.

Dạ cổ hoài lang - báu vật của dân tộc

.

Nhắc đến đờn ca tài tử, Bạc Liêu vẫn luôn tự hào vì đã sản sinh ra người nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu với bản Dạ cổ hoài lang.

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu năm 1960. (Ảnh tư liệu)
Nhạc sĩ Cao Văn Lầu năm 1960. (Ảnh tư liệu)

Chúng tôi đến khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu vào một buổi trưa dịu nắng, đốt nén hương trầm nghi ngút khói như nghe văng vẳng bên tai sáu câu vọng cổ, nào “xự”, nào “xê”, nào “cống”, những ca từ như rót vào tai chúng tôi nỗi niềm tiếc thương da diết. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Cao Văn Lầu cũng như nhân duyên ra đời bài Dạ cổ hoài lang qua những câu chuyện truyền miệng của người dân nơi đây khiến chúng tôi càng thêm ngưỡng vọng về tình yêu quê hương, đất nước của ông.

Sinh ra ở mảnh đất Long An nhưng do gia cảnh khốn khó, cả gia đình Cao Văn Lầu đã phải rời quê phiêu dạt đến các vùng Xà Phiên (tỉnh Hậu Giang), Họng Chàng Bè, Thạnh Hòa (Bạc Liêu) sinh sống. Thuở thiếu thời, Sáu Lầu (tên thường gọi của nhạc sĩ Cao Văn Lầu) đã bén duyên cùng cây đàn. Ông theo học nhạc thầy Hai Khị, nghệ nhân nhạc lễ nổi tiếng của Nam Bộ thời bấy giờ. Học trò Lầu nhờ sáng dạ và siêng năng nên sớm lĩnh hội được sở học của thầy. Chỉ một thời gian ngắn, Sáu Lầu đã sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ như: đàn kìm, cò, trống lễ và sớm trở thành nhạc sĩ chính trong ban nhạc của thầy. Theo mỗi gánh hát, tiếng đàn ngọt dịu và mộc mạc của Sáu Lầu nghe như tiếng lòng ông gởi gắm đã làm say mê bao cô gái miền Tây chân chất.

Nỗi niềm xa cách

Trải qua những mối tình đứt đoạn, năm 21 tuổi, Sáu Lầu cưới vợ là bà Trần Thị Tấn, một cô gái ngoan hiền ở Điền Tư Ô. Vợ chồng sống với nhau 3 năm nhưng chưa có con nối dõi. Bị ràng buộc bởi tư tưởng phong kiến “Tam niên vô tử bất thành thê” nên mẹ buộc ông chia tay với vợ. Không thể phụ rẫy người vợ hiền bao năm chung sống, Sáu Lầu đưa vợ tá túc tại một ngôi chùa và vẫn thường ngày lén lút gặp vợ. Có những đêm quạnh quẽ trong nỗi cô đơn, đau đớn cảnh vợ chồng chia lìa, ông giãi bày tâm sự cùng tiếng đàn. Trong nỗi niềm xa cách nhớ thương vợ, những ca từ đầu tiên của bài Dạ cổ hoài lang vang vọng da diết:

“Từ là từ phu tướng
Bảo kiếm sắc phán lên đàng
Vào ra luống trông tin chàng
Năm canh mơ màng…”

Dạ cổ hoài lang (Đêm nghe tiếng trống nhớ chồng) ra đời vào năm 1919, thời điểm đất nước chiến tranh loạn lạc, đã nói đúng tâm trạng của những người phụ nữ có chồng chinh chiến nơi xa, ngày đêm mòn mỏi chờ đợi. Vì vậy, ngay khi ra đời, bài ca đã đi vào đời sống người dân một cách tự nhiên và có sức cuốn hút mạnh mẽ. Năm 1934, danh ca Lưu Hòa Nghĩa phát triển bài ca lên nhịp 8 đã biến bản Dạ cổ hoài lang trở thành bài vọng cổ. Bài vọng cổ này đã nói hộ nhiều người những nỗi niềm tâm sự buồn thương, cay đắng, chuyện đạo nghĩa, lòng nhân. Sáu câu vọng cổ được ca lên, nhiều người như tìm thấy một phần số phận mình trong đó và cảm thấy được gửi gắm tâm sự, chia sẻ sâu sắc.

