Gắn bó với âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc dân tộc, trong suốt mấy chục năm, có thể nói Mai Đình Tới là mẫu hình của những nghệ sĩ luôn say sưa với loại hình nghệ thuật đã chọn, luôn lặng lẽ tự đặt ra cho mình những thách thức cao hơn.
Nghệ sĩ Mai Đình Tới trong buổi biểu diễn lần đầu với dàn nhạc tự chế từ các ly thủy tinh tại Thảo Cầm Viên (thành phố Hồ Chí Minh) ngày 26-10-2013. Ảnh: D.QUANG |
Tính đến tháng 10-2013, Mai Đình Tới đã sở hữu 3 kỷ lục Việt Nam, 2 kỷ lục châu Á trong lĩnh vực sáng tạo nhạc cụ và biểu diễn âm nhạc.
Bước ngoặt
Từ nhỏ, cậu bé Mai Đình Tới say mê đặc biệt với nhạc cụ dân tộc và các làn điệu dân ca được phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngày đó, cả xóm chỉ có mấy chiếc đài be bé, muốn nghe rõ thì phải áp sát tai. Tới đã nghĩ cách để tăng âm cho chiếc loa nhà mình vang to nhất xóm. Trong những tháng ngày lam lũ lớn lên trong xóm nhà nghèo khó ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) thuở ấy, âm nhạc như món ăn tinh thần bù đắp cho cảnh thiếu ăn, thiếu mặc của cậu bé đương tuổi ăn tuổi lớn.
Ông nội chính là người thầy âm nhạc đầu tiên của Tới. Ông vốn là người thổi kèn trong phường bát âm của xóm. Thấy cháu đam mê âm nhạc, ông truyền thụ cho Tới cách thổi kèn theo lối thị phạm, truyền khẩu mà không có chút lý luận nào về nhạc lý. Vả lại, trong cảnh cái ăn còn phải chạy lo từng bữa, cả hai ông cháu chẳng bao giờ nghĩ tới tương lai cho “ngón nghề” gia truyền. Ấy thế mà Tới có cơ duyên gặp gỡ Nhà hát tuồng Bắc Trung ương khi họ về quê anh tuyển người, rồi sau đó thoát cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để theo sự nghiệp của người nghệ sĩ đích thực.
Cho tới giờ, Tới vẫn không thể quên cái ngày anh nhận được tin trúng tuyển vào Nhà hát tuồng Bắc Trung ương (nay là Nhà hát tuồng Việt Nam). Nhận được tin báo, anh vứt cày vứt cuốc đang làm dở và chạy một mạch hơn 4 cây số về nhà. Bữa cơm ngày đó mẹ làm để mời hai cán bộ của nhà hát về đón Tới tươm tất lắm cũng chỉ có mấy con cá rô rán không mỡ. Trong những năm sau đó, hình ảnh bữa cơm chia tay kham khổ và bóng dáng cha mẹ tảo tần hôm sớm luôn trở thành động lực để cậu học trò xứ Thanh vượt mọi gian khổ, cố gắng học tập.
Suốt 4 năm học, buổi sáng anh học kèn ở Trường Đại học Sân khấu điện ảnh, buổi chiều lại bắt xe buýt tới Học viện Âm nhạc để học sáo. Tối đến, anh tập thổi kèn. Miệt mài rèn luyện tới mức dù đã lên tới sân thượng của ký túc xá thì tiếng kèn ra rả vẫn làm “khổ sở” những bạn học chung trường thời đó. Chuyện “làm phiền” vì chăm học như thế còn tái diễn sau này khi anh “khuấy động” cả đoàn ca múa thành phố Vũng Tàu trong suốt thời gian tập luyện phần kết hợp cùng một lúc cả thổi sáo và gõ trống bằng chân.
Sáng tạo đầu tiên
Khi nhắc tới Mai Đình Tới, nhiều người biết về tài “phù thủy” của anh với các nhạc cụ tự chế. Trong những ngày còn làm việc ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, năm 1992, Tới nghĩ đến việc biểu diễn cùng một lúc vừa thổi sáo, vừa điều khiển một dàn trống. Nhiều người biết chuyện bảo anh “có vấn đề về đầu óc”. Bởi với người thường, chơi một thứ nhạc cụ đã vất vả, vậy mà anh cùng lúc phải phân thân thành hai người trong một để xử lý hai kiểu nhạc cụ với tiết tấu và cách thức thể hiện hoàn toàn khác nhau. Dĩ nhiên, Mai Đình Tới quá hiểu sự khó ấy. Và suốt 7 năm trời, anh miệt mài tập luyện. Những ngày đầu, các khớp chân của anh sưng vù, đau nhức tới mức không thể đi giày. Buộc đũa vào chân luyện vung lên đập xuống suốt ngày, bàn chân anh hết đau nhức, phồng lên, xẹp đi, rồi lại phồng lên và sần chai sau một thời gian kéo dài như thế. Nhưng rốt cuộc, anh đã thành công.
Năm 1999, lần đầu tiên Tới ra mắt công chúng màn trình diễn thuần thục, điêu luyện trong kết hợp giữa thổi sáo và dàn trống đánh bằng chân với đủ trống, phèng, song loan, mõ. Đó cũng là màn biểu diễn đem lại huy chương bạc cho anh trong cuộc thi Diễn tấu nhạc cụ toàn quốc năm 1992.
