.

Nhà hát Con Sò: Niềm tự hào và nỗi xấu hổ của người Úc

.

Năm 2013 đánh dấu kỷ niệm 40 năm thành lập nhà hát Opera House, còn gọi là nhà hát Con Sò. 40 năm trôi qua nhưng câu chuyện về nhà hát mang tính biểu trưng cho một đất nước và người kiến trúc sư tài hoa vẫn còn là điều lý thú với rất nhiều người.

Vẻ đẹp của nhà hát Opera House. Ảnh: MAI TRANG
Vẻ đẹp của nhà hát Opera House. Ảnh: MAI TRANG

Có lẽ bất cứ ai cũng biết đến nhà hát Con Sò cũng như vẻ đẹp tráng lệ của nó. Nhưng câu chuyện đằng sau công trình kỳ vĩ này, câu chuyện khiến nhà hát trở thành nỗi xấu hổ cho chính người dân Úc, thì có lẽ không nhiều người biết.

Ngày 13-9-1955, chính phủ Úc tổ chức cuộc thi quốc tế để tìm kiến trúc phù hợp cho nhà hát lớn, nơi được xác định sẽ diễn ra những vở nhạc kịch kinh điển thế giới. Hơn 1.000 kiến trúc sư tham gia cuộc thi nhưng chỉ 220 tác phẩm được chọn và thành công cuối cùng thuộc về kiến trúc sư người Đan Mạch Jorn Utzon.

Công trình bắt đầu được xây dựng vào năm 1957. Ý tưởng độc đáo, sáng tạo đã giúp Utzon chiến thắng trong cuộc thi nhưng giờ đây lại là rào cản cho ông. Bởi lẽ, việc đưa thiết kế mái hình cánh buồm bằng đá sa thạch khổng lồ vào thực tiễn làm sao để vừa bảo đảm vẻ đẹp hài hòa của bến cảng Circular, vừa phù hợp với hệ thống sân khấu bên trong, và chuỗi các quán bar, nhà hàng bên ngoài là điều chưa có tiền lệ. Sự phức tạp trong cấu trúc và công nghệ mới khiến chi phí và thời gian thi công nhà hát kéo dài như vô hạn. Chính điều này làm chính phủ và người dân Úc phẫn nộ, các cuộc diễu hành phản đối việc xây dựng nhà hát nổ ra. Người ta cho rằng, sự trừu tượng trong kiến trúc, phức tạp trong thi công đang hủy hoại vẻ đẹp của Vịnh Circular cũng như là gánh nặng cho nền kinh tế Úc.

Trước sự chỉ trích của người dân và mâu thuẫn không thể hòa giải với chính phủ, năm 1966, kiến trúc sư Utzon quyết định rút khỏi dự án với “lời thề” không bao giờ trở lại xứ sở chuột túi. Ông ra đi với đầy đủ cảm xúc của một người nhận sự phản bội, quay lưng của cả đất nước, nơi từng tôn vinh kiến trúc kết tinh bằng tất cả tâm huyết, tri thức của người kiến trúc sư trẻ.

Việc tiếp tục xây dựng tuyệt tác Opera House được để lại cho các kiến trúc sư người Úc, những người đã thay đổi phần lớn các thiết kế bên trong nhà hát để đẩy nhanh quá trình xây dựng cũng như giảm bớt chi phí. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến hạn chế về mặt âm thanh cũng như nội thất trong nhà hát mà chính phủ Úc đang tìm cách khắc phục cho đến tận ngày nay.

"Thành quả của các kiến trúc sư là những công trình nghệ thuật đáng trân trọng. Giá trị thực sự của nó cần phải để thời gian đánh giá, công chúng không nên vội vàng đưa ra nhận xét, chỉ trích có thể làm tổn thương các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, những người không quản khó khăn, vất vả và thậm chí bất chấp cả sự nguy hiểm để làm đẹp cho đời bằng tác phẩm của mình. Mong rằng, “nỗi xấu hổ” mang tên nhà hát Opera House sẽ là lời nhắc nhở cho bất cứ ai trong việc đánh giá, nhận xét một công trình kiến trúc."