Bài ca yêu nước

Trên sân khấu Hợp ca tranh tài, ca sĩ Đức Tuấn từng dựng lại cho đội Long Xuyên bản Dạ cổ hoài lang kết hợp loại hình hợp ca của phương Tây với đờn ca tài tử Nam Bộ. Ảnh: VnExpress.net
Trên sân khấu Hợp ca tranh tài, ca sĩ Đức Tuấn từng dựng lại cho đội Long Xuyên bản Dạ cổ hoài lang kết hợp loại hình hợp ca của phương Tây với đờn ca tài tử Nam Bộ. Ảnh: VnExpress.net

Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, bản vọng cổ đã khẳng định được cái thế của một bài ca yêu nước, góp phần không nhỏ vào công cuộc giải phóng dân tộc. Năm 1947, Cao Văn Lầu thực hiện thành công nhiệm vụ giải thoát 6 cán bộ cách mạng ra khỏi nhà tù của thực dân Pháp. Những đồng chí được thoát hiểm năm ấy không hề biết sự đóng góp thầm lặng của tiếng đàn ông Sáu Lầu và sâu xa hơn nữa là lòng yêu nước tiềm ẩn trong lòng mỗi công dân Việt Nam. Cũng chính sự lan tỏa sâu rộng trong đời sống nhân dân, chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ muốn lợi dụng bản Dạ cổ hoài lang để tố cộng, chống cộng nhưng bất thành vì bài vọng cổ mang đậm âm hưởng của dân tộc Việt khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước của con người Việt.

Bài vọng cổ còn đi vào chiến trường đạn bom khói lửa, giục giã bước chân ra trận. Nhiều chiến sĩ cách mạng đêm nào cũng mở đài nghe ca vọng cổ trong những ngày áp sát giải phóng Sài Gòn để thêm yêu dải đất đồng bằng miền Nam, thêm động lực vào trận chiến. Hay những cô gái miền Tây mỗi ngày chèo xuồng trên dòng sông Hậu, cất tiếng ca vọng cổ để lấy niềm tin lính ngụy, tránh sự kiểm soát gắt gao của chúng. Nhưng đối phương không biết mỗi chiếc xuồng chở đầy trái cây cất giấu nhiều vũ khí, tài liệu của cách mạng. Từ tâm sự của một người đàn ông, thương vợ mà viết nên tâm sự của vợ nhưng chẳng mấy chốc lại vươn vai lớn mạnh, Dạ cổ hoài lang là bài ca làm nên lịch sử dân tộc.

Khi nghệ thuật sân khấu cải lương ra đời, Dạ cổ hoài lang đã gánh cả tiền đồ sân khấu cải lương với nét nhạc du dương, quyến rũ trong suốt quá trình hình thành và phát triển của loại hình ca kịch dân tộc này. Từ bản nhịp đôi, theo dòng cảm hứng của nhạc sĩ, bài vọng cổ đã mở dần ra nhịp 32, 64 thậm chí lên tới 128 với nhiều lối ca. Theo năm tháng, những giai điệu này cứ đi chơi vơi theo kiểu truyền miệng từ người này đến người khác với nhiều dị bản về lời ca và nét nhạc, mỗi người, mỗi vùng lại hát một kiểu tùy theo cảm hứng. Tuy nhiên, tình yêu trong bản Dạ cổ hoài lang của ông Sáu Lầu mới thật da diết, là hơi thở, nhịp đập của con người Nam Bộ, sống mộc mạc, thủy chung. Chính tình yêu đó đã giúp bản nhạc bền bỉ theo thời gian.

Gần một thế kỷ trôi qua, Dạ cổ hoài lang đã trở thành báu vật của người dân Bạc Liêu nói riêng và của cả dân tộc nói chung. Đến Bạc Liêu mà chưa nghe đờn ca tài tử thì coi như chưa đến nơi đây. Giai điệu “Từ là từ phu tướng...” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã hiển nhiên trở thành một biểu trưng cho văn hóa dân tộc. Giai điệu ấy đi dài suốt cả thế kỷ như là cội nguồn của tiếng Việt, tâm hồn con người Việt, như là tâm trạng chung của cả một thời kỳ, của nhiều thế hệ tiếp nối.

HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.