GS,TS Đỗ Quang Hưng - Chủ nhiệm Hội đồng Tôn giáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - cho rằng, việc có gần 8.000 lễ hội/năm trên khắp cả nước là điều rất đáng để suy nghĩ.
Cảnh du khách nhét tiền vào tay tượng diễn ra khá phổ biến ở nhiều lễ hội phía Bắc. Ảnh: N.T.BÌNH |
* Thưa GS, lễ hội lại đang trở thành vấn đề không chỉ của các nhà nghiên cứu văn hóa, mà còn là nỗi bận tâm của cả xã hội?
- Đúng vậy. Nhưng tại sao bây giờ người Việt Nam lại thích lễ hội? Dùng lý thuyết văn hóa học, tôi tạm nói rằng, lễ hội hiện đã thành văn hóa tiêu dùng mất rồi. Cộng đồng người ta thích. Người ta được xả phóng tâm linh, xả phóng tình cảm, có thể đến lễ hội để chiêm bái, thậm chí có thể là “xin xỏ”… Nhưng đó là nhu cầu.
Tại sao giờ nhu cầu đó bung nở? Có một lý do, đó là sự hưởng thụ văn hóa cộng đồng phát triển mạnh, trở thành phổ biến. Có khi nào hai chữ “du lịch” lại quen thuộc với người Việt như hiện nay không? Chỉ chừng 20 năm nay, nhiều người thích đi du lịch, đi hưởng thụ. Vì thế, khi nhìn lễ hội, quả thật nó là vấn đề của xã hội, thậm chí đụng đến vấn đề của chính sách xã hội mất rồi, không đơn giản là thái độ với văn hóa truyền thống nữa.
* Khi lễ hội đã vượt thoát ngưỡng của văn hóa và trở thành vấn đề xã hội, cũng rất cần cơ chế quản lý sao cho phù hợp, thưa ông?
- Ở Việt Nam, có lẽ chưa bao giờ như mấy năm nay cứ phải tranh luận với nhau về việc quản lý lễ hội như thế nào cho tốt. Bao nhiêu hội nghị rồi, cấp quốc gia có, cấp khu vực cũng có, cấp địa phương cũng có… Có nghĩa rằng, lễ hội đã trở thành vấn đề xã hội, của Nhà nước. Vấn đề lễ hội bây giờ đã “căng” hơn trước nhiều.
Thời xưa, đúng như các học giả Phan Kế Bính, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên đã nói, đó là chuyện của làng xóm, chuyện của cộng đồng làng, xã. Bây giờ, nhiều người bảo hãy cứ trả lễ hội về cho cộng đồng quản lý. Thoáng nghe có vẻ rất hợp lý, nhưng tôi xin hỏi cộng đồng đó là cộng đồng nào? Hiện nay, xã hội phát triển, trong đời sống hiện đại đã sinh ra những lễ hội lớn, mang tầm vóc quốc gia thì trả về cho ai? Như Festival Huế, trả về cho ai? Nếu không phải Nhà nước đứng ra làm thì cộng đồng nào làm được? Cũng có người lại bảo, hội Lim cứ trả về cho làng Lim thì mọi chuyện sẽ ổn. Nhưng bây giờ, hội Lim đã trở thành quả bóng to đùng rồi, trả về cho làng Lim đâu có ổn. Nó cần một cái áo rộng hơn. Chứ cơ thể đã phát triển rồi mà ta vẫn mặc cho nó cái áo quá chật thì làm sao ổn thỏa được!
* Nhưng thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng, những vấn đề nảy sinh từ gần 8.000 lễ hội lớn, nhỏ trong cả nước hiện nay có nguyên nhân do chúng ta đã khá vội vàng trong việc phục dựng rất nhiều lễ hội?
- Trong sự phát triển, việc phục hồi lễ hội có nhiều cái tốt. Nhưng về mặt trái, chúng ta dễ nhận ra rằng, việc phục hồi lễ hội như hiện nay có biểu hiện xô bồ. Gần 8.000 lễ hội/năm là con số rất đáng để chúng ta suy nghĩ. Nhiều hay ít? Có quá “bội thực” không? Bao nhiêu lễ hội có từ cổ xưa, bao nhiêu lễ hội chúng ta đã phục dựng? Khi phục dựng lễ hội, chúng ta phải xem xét lại cứ liệu lịch sử?