Giáo sư Kath Albury, Trường ĐH New South Wales

Sau 14 năm, nhà hát hoàn thành và được xem là biểu tượng cho thành tựu sáng tạo, kỹ thuật đỉnh cao không chỉ của nước Úc mà còn là của thế giới. Với thiết kế bay bổng hình cánh buồm trắng vươn ra biển khơi trên nền đá sa thạch đỏ khổng lồ, nhà hát Con Sò được đánh giá là một trong những đỉnh cao kiến trúc của thế kỷ 20. Tuy nhiên, đây không phải là tất cả, nỗi xấu hổ của người dân Úc còn tăng lên bội phần khi họ nhận ra thông điệp cao cả của những cánh buồm trắng - những mảnh ghép hoàn chỉnh của quả địa cầu, tượng trưng cho tình đoàn kết năm châu vững bền như sa thạch mà Utzon gửi đến qua kiến trúc của mình. Giờ đây, bất kỳ du khách nào khi đến Sydney nhưng chưa chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ, đầy sáng tạo của công trình nghệ thuật này giữa mênh mông sóng nước thì xem như chưa đến nước Úc. Tự hào là vậy, nhưng người Úc đến tận hôm nay vẫn chưa nguôi khắc khoải khi nhắc đến kiến trúc sư Utzon - cha đẻ của kiệt tác được đánh giá là thiên anh hùng ca của kiến trúc, người đã góp phần thay đổi hình ảnh của đất nước họ.

Bằng tài hoa của mình, ông Utzon đã đi khắp nơi trên thế giới để thực hiện nhiều công trình vĩ đại khác. Tuy nhiên, ông không một lần quay lại Úc để thăm nhà hát Opera House - kiệt tác đã giúp ông khẳng định tư duy đi trước thời đại, khả năng vượt qua giới hạn công nghệ hiện có. Giáo sư Kath Albury, Trường ĐH New South Wales cho biết, việc cả một đất nước, một dân tộc quay lưng và đưa ra những lời chỉ trích công trình tâm huyết của một kiến trúc sư là điều chỉ xảy ra ở Úc. Lòng tự trọng của người trí thức chân chính đã ngăn cản Utzon quay trở lại chiêm ngưỡng đứa con tinh thần của mình và khiến Opera House trở thành niềm tự hào nhưng cũng là nỗi xấu hổ cho mỗi người dân nơi đây.

40 năm trôi qua, nhưng nhìn cách người dân Úc xếp hàng dài dưới nắng hè oi ả để được vào tham quan nhà hát Con Sò, cảm nhận sự im lặng nghiêm túc đến tĩnh mịch trong những ngày nhà hát mở cửa đón hàng ngàn du khách đến tham quan hay thái độ chân thành của các tình nguyện viên khi nói về “nỗi xấu hổ” trong quá khứ, tôi cảm nhận rõ ràng hơn tình yêu mà người dân dành cho kiệt tác nghệ thuật này.

Nhìn cách người dân Úc ngày nay trân trọng nhà hát Opera House, trân trọng giá trị ý tưởng và công sức của đội ngũ kiến trúc sư, xây dựng trong quá khứ, tôi và không ít người con Đà Nẵng xa quê không khỏi nhói lòng khi đọc những lời chỉ trích, chê bai của một số tờ báo mạng và các bạn trẻ trên mạng xã hội dành cho cầu Rồng - cây cầu cũng được đánh giá là kiệt tác, là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Những cá nhân này đã chọn lọc các tấm ảnh đồ họa của cầu Rồng rồi đặt cạnh những tấm ảnh thực tế để so sánh. Hình ảnh của một công trình, dù được chụp bởi máy ảnh kỹ thuật cao thì cũng khó lòng sánh được với bức ảnh đồ họa được vẽ bằng máy vi tính. Dù vậy, sự so sánh đầy mỉa mai này vẫn lan truyền nhanh chóng trên mạng Internet và nhận được sự hưởng ứng đông đảo của các bạn trẻ.

Có thể cầu Rồng không đẹp được như bản vẽ, có thể vẫn có nhiều thiếu sót trong xây dựng khi giờ đây xuất hiện một vài vết nứt đáng lo ngại nhưng vẫn mong sao mọi người thận trọng, bao dung hơn trong từng nhận xét, tránh làm tổn thương những người đã dồn tâm huyết, tận tụy ngày đêm để tìm cách đưa ý tưởng bay bổng tưởng chừng như không thực hiện được vào thực tiễn, góp phần nối nhịp bờ vui và giúp khẳng định thương hiệu cho Đà Nẵng - thành phố của những cây cầu độc đáo.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.