.

"Loạn" sách tham khảo

.

Chưa bao giờ thị trường sách tham khảo (STK) dành cho học sinh tiểu học lại phong phú về số lượng và đa dạng về nội dung như hiện nay.

Phụ huynh cần lựa chọn những nhà xuất bản uy tín khi mua sách tham khảo cho con.
Phụ huynh cần lựa chọn những nhà xuất bản uy tín khi mua sách tham khảo cho con.

Đứng trước rừng STK như vậy, nhiều phụ huynh chỉ biết kêu trời vì không biết nên mua loại nào cho con, lắm khi đành “nhắm mắt vơ đại” hay “cứ lựa nhà xuất bản (NXB) uy tín mà mua thôi…”, như tâm sự của một số phụ huynh.

Giáo viên, phụ huynh đều “ngợp”

Tại các nhà sách lớn nhỏ trong thành phố, qua khảo sát của chúng tôi, chỉ riêng STK dành cho học sinh tiểu học đã có đến gần 400 đầu sách. Điểm sơ qua tại Nhà sách Fahasa (đường Lê Duẩn), riêng phần STK lớp 3 có 54 quyển Toán và 53 quyển tiếng Việt, nhiều sách gồm hai tập. Sách tiếng Việt nhiều nhất là sách văn mẫu với những cái tên na ná nhau “169 bài văn mẫu”, “Những bài văn hay nhất”, “200 bài văn hay”, “Cách làm văn hay”...

Tại một nhà sách trên đường Hoàng Diệu, chúng tôi chứng kiến các phụ huynh lướt tới lướt lui, cầm quyển này lên, bỏ quyển kia xuống vì không biết chọn quyển nào cho phải. “Tôi luôn chọn sách của NXB Giáo dục cho con tham khảo. Nhưng chỉ riêng môn Toán thôi mà biết bao nhiêu  sách thế này thì có nước nhắm mắt vơ đại”, chị Trần Tố Uyên (ở quận Hải Châu) bày tỏ.

Bà Trần Thị Minh Hà, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ (quận Thanh Khê) cho biết: “Thỉnh thoảng cũng có người xưng là nhân viên NXB đến giới thiệu sách với nhà trường, nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không bao giờ mua những loại sách đó. Hiện nay, STK dùng trong nhà trường đều nằm trong danh mục cho phép của Sở GD-ĐT thành phố”.

Ngoài các loại STK đã có tại thư viện trường, nhiều giáo viên hiện nay chủ động đến hiệu sách mua thêm STK, sách nâng cao để phục vụ công tác dạy học, nhất là ở những lớp có nhiều đối tượng học sinh khác nhau. Giáo viên một trường tiểu học thuộc quận Liên Chiểu kể, mỗi lần mua STK thì cô lại đau đầu, hoa mắt khi đứng trước một rừng STK như vậy. Có những cuốn sách của những NXB có thương hiệu nhưng cô vẫn phát hiện không ít lỗi về viết hoa, cách đặt dấu câu… “Bài văn tả về cảnh biển Phan Thiết mà tôi đọc từ đầu đến cuối, địa danh Phan Thiết toàn viết thường. Đây là lỗi quá cơ bản, không hiểu tác giả, biên tập viên ở đâu khi làm sách?”, cô giáo này cho biết.

Tỉnh táo khi mua và dùng STK

Chị Nguyễn Thị Hường (30 tuổi), có con học lớp 3 Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu), tâm sự: “Tôi mua STK nhằm hỗ trợ việc dạy học của mình với con. Tôi đã bấm phần đáp án lại nhưng cháu vẫn cố mở ra xem. Tôi đem sách giấu tận trong tủ quần áo, thế mà cháu lại lén lút lấy chép hết. Mà chép như vậy thì có hiểu gì đâu (!)”.     

Trường hợp như chị Hường không phải là hiếm khi hiện nay vấn đề mua và sử dụng STK sao cho hiệu quả, không bị lệ thuộc vào sách thì cần sự tỉnh táo và sự hướng dẫn cụ thể từ phía nhà trường.

Cũng theo bà Minh Hà, hiện nay, chương trình SGK liên tục có những đổi mới, phụ huynh cần thường xuyên theo dõi. Tại bảng thông báo của nhà trường luôn có những thông tin tư vấn cho phụ huynh nên chọn mua loại sách nào và hướng dẫn cách sử dụng STK thật tốt để không bị khập khểnh về kiến thức. “Theo tôi, cả phụ huynh lẫn giáo viên cần lựa chọn sách của các NXB và các tác giả có uy tín, không nên mua đại trà với suy nghĩ dùng được gì thì dùng. Biết cách sử dụng, xử lý kiến thức trong STK là vấn đề quyết định để đạt hiệu quả cao trong việc dạy học”, bà Hà chia sẻ.

Dù vậy, bà Hà cũng nêu quan điểm, giáo viên cần đến STK hơn để có nhiều dạng bài tập cho học sinh. Về phía phụ huynh, chỉ cần dạy con nắm chắc kiến thức SGK thôi là đã quá nhiều, không nên tạo thêm áp lực không tốt cho các cháu.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết ngay từ đầu năm học, Sở đã triển khai, hướng dẫn các văn bản quy định của Bộ GD-ĐT về sử dụng STK đến tất cả các trường học. Cho đến nay, những quy định tại văn bản này đang được các nhà trường nghiêm túc thực hiện. Ngoài ra, đối với một số đầu STK kém chất lượng, in sai sót, cần đính chính... khi được Bộ GD&ĐT và các cơ quan thông tin phát hiện thông báo, Sở cũng kịp thời hướng dẫn nhà trường điều chỉnh.

Ông Hùng nhấn mạnh: “Sở đặc biệt nghiêm cấm việc nhà trường hoặc giáo viên tùy tiện giới thiệu các sách không đúng quy định để mua hộ cho học sinh, phụ huynh. Việc mua STK thêm của học sinh, phụ huynh là quyền của cá nhân, nhà trường và giáo viên không làm thay, nhất là làm thay để hưởng “hoa hồng” trên đầu sách mua”.

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.