(ĐNĐT) - Những năm gần đây, trên địa bàn Đà Nẵng xuất hiện ngày càng nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cà phê thiết kế mang phong cách dân dã. Ngay từ khi xuất hiện, mô típ cổ hóa này đã được nhiều người yêu thích bởi giữa một đô thị hiện đại, nét mộc mạc, chân quê của phong cách này như một dấu lặng, êm đềm và thân thiết, khiến tâm hồn con người dịu lại, quên đi bao bộn bề lo toan.
Một quán ăn dân dã ở ngay con đường trung tâm thành phố. |
Mộc mạc, thanh bình
Dạo quanh thành phố Đà Nẵng bây giờ, không hiếm những nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, thậm chí là nhà ở mang phong cách kiến trúc “hương đồng gió nội”. Ngay cả ở các con đường trung tâm như Nguyễn Văn Linh, Lê Lợi, Bạch Đằng, hay các đường lớn như Hoàng Sa… dù xung quanh là các tòa nhà, cửa hàng lớn nhưng những hàng quán mang phong cách này vẫn giữ được nét riêng, thu hút sự chú ý của nhiều người.
Đặc biệt, có nhiều hàng quán đã trở thành điểm đến lý tưởng cho người dân và du khách vào dịp cuối tuần như cà phê Trúc Lâm Viên, Không Gian Xưa, Mỳ quảng Bà Năm, Madam Lân, Hương cốm, Dân dã quán…Thông thường, những hàng quán kiểu này được thiết kế với lối kiến trúc khá xưa, mang phong cách vừa hoài cổ vừa phảng phất văn hóa đồng quê xưa từ mái tranh, bàn ghế làm từ tre nứa đến “điểm xuyết” những ụ rơm, bụi trúc, bụi tre, chum nước, gáo dừa, đôi quang gánh…tạo cho người ta cảm giác gần gũi, thân quen khi đến những nơi này. Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Lịch sử thành phố Đà Nẵng, nói: “Tôi rất thích những hàng quán kiểu này bởi lẽ giữa phố thị ồn ào, được đắm chìm vào một góc làng quê thanh bình và êm đềm như vậy, tôi cảm giác như được trở về không gian văn hóa của làng quê Việt Nam, rất đỗi gần gũi, thân thương”.
Không chỉ nhà hàng, quán ăn, quán cà phê “chạy” theo phong cách này mà cả các quán nhậu bình dân cũng “chuộng” mốt quay về với đồng quê này. Anh Lê Tuấn Anh (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) nhận xét: “Buổi chiều tối sau khi đi làm về, đến những quán dân dã này là “đúng bài” luôn. Bàn ghế làm bằng tre nứa tạo cảm giác rất mộc mạc, dễ chịu. Tôi cho rằng, xu hướng các quán ẩm thực quay về với cách bài trí quê nhà này rất là đặc biệt”.
Một góc không gian quán quay về với đồng quê. |
Kỳ công quay lại phong cách giả cổ
Người dân Đà thành có lẽ không còn xa lạ với Trúc Lâm Viên-một nhà hàng xanh giữa lòng thành phố. Anh Nguyễn Văn Hoàng Lâm, chủ nhà hàng Trúc Lâm Viên chia sẻ ý tưởng xây dựng nhà hàng giả cổ này rằng, “Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, tiện nghi, có rất nhiều nhà hàng, quán cà phê mang phong cách châu Âu nên muốn mở hàng quán, chắc chắn phải chọn một lối đi khác. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết định đi ngược lại với phong cách của họ bằng cách quay về với truyền thống dân tộc, với không gian xưa cũ, và Trúc Lâm Viên ra đời từ đó”. Anh Lâm cũng tâm sự về những khó khăn khi đầu tư vào phong cách giả cổ này, “Tôi cất công ra tận Huế mua nhà cổ, cây cổ thụ và những món đồ cổ về đây xây dựng trên mảnh đất này, không gì khác hơn là tạo ra một không gian riêng biệt, tạo cho thực khách cảm giác được quay về với thú điền viên, thanh bình, mộc mạc”.
Cũng như anh Lâm, chị Phương Linh-chủ quán Hương Cốm cũng đầu tư tâm sức để quán ăn của mình tái hiện được khung cảnh Hà Nội xưa. “Tôi dựng quán bằng tranh, mái tranh để tạo không gian xưa cổ, rồi đi lựa từng chiếc nón lá, đôi quang gánh, chum, bụi chuối…để trang trí cho không gian quán”. Chị Linh cũng chia sẻ thêm, trong cuộc sống hiện đại bây giờ, để tìm mua những vật dụng thuộc về thời xa xưa là rất vất vả. “Tôi phải về phố cổ Hà Nội để đặt mua vật liệu, có khi thiếu lại vào Hội An mua, rồi đặt mua thêm ở các tỉnh miền núi phía Bắc nữa mới đủ vật dụng để bài trí quán”.
Quả thực, xu hướng ẩm thực quay về với đồng quê này là một xu hướng rất đặc biệt. Chính tại những hàng quán dân dã giữa lòng phố thị này, tâm hồn con người sẽ cảm thấy bình yên, tạm gác lại bao bon chen đời thường.
Bài và ảnh: Quỳnh Trang