Sáng tạo, sáng tạo và... sáng tạo
Mai Đình Tới đã có 5 kỷ lục, trong đó 3 kỷ lục Việt Nam: Kỷ lục Guiness Những chuyện lạ Việt Nam, Kỷ lục nghệ sĩ có nhiều nhạc cụ tự chế độc đáo nhất, Kỷ lục dàn nhạc ống nhựa lớn nhất Việt Nam; 2 kỷ lục châu Á do Trung tâm kỷ lục châu Á trao tặng: Nghệ sĩ có nhiều nhạc cụ tự chế nhất châu Á và Dàn nhạc - tổ hợp sân khấu ống nhựa Đạt Hòa lớn nhất châu Á. |
Một loạt “đặc sản” của Tới là thổi sáo bằng một mũi hoặc hai lỗ mũi, chơi đàn nhị bằng hai bóng đèn neon kéo vào nhau, gõ chén bát giống như chơi đàn đá, làm dàn nhạc bằng ống nhựa mà khối lượng ống lên tới hàng chục tấn, thổi sáo bằng chai nước ngọt hay ống dây nước bằng nhựa, quay lưng lại và đánh đàn trong tư thế ngược tay…
Dịp trung tuần tháng 10 vừa qua, anh cho ra mắt màn trình diễn âm thanh với dàn nhạc được làm từ những chiếc ly thủy tinh rất bình thường ở Thảo cầm viên của thành phố Hồ Chí Minh. Khán giả, đặc biệt là các em nhỏ, vô cùng kinh ngạc khi chỉ với một cây gậy nhỏ có bịt đầu và những chiếc ly dung dị, Mai Đình Tới đã hòa âm thành giai điệu tuyệt vời của một đoạn giao hưởng quen thuộc. Không mấy người biết anh đã mất khoảng 5 năm để có thể làm chủ “dàn nhạc” đó. Cũng không ai biết Tới đã “đốt” biết bao nhiêu tiền cho việc mua ly về để... đập vỡ. Có những loại ly giá chỉ vài ngàn đồng, nhưng cũng có những cái giá cả triệu đồng. Có những cái anh phải mài đáy hoặc mài miệng để lấy nốt nhạc. Không ít lần tay anh bị thủy tinh cứa đứt. Không ít lần trăn trở không ngủ được, cả đêm anh ngồi trầm ngâm tìm cách gõ không làm vỡ ly và cách tạo được nốt nhạc thật chuẩn, thật hay.
Sau dàn nhạc bằng ly, Mai Đình Tới đang nung nấu ý định làm một dàn nhạc bằng đồ gốm truyền thống. Gắn với đồng quê rơm rạ từ thuở ấu thơ, anh luôn muốn tạo ra âm nhạc dân tộc từ những vật dụng được làm từ chất liệu gần gũi nhất với người Việt, đó là gốm. Từng lăn lộn tại các làng gốm ở Bình Dương, từng thử nghiệm và chở về nhà hàng xe tải đồ gốm, song rốt cuộc anh vẫn chưa vượt qua được thử thách. Nhưng Tới vẫn tự tin khẳng định: đó là vì anh chưa làm được, chứ không phải không làm được.
Đưa Việt Nam gần hơn với thế giới
Kỷ lục của Trung tâm kỷ lục châu Á trao tặng năm 2012 ghi nhận khả năng sáng tạo đặc biệt của Tới trong lĩnh vực chế tạo nhạc cụ là những minh chứng bước đầu cho tài năng đã vượt tầm lãnh thổ của anh. Nhiều năm qua, Tới không chỉ biểu diễn trong nước mà còn thường xuyên có những tour lưu diễn ở nước ngoài như ở Malaysia, Sigapore, Ấn Độ, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Thụy Sĩ… Điều thú vị là các buổi biểu diễn của anh không chỉ đem lại niềm vui và sự thích thú với công chúng, mà còn tạo dấu ấn đặc biệt ngay cả với những người trong giới âm nhạc. Anh từng tham gia biểu diễn tại các trung tâm âm nhạc nổi tiếng thế giới như Nhạc viện Tchaikovski (Nga, năm 2011), Trường nhạc của Trung tâm Điện ảnh Hollywood (Mỹ).
Không những thế, các buổi biểu diễn của anh còn được các hãng thông tấn, truyền hình của nhiều quốc gia như NHK (Nhật), KBS (Hàn Quốc), Pháp, Thụy Sĩ, Mỹ… ghi lại.
Trong rất nhiều những chuyến lưu diễn đó, anh không chỉ mang một cái tên Mai Đình Tới với quốc tịch Việt Nam ra nước ngoài, anh còn mang âm nhạc dân tộc, mang các làn điệu dân ca 3 miền của đất nước đi quảng bá với bạn bè thế giới. Có thể nói, anh đã mang tinh thần của một đại sứ văn hóa, đưa bản sắc văn hóa Việt Nam tự tin hòa nhập trong bức tranh đa sắc của văn hóa thế giới.
DƯƠNG QUANG