“Văn học là nhân học”, có lẽ do sự tương đồng ở điểm này với sự nghiệp trồng người củaa ngành giáo dục, trong nền văn học Việt Nam có khá nhiều nhà văn từng là nhà giáo, hoặc thực hiện song song hai chức trách cầm bút và cầm phấn.
Nhà văn Ma Văn Kháng, Nhật Chiêu đều xuất thân là nhà giáo. |
Xưa kia, trong nền Nho học, nhiều nhà giáo đồng thời là những nhà văn hóa lớn. Ngay trước Cách mạng Tháng 8-1945 có Phạm Duy Tốn, Nguyễn Công Hoan, Hoàng Ngọc Phách, Hoài Thanh, Nguyên Hồng, Nam Cao... Ngày nay, những cái tên như Phong Thu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Đinh Thị Như Thúy, Võ Diệu Thanh, Niê Thanh Mai, Mai Anh Tuấn... đã và đang đóng góp trong cả hai “nghiệp chữ” này.
“Soi” trang văn thấy… nhà giáo
Có một đặc điểm thú vị, đó là hình ảnh người giáo viên và môi trường sư phạm xuất hiện tương đối nổi bật trong trang văn của những nhà văn từng là nhà giáo. Điều này ít gặp trong những trang viết của những nhà văn chưa từng đứng trên bục giảng.
Trước đây nhà văn Nam Cao từng phác họa những chân dung “giáo khổ trường tư” rất điển hình trong Sống mòn thì nhà văn Ma Văn Kháng cũng vẽ những chân dung các nhà giáo với muôn vàn tâm sự, nỗi niềm. Đều là những người tài hoa, giỏi nghề, yêu học trò, sống có lý tưởng cao đẹp nhưng người thầy trong tác phẩm của Ma Văn Kháng lại luôn bị đẩy vào hoàn cảnh trớ trêu. Đó là Tự trong tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú bị dồn ép, tước đoạt cả quyền được dạy học. Đó là thầy Khiển (trong truyện Thầy Khiển) bị trù dập đầy vô lý...
Ma Văn Kháng từng làm cuộc “tiểu kê”: “Với đề tài thầy giáo và nhà trường, về tiểu thuyết thì tôi có 2 cuốn. Đó là cuốn Đám cưới không có giấy giá thú và cuốn Gặp gỡ ở La Pan Tẩn. Cuốn Gặp gỡ ở La Pan Tẩn viết về số phận chua chát của một thầy giáo trẻ tâm hồn lãng mạn và đầy lý tưởng, dạy học ở một xã của đồng bào Mèo. Cuốn này xuất bản năm 2001. Cuốn Đám cưới không có giấy giá thú tôi viết năm 1989, đọc lại vẫn thấy thích. Giờ cho viết lại chưa chắc viết được những câu văn như thế”.
Tiếp nối Ma Văn Kháng, thế hệ cầm phấn - cầm bút sau này vẫn làm dày dặn thêm những trang viết về giáo viên. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà từng là giáo viên dạy toán. Nhà văn trẻ Phạm Duy Nghĩa xuất thân là giảng viên Trường CĐ Sư phạm Lào Cai. Phạm Duy Nghĩa đã khắc họa chân dung anh giáo trẻ vùng cao thấp thoáng trong các trang viết, đặc biệt người đọc nhớ nhất cái không khí vừa nên thơ, vừa dữ dội khi người thầy đứng bên ranh giới mong manh trong truyện ngắn Cơn mưa hoa mận trắng - giải nhất truyện ngắn báo Văn nghệ... Gần đây, cây viết trẻ Mai Anh Tuấn - giảng viên Khoa Sáng tác - Phê bình báo chí (Trường ĐH Văn hóa Hà Nội) - cũng khắc họa rõ nét tâm trạng của một chàng trai trẻ ngày đầu bước chân vào con đường đứng lớp với tiểu thuyết Giảng đường yêu dấu...