Ví dụ, nước Anh bảo tồn các nghi lễ từng li từng tí một, nhưng phải bảo đảm 2 nguyên tắc: phải được minh chứng và có tính ổn định lâu dài, thậm chí đã được thiết chế hóa. Khi đã được “bảo quản” kỹ càng như thế, người dân từ giàu tới nghèo, thậm chí cả du khách, cũng thấy rõ “tinh thần Anh” hiện hữu trong những lễ hội truyền thống đó.
Về những vấn đề của xã hội, chúng ta không nên vội vàng, cần có sự nghiên cứu. Ngay cả khi phục dựng lễ hội cũng cần phải nghiên cứu thật thấu đáo. Bản chất nguyên thủy của lễ hội thì phải hết sức trân trọng. Có những lễ hội như đâm trâu ở Tây Nguyên, cứ luận lịch sử là có, đâm trâu cũng có trong đời sống tinh thần của người Tây Nguyên. Thế thì ta nên giải quyết thế nào? Tôi nghiêng về cách giải quyết như người Tây Ban Nha với lễ đấu bò tót. Đấu bò tót cũng rất “hung dữ”, cũng “máu me”, thậm chí chết chóc, nhưng người Tây Ban Nha vẫn giữ. Cố nhiên, ở nước ta, căn cứ vào điều kiện và thực tế, một số nghi lễ cũng có thể làm tượng trưng, mô phỏng thông qua những thước phim, qua những bức ảnh hoặc một số hình thức khác, để công chúng ngày nay hiểu được bản chất của lễ hội, không bị đứt đoạn trong suy nghĩ. Và cũng cần tuyên truyền thêm để mọi người hiểu rằng, tại sao ngày nay chúng ta phải mô phỏng như thế.
* Ý ông muốn nói tới lễ hội chém lợn ở Nén Thượng (Bắc Ninh) được nhiều người đề nghị nên loại khỏi cộng đồng cũng hoàn toàn có thể mô phỏng để loại bớt sự “man rợ”?
- Đúng vậy. Riêng với lễ hội này tôi cũng băn khoăn về tính lịch sử và tính phổ biến của nó. Tôi đã tìm đọc rất nhiều tài liệu, các công trình nghiên cứu thì nghi lễ chém lợn chưa rõ ràng, không biết đã có trong suy nghĩ của người Bắc Ninh bao nhiêu năm? Vì thế, tôi ngờ lắm. Khi xác quyết được những điều này, khi nghi lễ ấy đã đi vào tâm thức cộng đồng thì cần cân nhắc khi đưa ra cách xử lý.
Hay như ở lễ khai ấn đền Trần, sao lại cứ để nó trở nên nhức nhối như thế, dù lễ hội này mới chỉ được phục dựng trong mươi năm trở lại đây? Tại sao chúng ta lại lãng phí quá nhiều tiền bạc vào đấy, từ việc in ấn tới 50 vạn lá ấn, mà lại là chuyện hằng năm. Đó thật sự là “bi hài”.
Đã rất nhiều năm các cơ quan quản lý từ Trung ương và địa phương đến giới chuyên môn, báo chí đã bàn rất nhiều đến vấn đề này, nhưng xem ra tình hình ngày càng căng thẳng và phức tạp. Chúng ta cũng còn thấy những khía cạnh kinh tế, xã hội phức tạp của hiện tượng này ở chỗ: chẳng hạn giải thích thế nào với con số 50 vạn lá ấn, trong khi lễ hội này xa xưa lại cực kỳ chọn lọc đối tượng được nhận? Mặt khác, trong một không gian tâm linh cũng không lấy gì làm hoành tráng đã quy tụ một lực lượng “khổng lồ” và “vô tận” đến chiêm bái và xin ấn…
Khi con người có ý thức tốt hơn nữa, trưởng thành hơn sẽ có cái nhìn khác ngay. Nhưng nếu vai trò của các đơn vị quản lý không lập lại trật tự thì không thể cứ để mãi thế. Theo tôi, chúng ta không phát ấn đền Trần như hiện nay nữa! Thật hiếm có một lễ hội vốn chỉ là câu chuyện địa phương bỗng nhiên trở thành một vấn đề “tâm linh có tính quốc gia”, một vấn đề văn hóa - xã hội có tính quốc gia khiến tất cả các cơ quan công quyền phải vào cuộc.
* Xin cảm ơn Giáo sư!
NGUYỄN THANH BÌNH thực hiện