.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về… thơ

.

Nói nhanh, viết nhanh - đó là những gì dễ nhận ra mỗi khi gặp nhà thơ Hồng Thanh Quang, hoặc khi vào trang cá nhân của ông trên facebook. Nhưng có lẽ những ý tưởng mới, những nghĩ suy của ông về thời cuộc còn nhanh hơn cả lời nói và những dòng thơ ông viết ra vừa post trực tiếp lên facebook.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang trong buổi ra mắt hai tập thơ Nỗi buồn tốc ký.  Ảnh: NGUYỄN THANH BÌNH
Nhà thơ Hồng Thanh Quang trong buổi ra mắt hai tập thơ Nỗi buồn tốc ký. Ảnh: NGUYỄN THANH BÌNH

Đặc biệt, 20 giờ ngày 7-11, tại Nhà hát lớn Hà Nội, đêm thơ nhạc với chủ đề Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em sẽ diễn ra với sự tham gia của nhạc sĩ Phú Quang, NSƯT Quang Lý, NSƯT Thanh Lam, NSƯT Ngọc Khang, ca sĩ Tấn Minh, Phương Anh, Hằng Nga, Tuấn Hiệp, Đàm Vĩnh Hưng, Nhật Thủy… Và rất đông các nhà văn - nhà thơ cũng sẽ có mặt.

Đời tôi cứ nảy sinh ra cái gì thì được bạn bè giúp

Những ngày này, Hồng Thanh Quang rất bận rộn. Công việc làm báo đã bận, lại cuối năm, lại mùa báo Tết đang đến. Và ông cũng vừa kết thúc buổi ra mắt hai tập thơ ở thành phố Hồ Chí Minh, quay ra Hà Nội chuẩn bị cho đêm nghệ thuật trùng với dịp kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11) - mảnh đất ông từng gắn bó và có quá nhiều kỷ niệm.

Nhưng dù bận đến đâu, gặp gỡ bạn bè là ông quên hết mọi chuyện, chỉ để nói về thơ. Hai tập thơ mới nhất, sau 4 năm ông “viết đều” mà không xuất bản, cũng có thể nói là đẹp nhất trong số những tập thơ ông đã in, và dày dặn nhất nữa: gần 800 trang.

Có lần thấy Hồng Thanh Quang viết trên trang cá nhân, đại ý rằng đừng nói tôi lên facebook để chơi, tôi đang làm việc. Và Nỗi buồn tốc ký (NXB Hội Nhà văn) là kết quả sống động của những tháng ngày làm việc quên thời gian đó. Ông cho biết: “Đời tôi có điều lạ, cứ nảy sinh ra cái gì thì lại được bạn bè giúp. Tôi muốn làm tập thơ đẹp thì gặp ngay Văn Sáng - một người bạn cũ, nổi tiếng trong giới làm sách. Thế là tôi giao toàn quyền để Văn Sáng làm giám đốc mỹ thuật của bộ thơ này. Đến lúc sách xong, bạn bè lại bảo sao thơ ông không vào Nhà hát lớn nhỉ? Đúng lúc ấy, nhạc sĩ Phú Quang xuất hiện. Thế là thành đêm thơ - nhạc Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em vào ngày 7-11 này”.

Mọi người có thể quên thơ tôi

Nhạc sĩ Phú Quang và nhà thơ Hồng Thanh Quang thân với nhau từ rất lâu. Theo nhà thơ Hồng Thanh Quang, cách đây tới… mấy chục năm, khi đó ông mới “chập chững” làm thơ thì Phú Quang đã nổi tiếng lắm, được cả nước biết rồi. Một lần, “Quang em” đăng bài thơ trên báo Hà Nội mới cuối tuần, bỗng dưng được “Quang anh” để mắt phổ nhạc. Rồi từ đó cặp “song Quang” chơi với nhau, bền bỉ, lặng thầm.

Phú Quang nói: “Thơ Hồng Thanh Quang đáng yêu bởi sự hồn nhiên đến ngớ ngẩn. Nhưng nếu thơ Quang không có cái ngớ ngẩn ấy, chưa chắc đã đáng yêu. Tôi yêu thơ Quang vì cái sự ngây ngô ngớ ngẩn ấy”. “Trong đêm diễn sắp tới có một tác phẩm đặc biệt, tôi đã “trộn” khoảng 10 bài thơ của Hồng Thanh Quang để có được bài hát Sẽ một mình thôi. Ca khúc này do chính tôi thể hiện, chỉ một mình trên sân khấu, với cây piano”, nhạc sĩ Phú Quang nói. Rồi ông nói thêm: “Tôi chưa bao giờ phổ một bài thơ của Hồng Thanh Quang quá hai tiếng đồng hồ. Có người bảo tôi kiêu ngạo, nhưng người ta đâu biết rằng, tôi đã chơi với Hồng Thanh Quang cả mấy chục năm. Hai tiếng đồng hồ kia chỉ là những phút cuối của cả một chặng dài đọc Quang và hiểu Quang”.

