ĐNĐT - Không biết từ bao giờ mà nhiếp ảnh đã và đang trở thành một thú vui, một niềm đam mê với rất nhiều bạn trẻ Đà thành. Những buổi chiều dạo bước trên đường Bạch Đằng, cầu Rồng hay xa hơn là những triền dốc thoai thoải của bán đảo Sơn Trà..., không ít lần chúng ta bắt gặp những bạn trẻ đang “lăn lê bò trườn” với cái máy ảnh trên tay, cố gắng bắt được những khoảnh khắc đẹp nhất của cuộc sống.
Về Hội An tác nghiệp. |
Nhìn đời qua ống kính
Đôi khi trên những con đường tấp nập ở phố thị, hay tại những bãi cỏ lau hoang dại ở vùng ven thành phố, hoặc ngay trong một góc nhỏ nào đó ở công viên, thậm chí là giữa cảnh ồn ào, nhộn nhạo trong một khu chợ đông đúc..., bạn sẽ bắt gặp hình ảnh những chàng trai, cô gái "mặt mũi non choẹt" say sưa sáng tác ảnh với những chiếc máy ảnh du lịch nhỏ gọn, "xịn" hơn là những máy ảnh bán chuyên nghiệp với đủ loại ống kính khác nhau.
Chẳng phải gắn mác "nhà nhiếp ảnh" cũng không cần đến những máy ảnh chuyên nghiệp, những tay máy nghiệp dư "mới tí tuổi đầu" này ngày qua ngày cứ đi đến mọi ngõ ngách trong thành phố hay "phượt" đến những vùng đất xa để thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo những bức ảnh về con người và cảnh sắc thiên nhiên... Những đứa con tinh thần của lớp trẻ Đà thành dần dần hoàn thiện và mang đến cho người mê nghệ thuật nhiếp ảnh những góc nhìn giản dị, đa sắc màu về cuộc sống.
Bình minh trên biển Đà Nẵng. |
Tăng Trung Kiên (sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đà Nẵng), tâm sự: “Tuy đến với nhiếp ảnh chưa lâu nhưng thông qua những bức hình của mình, tôi mong người xem cảm nhận được cuộc sống đang ngày một đổi thay của người dân Đà Nẵng. Còn đối với ảnh chân dung, tôi chỉ là người giúp người mẫu lưu giữ khoảnh khắc của tuổi trẻ thôi”.
Kiên cho biết, từ đam mê của bản thân, bạn đã tự mày mò mua máy, rồi tự luyện tập. Sau một khoảng thời gian cầm máy mới dám chia sẻ những bức hình của mình lên mạng xã hội facebook: “Từ khi đăng tải những bức hình mình chụp lên facebook, mình đã làm quen được với rất nhiều người có cùng đam mê. Tụi mình thường tụ tập với nhau vào cuối tuần rồi cùng đi sáng tác ảnh”.
Với mỗi tay máy “không chuyên” này, niềm vui đơn giản chỉ là những lời ngợi khen, khuyến khích của người xem ảnh, hay những lúc được chia sẻ kinh nghiệm với người cùng chung đam mê và hơn hết là sự tâm đắc khi ghi lại được những khoảnh khắc đẹp từ cuộc sống, con người và cảnh vật xung quanh mình.
Tạo dáng nghệ thuật để có được bức ảnh đẹp. |
Các bạn trẻ trong nhóm nhiếp ảnh của Kiên chia sẻ, dù là dân không chuyên, nhưng để có được một tấm ảnh đẹp, các bạn cũng lăn lộn đến “trầy da tróc vảy”. “Có những lúc, người chụp ảnh phải dậy thật sớm để "canh me" những khoảnh khắc đẹp của thiên nhiên, đặc biệt ở Đà Nẵng thì tụi mình thường đến biển vào lúc hừng đông. Thế nhưng, thời tiết không phải lúc nào cũng ủng hộ người chụp. Có hôm chuẩn bị xong hết rồi thì trời có sương mù, không chụp được. Hay có những lúc phải trèo, bò trên những triền dốc đầy nguy hiểm chỉ để có một tấm hình về sự bao la của thiên nhiên… Cái này thì thể hiện rõ nhất ở bán đảo Sơn Trà, núi Ngũ Hành Sơn”, một bạn nói.
