Trong đời sống âm nhạc ở Đà Nẵng, âm nhạc và các điệu múa Chăm tồn tại như dòng chảy bất tận với bản sắc riêng biệt, trở thành điểm nhấn ấn tượng trong các sản phẩm du lịch của thành phố.
Âm nhạc và các điệu múa Chăm luôn có sức hấp dẫn khán giả. |
Giao thoa với nhạc Việt
Nằm trên con đường lưu chuyển của văn hóa Chăm, cùng với Ninh Thuận, Quảng Nam, Đà Nẵng là một trong những địa phương còn lưu giữ nhiều dấu tích đặc sắc của văn hóa Chăm, từ các công trình kiến trúc, khảo cổ học đến âm nhạc. Là người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa Chăm, theo ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, hoạt động nghiên cứu về văn hóa Chăm nói chung, âm nhạc Chăm nói riêng ở Đà Nẵng diễn ra còn lẻ tẻ. Đến nay, tập sách Âm nhạc dân tộc Chăm - Sự giao thoa giữa nhạc Chăm và nhạc Việt của nhạc sĩ Trần Hồng vừa xuất bản vào cuối năm 2013 được xem là sản phẩm nghiên cứu quy mô nhất về âm nhạc Chăm.
Trải qua thời gian dài xâm nhập và nghiên cứu từ thực tế, nhạc sĩ Trần Hồng đã sưu tầm, biên soạn và cho ra đời tập sách với mong muốn đem đến cho bạn đọc cái nhìn cụ thể, chính xác và khoa học về mối quan hệ, giao thoa giữa nhạc Chăm với nhạc Việt, trong đó thể hiện rõ nhất ở hệ thống nhạc cụ và các làn điệu dân ca. Qua phân tích, nhạc sĩ Trần Hồng chỉ rõ sự tương đồng về cách chế tác và sử dụng giữa nhiều loại nhạc cụ cổ truyền của người Chăm như kèn saranai, trống pranung, trống ginăng, đàn kanhi, sáo, chiêng, mõ... với kèn sona, trống T’rưng, trống cơm, sáo, tiêu... của người Việt; giữa các nhạc cụ thổi hơi như tù và, nhạc cụ bằng gốm nung...
Ngoài ra, cũng như các dân tộc Tây Nguyên, người Chăm quan niệm âm nhạc là một loại hình nghệ thuật của thần thánh, là phương tiện thông quan giữa con người với thần linh. Âm nhạc chỉ dành riêng cho chốn thiên đường. Bởi vậy, cho tới ngày nay, đối với người Chăm cũng như các dân tộc Tây Nguyên, âm nhạc thường được tấu lên trong những dịp lễ tế, cúng thần thánh. Trong hệ thống nhạc khí truyền thống của người Chăm có nhiều nhạc khí tương tự các nhạc khí Tây Nguyên. Đặc biệt, giai điệu, tiết tấu, thang âm, điệu thức trong nhiều bản dân ca Chăm - Việt, các làn hơi trong âm nhạc truyền thống Việt - Chăm có sự giống nhau đến bất ngờ. “Sự gần gũi giữa ca nhạc Chăm và ca nhạc Việt truyền thống lại càng sâu sắc hơn nữa khi đem so sánh những tác phẩm đặc sắc nhất của ca nhạc Chăm với nhiều điệu hò, điệu lý Huế, dân ca quan họ Bắc Ninh, đờn ca Quảng, đơn ca tài tử Nam Bộ, hò mái nhì, hò mái đẩy... lý tương tư, lý năm canh...” (trích từ tác phẩm Âm nhạc dân tộc Chăm - Sự giao thoa giữa nhạc Chăm và nhạc Việt của nhạc sĩ Trần Hồng).
Theo nhạc sĩ Trần Hồng, các loại nhạc cụ, làn điệu dân ca, dân vũ Chăm đã đóng góp bản sắc riêng của mình vào kho tàng âm nhạc Việt Nam nói chung, ở Đà Nẵng nói riêng; tạo ra nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt mà không phải vùng, miền nào cũng có.
Khai thác phục vụ du lịch
Với sự khác biệt, âm nhạc Chăm hiện được khai thác nhiều và trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Hằng tháng, trong chương trình nghệ thuật phục vụ khách du lịch, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) thường xuyên dàn dựng nhiều tiết mục múa Chăm như: Apsara, độc tấu kèn Saranai. Các tiết mục này cũng được biểu diễn tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm (một tháng 2 lần), trên các thuyền du lịch hoạt động trên sông Hàn... Ngoài ra, một số nhà hàng cũng sử dụng âm nhạc, múa Chăm phục vụ du khách, làm điểm nhấn riêng biệt như Apsara (đường Trần Phú)...
Tuy nhiên, theo TS Võ Văn Thắng, hiện nay, các điệu múa Chăm đang bị biến tấu, mất dần bản sắc vốn có. Vì vậy, theo ông Thắng, nên có những nghiên cứu chuyên sâu về âm nhạc Chăm, đặc biệt là các điệu múa Chăm. Hiện nay, múa Chăm đang xa dần với nguyên bản, một phần vì trong quá trình dàn dựng nhiều động tác đã bị biến thể. Về lâu dài, nếu không được phục dựng lại như các bản gốc ban đầu, chúng ta sẽ chỉ được thưởng thức những thứ na ná múa Chăm mà thôi.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA