu ấn văn hóa Chăm - Ấn

Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Ấn Độ 2013 sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 26-10 tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đây là lần thứ 3 liên hoan được tổ chức tại Việt Nam.

Tại Đà Nẵng, liên hoan do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như tọa đàm giao lưu văn hóa, biểu diễn nghệ thuật… Liên hoan kéo dài đến hết ngày 25-10.

Cũng theo ông Huỳnh Đức Trường, nói đến dấu ấn của tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ tại Đà Nẵng, ở lĩnh vực văn hóa không thể không nhắc đến khái niệm tồn tại khá lâu đời trên dải đất miền Trung này: Sự giao thoa văn hóa Chăm - Ấn. Văn hóa Ấn Độ được cảm nhận một cách sâu sắc tại Đà Nẵng bởi nền văn hóa Chămpa ở các lĩnh vực kiến trúc, nghệ thuật, tôn giáo và tín ngưỡng.

Trước đây, Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam bang Tây Bengal từng đến thăm Đà Nẵng và tìm tư liệu để viết sách về Tháp Chàm và văn hóa Chăm trong một thời gian dài. Năm 2012, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội cũng phối hợp với Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ (ICCR) và Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (VICAS) tổ chức Hội thảo “Mối liên hệ văn minh Chăm giữa Việt Nam và Ấn Độ” tại Đà Nẵng. Hiện nay, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng phối hợp với Học viện Bảo tàng quốc gia về lịch sử nghệ thuật, bảo tồn và bảo tàng học Ấn Độ xúc tiến, triển khai dự án hợp tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản ấn phẩm “Điêu khắc Chăm của Việt Nam và mối quan hệ với nghệ thuật Ấn Độ”.

Tọa đàm “Giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ” là dịp để tìm hiểu thêm về mối liên hệ, ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đến văn hóa của cộng đồng người Chăm ở miền Trung, trong đó có Đà Nẵng. “Nghiên cứu về cội nguồn và những ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đến văn hóa Chămpa cũng là trách nhiệm của Đà Nẵng trong việc gìn giữ, vun đắp những tài sản quý giá của văn hóa và quan hệ hữu nghị, hợp tác của hai dân tộc”, ông Trường khẳng định.  

Bài và ảnh: THANH TÂN
 

;
.
.
.
.
.