Cứ đến tháng 11, rất nhiều người từng sống và học tập ở Nga lại hẹn gặp mặt, ôn lại kỷ niệm về một thời với biết bao kỷ niệm. Với họ, đất nước của Cachiusa, của bánh mì đen, của những hàng bạch dương lấp lánh, của những thảm lá vàng ươm… là không gian sống mà họ không bao giờ quên.
Trong cánh rừng bạch dương. |
Tôi nhớ mãi câu thơ của thi sĩ Nguyễn Huy Hoàng:
“Nước Nga ơi!
Tôi không cắt rốn, chôn nhau trên mảnh đất của người
Tôi mang họ tên Á Đông
thuần khiết
Đêm xa nhà, trong những giấc mơ tôi gọi thầm tiếng Việt
Bàn thờ tổ tiên tôi ngự nơi
trang trọng giữa nhà…
Nhưng cõi lòng tôi sâu nặng với hồn Nga!”
Cũng như Nguyễn Huy Hoàng, có một thế hệ người Việt đã gắn bó tuổi xuân của mình với nước Nga, giờ trở về nước, đảm đương những công việc, chức vụ khác nhau. Nhưng hằng năm, những ngày này, mỗi khi có dịp gặp lại, họ đều bình đẳng với rưng rưng kỷ niệm. Với họ, “nước Nga luôn trong trái tim chúng tôi, trong sâu thẳm con tim bao thế hệ Việt Nam chúng ta vẫn sâu lắng một tình yêu nước Nga…”.
Nhưng nhiều người nhớ nhất, đó là mùa thu nước Nga thật đẹp. Cứ mỗi độ thu về, những hàng cây lá phong, lá thích, lá sồi và bạch dương lại vàng rực hai bên đường, khắp phố phường, trong công viên. Trong cái nắng thu vàng óng ánh, bầu trời trong xanh gợn chút mây trắng, cả nước Nga miên man chìm trong sắc thu lãng mạn.
Với dịch giả - nhà văn Thụy Anh, “mùa thu Nga đẹp ở vẻ lộng lẫy dưới nắng của những cánh rừng vàng đỏ kéo dài”. Nhưng mùa thu Nga cũng đẹp “cả ở vẻ tiều tụy trong mưa của nó - vẻ khổ hạnh sang trọng của những căn nhà gỗ, ngoại ô…”. Với Thụy Anh, “17 năm ở Nga, mùa thu nào đối với tôi cũng mới mẻ như nhau. Cho đến bây giờ tôi cũng không thể hiểu nổi vì sao có những điều mỗi năm một lần lại đến, lặp lại, từng chuyện ấy, những mưa, những gió, những lá, những khói tỏa sương mờ, những bâng khuâng quen thuộc… mà vẫn khiến ta chờ đợi đến thế. Lần nào cũng như lần đầu. Lần nào cũng cuống quýt vội vàng, cũng ghi lại từng khoảnh khắc, như lần cuối”.
Những ngày này, nhớ về nước Nga, những giai điệu quen thuộc như Chiều Mátcơva, Đôi bờ, Cây thùy dương, Thời thanh niên sôi nổi… lại da diết vang lên. Khoảng cách địa lý xa xôi nhưng Internet đã rút ngắn lại. Nhờ Internet, nhiều người nguôi ngoai nỗi nhớ nước Nga khi truy cập vào các trang web của cộng đồng người Việt ở xứ bạch dương, hoặc giao lưu kết bạn với những người đang sống và học tập ở Nga.
Ông Phan Công Phúc hiện công tác tại thành phố Iaroslav, năm nay sắp bước vào tuổi 70 tâm sự: “Tôi sống ở Nga đã 27 năm, 27 mùa thu. Mỗi khi đón thu về, lòng tôi xốn xang khó tả. Đến nước Nga vào mùa thu, tâm hồn ta mới cảm nhận hết những vẻ đẹp kiêu sa của tạo hóa ban tặng cho mảnh đất này. Bạn hãy tưởng tượng chúng ta đi trên du thuyền dọc sông Vonga, ngắm cảnh đôi bờ, những dải rừng xa xa đôi bờ vào những ngày thu vàng rực rỡ muôn màu thì bạn vô cùng mê say mảnh đất trời này - mùa thu Nga thân thương và trìu mến”. Ông không cưỡng lại vẻ đẹp mê đắm của sắc thu vàng, đã cầm máy ảnh nhiều nơi, thu vào ống kính những bức ảnh đẹp nhất, rồi chia sẻ với mọi người. “Tôi rất yêu mùa thu Nga, muốn gửi tới những ai đang học tập, công tác tại Nga hãy bỏ chút thời gian tâm đắc với mùa thu Nga, nó sẽ mang lại hạnh phúc cho mình”, ông Phúc chia sẻ.
Đối với người Nga, không có loài cây nào thân thương hơn cây bạch dương. Vì thế, cây này được trồng ở mọi nơi, từ vùng cực xa xôi đến tận biên giới phía Nam nước Nga. Bạch dương được coi là “quốc thụ” của Nga, được người dân sùng bái như là một nữ thần trong tuần lễ xanh vào đầu tháng 6. Người ta gọi nước Nga là “Xứ sở của bạch dương” là vì lý do như vậy.
Vào mùa xuân, bạch dương thường ra hoa. Hoa bạch dương mọc tụ trên một trục bằng ngón tay như bắp ngô non. Lá mọc đầy trên tán cây, xanh rờn, cứng cáp, đẹp một cách đoan trang. Tháng 10 quả chín, quả cứng nhỏ bẹt, hai cạnh có cánh. Bạch dương thích nắng, chịu lạnh, chịu hạn, chủ yếu sinh sống trong khu vực có khí hậu ôn đới phương Bắc. Thời xa xưa vỏ cây bạch dương còn được dùng thay cho giấy. Gỗ bạch dương được sử dụng rộng rãi để chế tạo ván trượt (tuyết), đồ gỗ gia dụng và lấy nhựa. Chổi bạch dương không thể vắng mặt trong các nhà tắm hơi kiểu Nga. Ngày nay, vỏ cây bạch dương - các nghệ nhân đã tạo ra các hộp nhỏ, vỏ lọ muối, giỏ xách… Bạch dương còn là một loài cây thuốc của nước Nga. Trong các bộ phận khác nhau của cây có chứa các hoạt chất sinh học như: các loại dầu, ascorbic và acid nicotinic, glycosides, betulin, saponin, tannin, rượu triterpene… Từ những chồi, lá, cành bạch dương non người ta chiết xuất ra các loại hoạt chất trị bệnh khác nhau…
Ở Nga, mùa thu là thời điểm thời tiết đẹp nhất trong năm, tiết trời còn chưa lạnh. Chỉ ít nữa thôi, tuyết sẽ rơi phủ dày trên những mái nhà gỗ, kết trên những thân cây phong, cây bạch dương một màu trắng xám, u trầm. Bây giờ sắc thu đang vàng óng, bầu trời xanh trong cao vời vợi được tô điểm những áng mây trôi bồng bềnh.
Ôi mùa thu vàng của nước Nga, xứ sở của bạch dương thương mến và những cánh đồng bạt ngàn trong thơ Exênhin:
“Ôi nước Nga, đồng bát ngát
đùm hương
Và màu xanh trong dòng sông
soi bóng
Những cái hồ của người Nga
như nỗi buồn sâu rộng
Tôi yêu đến tột cùng đau đớn
và niềm vui...”
Ai đã đến, đã sống, một đời sẽ nhớ mãi không thôi…
NGỌC TÂM