Đến với nhiếp ảnh, ai cũng biết rằng, ngoài đam mê thì việc đầu tư một máy ảnh tốt là điều mà bất cứ người cầm máy nào cũng trăn trở, đặc biệt là với những sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường. Máy ảnh hiện nay có rất nhiều loại, một chiếc máy ảnh bán chuyên nghiệp tầm trung có giá dao động từ 10 triệu đồng - 30 triệu đồng. Máy chuyên nghiệp thì lên đến cả trăm triệu - một số tiền quá lớn đối với giới trẻ. “Mua máy móc tốn tiền lắm, càng đầu tư càng thấy thiếu, nhất là ống kính. Mỗi loại máy có một ưu điểm chụp riêng, vì thế, cần phải có nhiều loại ống kính để phù hợp với nhiều mục đích chụp, từ chân dung, phong cảnh cho đến chụp gần hay xa, nhưng thực ra cũng vui vì khi tìm được một chiếc lens (ống kính - PV) ưng ý thì không tiếc tiền đâu”, Trần Thanh Long, một bạn trẻ đam mê nhiếp ảnh cho biết.
Còn với Đoàn Ngọc Thịnh (cùng trong Hội nhiếp ảnh trẻ Đà Nẵng) thì cho rằng, tuy đam mê nhiếp ảnh nhưng vẫn còn là sinh viên nên có bao nhiêu thì "xài" bấy nhiêu thôi, không chạy theo công nghệ cao cấp, vì giá tiền đầu tư cho một thiết bị ưng ý với người dùng bình dân thì không thể chạy theo nổi.
Kiếm thêm thu nhập từ đam mê
Đầu tư tốn kém là thế nhưng số bạn trẻ theo đuổi nhiếp ảnh ở Đà Nẵng lại ngày càng tăng. Đơn giản bởi giới trẻ cầm máy ở Đà Nẵng đã biết cách kiếm thêm thu nhập để “nuôi” đam mê của mình.
Chụp được một tấm ảnh nghệ thuật là điều mà bất cứ tay máy không chuyên nào cũng ao ước. |
Hiện nay, trên địa chỉ facebook của giới nhiếp ảnh trẻ Đà Nẵng, hình ảnh của các nhiếp ảnh gia, các ảnh mẫu hay bảng giá dịch vụ được “chủ nhân” cập nhật thường xuyên. “Mình đang hợp tác với một số anh em mê nhiếp ảnh nhận chụp ảnh ngoại cảnh và ảnh cưới vào cuối tuần. Vì tụi mình là sinh viên, lấy nhiếp ảnh làm đam mê nên giá các dịch vụ đều rẻ hơn nhiều so với studio”, Đoàn Ngọc Thịnh tâm sự.
Thịnh cũng chia sẻ thêm rằng, đã không làm thì thôi nhưng đã làm thì phải đến nơi đến chốn. Để chụp một bộ ảnh, các bạn phải lên ý tưởng, chuẩn bị kỹ lưỡng các khâu cùng với những phụ kiện đi kèm để không làm khách hàng phật lòng. “Sau vài năm chơi ảnh và nhiều lần đi giao lưu với các câu lạc bộ, nhóm chơi máy ảnh, mình bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về những kỹ thuật chuyên sâu cho một bộ ảnh. Xu hướng hiện nay của giới trẻ mà anh em nhiếp ảnh nào cũng có thể hiểu là chụp thể loại "teen xóa phông", hay chụp và xử lý hậu kỳ bằng các phần mềm thứ 3 chuyên dụng; làm màu cho sản phẩm ảnh được tạo ra... Các bộ ảnh mình chụp gần đây đều đi theo xu hướng này và nhận được phản hồi rất tốt”.
Còn Kiên thì cho biết, hiện nay, bạn vừa đi dạy kèm, vừa học lên Thạc sĩ, việc học bận rộn nên phải đến cuối tuần mới nhận lịch chụp và giá chụp cũng “rất sinh viên”. “Mình làm công việc này vì niềm vui là chính. Lấy tiền chụp được để đầu tư máy ảnh thôi chứ không gì khác. Một tuần mình chụp từ 1-3 bạn và mỗi buổi chụp thì nhận được từ 250.000-300.000 đồng”.
Chụp ảnh nghệ thuật đang trở thành một trào lưu ưa chuộng trong cộng đồng trẻ ở Đà Nẵng hiện nay. Hình ảnh những bạn trẻ không ngại lăn xả để có bức hình đẹp trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa của thanh niên thời đại mới. Và, chính những” lượt like”, những “lời comment” chân thành trên mạng xã hội hay những cuộc thi, giải thưởng về ảnh đẹp là động lực lớn để các bạn trẻ này “cháy” hết đam mê của mình.
Quỳnh Trang