NSND Lê Khanh đảm nhận nhiệm vụ là người dẫn dắt đêm thơ nhạc này. Chị tâm sự: “Tất cả chúng ta hôm nay đều là kết quả của tổng hòa mọi thứ đã qua, đã nếm trải. Quá khứ và những dư chấn từ những đổ vỡ trong quá khứ đắp bồi nên những trầm tích trong đời sống hôm nay. Nhiều người nghĩ rằng, khi một đôi nào đó chia tay tức là tình yêu họ không có lý. Điều đó không đúng. Thực ra, sự đến với nhau cũng có lý như sự ra đi, tan vỡ không làm phá giá đi hạnh phúc và tình yêu đã có, và không làm phá giá những câu thơ, những giai điệu thơ. Bởi một khi đã yêu thì chúng ta trở nên vô cùng can đảm, dám dâng hiến mọi thứ mà mình đang có, miễn sao đem lại hạnh phúc cho người mình yêu”.

“Sau khi xem xong đêm nghệ thuật Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em, mọi người có thể quên thơ Hồng Thanh Quang, quên nhạc Phú Quang. Nhưng họ sẽ yêu nhau hơn, đó là điều tôi mong muốn”, nhà thơ Hồng Thanh Quang nói.

Thơ vừa là niềm vui, vừa là nỗi hãi hùng

Tại sao lại là “nỗi buồn tốc ký?”. Theo nhà thơ Hồng Thanh Quang, tên đó rất đúng với trạng thái tâm lý của anh lúc này. Đúng luôn với cả nhịp viết rất nhanh của anh, và post trực tiếp lên mạng mà không hề có bất cứ trang bản thảo nào. Tên tập sách, ban đầu được ông chọn từ câu thơ “Anh yêu em như nỗi buồn tốc ký”. Nhưng sau thấy dài, anh rút gọn lại còn 4 chữ: Nỗi buồn tốc ký.

Ông tâm sự: “Chính xác là, tôi “tốc ký” những nỗi buồn của mình bằng thơ. Thế nên, thơ vừa là nơi tôi trút lòng, giải tỏa và được an ủi, nhưng cũng là nơi bộc lộ gót chân Asin của tôi: những yếu đuối, những thất bại trên đường đời, và cả những trăng hoa (trong tâm tưởng thôi). Tập thơ Nỗi buồn tốc ký, tôi không rõ có giá trị nào không, nhưng ít nhất, nó cũng có giá trị ở sự trải lòng”.

Ông nói vui rằng, mọi người đừng “ghen tị” vì anh biết làm thơ. “Số phận đã chọn mình làm một nhà thơ thì có muốn cách nào cũng không xoay chuyển, không “thoát” ra được mà phải nhận lấy, gánh chịu. Những người không bị/ được số phận buộc làm thơ thì phải lấy làm vui, họ được thảnh thời, không thường xuyên bị dằn vặt như tôi. Tôi không dính vào thơ đời tôi chắc sẽ yên ổn hơn, kinh tế sẽ khá hơn. Vì thế, với tôi thơ vừa là niềm vui vừa là nỗi hãi hùng”.

Nói rồi ông lại trầm ngâm: “Thơ đã cứu tôi khỏi tuyệt vọng... Dù thơ luôn dẫn tôi theo kiểu đường quang không đi chỉ đâm quàng bụi rậm, tôi vẫn quan niệm rằng, sinh ra ở đời là được chứ không bao giờ là mất, vì trong kiếp người, mất thực ra cũng là được... Tôi vẫn nghĩ, không có thơ thì tôi còn có gì nữa?! Cho nên dù có lận đận bao nhiêu với thơ thì cũng không phải tại thơ mà là tại cái số của mình như thế. Với lại, tôi đã quen với những sự lận đận và chênh vênh rồi nên nếu không sống như thế thì hẳn tôi sẽ cảm thấy tẻ nhạt lắm...”.

NGUYỄN THANH BÌNH

;
.
.
.
.
.