Động lực, hệ lụy từ nghề
Nhà văn Ma Văn Kháng từng tâm sự: “Tất cả những nhân vật trong tác phẩm của tôi đều có nguyên mẫu ngoài đời. Họ là những đồng nghiệp hằng ngày sống cạnh tôi, là một lớp bạn bè giáo viên vừa ra trường sẵn sàng rời thành phố lên “cắm bản” trên vùng núi còn lạc hậu, nghèo đói. Một phần trong đó cũng chính là tôi. Môi trường xã hội, hẹp hơn là môi trường giáo dục, đã tạo nên những nhân vật ông giáo có nhiều hài kịch và cũng có rất nhiều chuyện buồn rất tội nghiệp. Như thầy Khiển chẳng hạn, một ông giáo giỏi chuyên môn, thạo ngoại ngữ, sành đời mà hằng ngày luôn luôn phải giao tiếp với những kẻ thất học, lỗ mãng, phải chịu đựng sự sai khiến và chỉ bảo của những kẻ vừa dốt nát, vừa hống hách vô lối thì ắt sẽ sinh ra nhưng trò trêu chọc, khiêu khích, giằng co. Người mang tính cách ấy, trong hoàn cảnh ấy, hiển nhiên là làm sao mà sống yên ổn được”.
Ông cũng cho biết thêm, những gì xảy ra trong Đám cưới không có giấy giá thú là chuyện đã xảy ra trong cuộc đời giáo viên của ông (tất nhiên đã được lọc qua cái lăng kính thẩm mỹ…). Ông muốn đề cập đến vai trò và số phận của người trí thức trong sự phát triển của xã hội ta. Cuốn sách khi được xuất bản cũng gặp nhiều sự phản đối, nhất là ý kiến chê trách lại đến từ những anh chị em trong ngành khiến ông ứa nước mắt vì thương thân, thương cả nhân vật vì không tìm được sự đồng cảm từ chính những người trong cuộc.
Tuy vậy, Ma Văn Kháng dường như chưa bao giờ hối hận về con đường mình đã chọn. Ông tâm sự: “Bằng chính cuộc đời làm thầy giáo và 50 năm viết văn của mình, tôi có thể khẳng định rằng, cái còn lại sau tất cả những buồn phiền đớn đau, bất như ý chính là tình yêu cuộc sống, tình yêu con người, tình yêu đất nước, dân tộc, trong đó có tình thầy trò thiêng liêng và đẹp đẽ. Đó là thứ tình cảm lớn lao, hiện hữu và bền lâu nhất, vĩnh hằng, bất biến. Nhờ có nó, những người thầy có thêm động lực, niềm tin để đứng vững trên bục giảng cho dù đã có những lúc nuốt nước mắt vào lòng”…
Bên cạnh đó, việc là nhà giáo cũng tạo động lực lớn để các tác giả cầm bút hăng hái hơn. Ví như độc giả biết đến nhiều tập truyện ngắn của Nhật Chiêu hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi viết văn, ông là người đứng trên bục giảng. “Tôi dạy ở một nơi mà tôi biết chắc là có rất nhiều sinh viên viết văn, làm thơ… Những sinh viên như vậy rất có cá tính. Nếu mình chỉ là một cán bộ giảng dạy “chay” thì sẽ khó thuyết phục được học trò bởi lẽ sinh viên sẽ xì xầm: Ổng chả viết được cái gì mà dạy chúng ta sáng tác”, nhà giáo - nhà văn Nhật Chiêu tâm sự. Còn với nhà giáo Mai Anh Tuấn, hằng ngày tiếp xúc với những cây viết trẻ đang chập chững bước vào nghề, chứng kiến sự hăng say với con đường viết lách của các em, đó cũng là động lực khiến anh trăn trở để ấp ủ những tác phẩm cho mình.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng là giáo viên dạy môn Sử. Trong những truyện ngắn của ông như Kiếm sắc, Vàng lửa... đều có những góc nhìn rất đáng suy ngẫm về các sự kiện, những nhân vật lịch sử như Nguyễn Ánh, Quang Trung... Ông thổi tính văn học vào lịch sử, để lịch sử không chỉ là một chiều đóng đinh khô cứng. Bởi lẽ, lịch sử được tạo bởi những con người cụ thể, mà đã là con người thì có nhiều mặt khác nhau, nhiều góc nhìn khác nhau, tạo nên sự đa dạng, phức tạp. Đó chính là nguồn gốc, căn nguyên để văn học bám sâu vào và khai thác. |
PHẠM HƯƠNG