.

Chuyện cuối năm

.

Cuối năm, cả nhà đông đủ tất niên. 84 tuổi, lạy trời mẹ tôi năm nay vẫn mạnh khỏe. Nhiều khi tôi nhìn đôi tay và cách bưng chén cơm của mẹ mà thấy sự khắc nghiệt của thời gian. Mỗi khi quây quần bên con cháu, mẹ thường im lặng.

Mấy đứa con tôi rất thương bà. Chúng giành nhau bón thức ăn cho ngoại, khi thấy mỗi ngày tay ngoại run nhiều hơn. Nhưng chúng lại ít khi nói chuyện, khi xem phim, ngoại nhìn rất chăm chú lên màn hình và thường ngồi đến hết chương trình. Nhiều khi thảng thốt, khi mẹ chợt hỏi: răng mi? Thì ra, có một chi tiết nào đó mẹ không theo kịp. Nhưng các cháu không biết để có cách giải thích lại cho bà rõ. Thường như vậy, mẹ chỉ im lặng, kiên nhẫn xem hết tập phim.

Cuộc đời có bất công chăng? Hồi còn con gái, mẹ kể mà tôi hiểu cái khổ của một con người. Con gái đầu hy sinh, một mình tần tảo nuôi 4 đứa con, chồng thoát ly. Rồi cái tin đau đớn nhất cũng phủ đến: ba tôi hy sinh. Nghe cơ sở báo, mẹ nửa đêm lên “rừng” (một lõm của vùng tự do Bình Dương - Thăng Bình), tìm xác chồng. Cơ sở khiêng một đầu, mẹ khiêng một đầu. Nước mắt không còn để khóc. Mấy đứa con nheo nhóc, mẹ bươn chải lo từng bữa cho các con. Rồi hai đứa lớn lên núi, còn hai đứa nhỏ bơ bấc, trong đó đứa con gái 8 tuổi mà bây giờ là vợ tôi.

Tất niên, cháu ý tứ hay gắp thức ăn và giục bà. Uống chút bia, bà vui lắm. Mẹ ăn chậm, như sợ phiền con cháu nhiều khi phải chờ, mẹ nói gần như một mình: hồi còn trẻ, đói, thèm ăn kinh khủng nhưng không có cái chi ăn, bây giờ đủ cả, ê hề nhưng lại ăn không được. Nói xong, mẹ cười thiệt thà.

Khi khách ra về hết, tự nhiên mẹ gọi tôi lại và hỏi: “Hồi mô mới có?”, “Có gì hả mẹ?”, “Cái chuyện tặng danh hiệu Bà mẹ anh hùng, mẹ nghe nói lâu hung rồi mà? Tau nhớ chị với ba mi...”.

Tôi cay xè con mắt. Tôi điện thoại hỏi bên Sở LĐ-TB&XH, một người quen của tôi trả lời: Đang trình..., chắc là sau Tết, anh ạ.

MAI CHI MAI

;
.
.
.
.
.