Tưởng tìm hiểu kỹ phương pháp dạy con ở các nước phát triển sẽ giúp đem lại nhiều lựa chọn tối ưu, thực tế quan điểm, phương cách giáo dục của Âu và Á lắm khi tréo ngoe khiến các ông bố, bà mẹ khó biết đường nào mà lần.
Lo ngại cách chăm sóc theo kiểu bảo bọc khiến trẻ chỉ biết dựa dẫm và thiếu mạnh mẽ đương đầu với cuộc sống, nhất là ở những gia đình có “hội chứng con một”, các bà mẹ trẻ hiện nay đã tìm hiểu nhiều phương pháp dạy con của các nước phát triển để hy vọng cải thiện tình hình. Trong đó, Mỹ và Nhật là hai quốc gia được nhiều bà mẹ Việt quan tâm học hỏi trong lĩnh vực này.
Hầu hết các bà mẹ có con dại vô cùng ngưỡng mộ cách nuôi dạy con của người Mỹ. Bởi lẽ, trong khi phụ nữ Việt Nam đầu tắt mặt tối, bơ phờ vì 24/24 giờ phải quần quật chăm con, thì các chị em ở nửa bên kia trái đất dù con nhỏ đến mấy cũng có riêng cho mình giấc ngủ ngon lành. Người Mỹ thường tập trẻ ngủ riêng ngay từ 3 tháng tuổi.
Theo kinh nghiệm được chia sẻ từ các bà mẹ Mỹ, 3 tháng tuổi, mỗi buổi tối trẻ được tắm, cho uống sữa và đặt vào phòng ngủ. Ban đầu, bé khóc đòi mẹ. Tuy nhiên, mẹ không đến bên con ngay để dỗ dành mà đợi vài phút sau mới xuất hiện. Cứ thế vài ngày, trẻ dần quen với việc tự dỗ mình vào giấ c ngủ. Được biết, để yên tâm khi con ngủ một mình, nhiều gia đình gắn camera hồng ngoại theo dõi từ bên ngoài.
Nghe những chia sẻ này, không ít chị em của ta trầm trồ thán phục và cũng học cách tự “giải phóng” bản thân. Khổ nỗi thực tế, từ bao đời nay ở Việt Nam, con cái, nhất là con nhỏ có bao giờ rời mẹ. Bàn tay ôm, cái vuốt ve, lời hát ru hời của mẹ đã trở thành nguồn sống thiêng liêng của bao thế hệ người Việt; và việc dỗ dành, ôm ấp con ngủ cũng là một phần không thể thiếu của mỗi người mẹ ở đất nước chúng ta. Thế nên, thấy mẹ Mỹ sung sướng, mẹ Việt cũng… thèm chơi vì không thể yên tâm khi để một đứa trẻ bé nhỏ thế kia tự lập quá sớm. Biết đâu có muỗi đốt, biết đâu con trớ sữa, biết đâu con có điều gì khó chịu trong người v.v… là muôn vàn lo lắng của mẹ khi để con ngủ một mình. Vậy là thôi thì nằm bên con cho yên tâm.
Tuy vậy, vẫn có một số bà mẹ trẻ quyết học theo Tây bằng cách tập con ngủ riêng ngay từ lúc lọt lòng. Nói là ngủ riêng nhưng thực tế bé vẫn nằm bên cạnh sự giám sát của người giúp việc. Thấy vậy, lắm bà mẹ thời trước lâu lâu “nhắc khéo”: “Nó có con dại mà có ngủ với con đâu”.
Trong khi áp dụng theo người Mỹ có phần hơi bất cập, thì mẹ Việt lại có vẻ cực kỳ hòa hợp khi học theo cách của người Nhật. Không ngạc nhiên khi trường mầm non mô hình Nhật Bản, sách dạy con theo kiểu mẹ Nhật, clip mẹ Nhật chuẩn bị cho con đi học v.v… được chào đón sôi nổi.
Một cuốn sách “mới” có tên “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” của Ibuka Masaru - người sáng lập tập đoàn Sony, nhà nghiên cứu giáo dục, đang được chào đón nồng nhiệt trên thị trường sách Việt Nam là ví dụ cho phong trào dạy con theo kiểu Nhật Bản. Sách xuất bản từ năm 1971, nay được “khai quật” lại trước nhu cầu của các ông bố, bà mẹ trẻ. Không phải vì tò mò làm cách nào để con cũng trở thành một nhà sáng lập tập đoàn nổi tiếng như Sony, lý do khiến người đọc quan tâm tới cuốn sách là hy vọng con mình lớn lên trong tình yêu thương nhưng vẫn sớm biết tự lập, kỷ luật như người Nhật.
Lý luận của Ibuka có nhiều điểm ngược với phương Tây như “Ngủ chung là cách giao tiếp không thể tuyệt vời hơn với trẻ”, “Hãy tạo ra “tật xấu” bế trẻ nhiều hơn”. Ông còn đưa ra nhiều câu chuyện giúp cha mẹ vừa gần gũi, theo sát con (vốn rất phù hợp với người Việt Nam), nhưng đồng thời không áp đặt con. Đây là điều tưởng dễ thực hiện, nhưng ranh giới lại mong manh. Bao bọc, chở che đến áp đặt là khoảng cách mơ hồ mà chính cha mẹ đôi khi không nhận ra mình đang phạm vào vùng cấm ấy.
Ibuka cũng khẳng định, dạy trẻ sớm không có nghĩa chuẩn bị cho trẻ vào lớp một, tạo ra môi trường cho trẻ phát huy hết khả năng chứ không phải nhồi nhét cái gọi là “khả năng”, gây áp lực buộc trẻ bộc phát. Ở điểm này, lại là điều mơ hồ mà không ít phụ huynh mãi loay hoay “giáo dục” con.
Dù sao thì Ibuka hay những nhà nghiên cứu ở quốc gia phát triển nào đó cũng chỉ là một người ngoài cuộc trong “công cuộc” dạy con của mỗi bà mẹ. Vì thế, dạy con theo nước nào luôn là điều ông bố, bà mẹ trẻ băn khoăn tìm kiếm.
THU HOA