.

Nhớ về ông Trạng kẻ Bùng

.

Lưỡng quốc Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan là nhân vật lịch sử nổi tiếng kinh bang tế thế, trị loạn an nguy. Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn với nhiều sự kiện chính trị, lịch sử, quân sự, ngoại giao, kinh tế mang tính thời đại của đất nước trong nửa cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII.

Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan                                 Ảnh: MAI HOÀNG chụp lại
Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan Ảnh: MAI HOÀNG chụp lại

Phùng Khắc Khoan tục gọi là Trạng Bùng, hiệu là Nghị Trai, tự Hoằng Phu. Ông sinh năm 1528 ở làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội).

Năm 17 tuổi (1545), Phùng Khắc Khoan sang Hải Dương thụ nghiệp Nho với nhà lý học nổi tiếng đương thời là Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đến năm 1550, việc Lê Bá Ly- trọng thần của triều Mạc - vào quy thuận triều Lê ở Thanh Hóa gợi trong ông vấn đề chọn triều đại để phò vua giúp đời. Năm 26 tuổi (1553), ông vào Thanh Hóa quy thuận triều Lê. Năm 29 tuổi, ông đỗ đầu khoa thi Hương ở Thanh Hóa. Năm Canh Thìn (1580), nhà Lê trung hưng mở hội thi ở hành tại Vạn Lại, Thanh Hóa. Phùng Khắc Khoan đỗ thứ hai, sau Nguyễn Văn Giai, được thăng chức Đô cấp sự trung.

Năm Nhâm Thìn (1592), Lê trung hưng thắng Mạc trở về kinh đô, Phùng Khắc Khoan được vinh phong: Trung nghĩa nội lũy, Kiệt tiết Tuyên lực công thần, Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, Tán trị Thừa chánh sứ Thanh Hóa. Dịp này, nhiều đại thần cùng triều làm thơ ca ngợi công  huân, đức độ của ông. Năm Đinh Dậu (1597), Phùng Khắc Khoan là chánh sứ sang sứ triều Minh. Cuối năm sau, sứ sự thành công trở về nước, Phùng Khắc Khoan được thăng chức Lại bộ Tả thị lang, tước Mai Lĩnh hầu. Trong đời Lê Thế Tông (1600-1619), ông lĩnh chức Công bộ Thượng thư, kiêm Quốc tử giám Tế tửu.

Trong Lịch triều hiến chương loại chí, phần “Nhân vật chí” về Phùng Khắc Khoan, Phan Huy Chú viết: “…Lúc trẻ đã nổi tiếng văn học, theo học trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Vĩnh Lại, kiêm thông cả thuật số. Nhưng chí khí hào mại, không chịu ra thi với nhà Mạc. Đầu đời Trung tông theo Lê Bá Ly quy thuận nhà Lê…, Thái sư Trịnh Kiểm mới gặp ông, biết là người có học thức, mưu lược, cho tham dự việc trong màn trướng, trao chức ký lục ở chỗ ngự dinh, coi quân bốn vệ… Ông là người cương quyết, sáng suốt, có tài, cái gì cũng biết được chỗ cốt yếu. Văn chương ông thanh nhã, dồi dào, có các thi tập truyền ở đời” (Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, trang 260 - 261).

Nhà bác học Lê Quý Đôn từng nhận xét: “Phùng Khắc Khoan phụng mệnh đi sứ, tuổi đã ngoài 70 không những biện bạch quang minh chính đại, đạo đạt được mệnh lệnh của vua”. Còn trong Toàn Việt thi lục, Lê Quý Đôn nhận xét về Phùng Khắc Khoan: “Khoan là người cương nghị tinh minh, văn võ toàn tài”.

Nhà thờ Trạng Bùng được xây dựng ở làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội).      Ảnh: M.H
Nhà thờ Trạng Bùng được xây dựng ở làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội). Ảnh: M.H

Kỷ niệm 400 năm ngày mất của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan vào cuối năm ngoái là dịp để chúng ta một lần nữa nhìn về vị Trạng do dân phong.

Sử còn ghi lại, Phùng Khắc Khoan 3 lần ứng thí nhưng chưa một lần đỗ Trạng. Tuy thế, với lòng kính trọng, nhân dân vẫn gọi là ông Trạng kẻ Bùng. Thậm chí, phong là Trạng nguyên nước Nam thấy chưa đủ, nhân dân còn tôn phong Phùng Khắc Khoan là Lưỡng quốc Trạng nguyên.

Sinh thời, GS Trần Quốc Vượng từng nhận xét rằng, Phùng Khắc Khoan là một “cuộc đời ngoại hạng”. Còn theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Phùng Khắc Khoan chưa từng được phong Trạng ở chốn trường ốc nhưng việc được dân phong Trạng của làng Bùng chính là sự vinh danh mà không phải người nào cũng có được.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, tìm hiểu cuộc đời Phùng Khắc Khoan thấy có điều thú vị: ông được tiên (Liễu Hạnh công chúa) chọn làm người đối đáp thơ văn và được người đời phong làm Trạng. Nói cách khác, cả cõi trời và cõi đất đều coi ông là người của mình. Đó thật là một điều kỳ lạ. Phùng Khắc Khoan đã làm trọn bổn phận của mình trong vai trò một ông quan với chính quyền. Hai tiếng Trạng Bùng thân thuộc được gọi thay tên chính vì ông đã sống một cuộc đời của đại quan vẫn như dân thường.

Theo GS,TS Nguyễn Tài Thư, Phùng Khắc Khoan là người nắm được kiến thức đương thời, vừa là người làm quan có tâm huyết, ít nhiều nắm được thực tế xã hội, và như vậy có điều kiện để nhìn nhận xã hội cũng như thời cuộc một cách sâu xa, có điều kiện để nói lên được tiếng nói chung của thời thế. Phùng Khắc Khoan là người tiêu biểu cho khuynh hướng tư tưởng của một vùng đất nước, với một xã hội quan và một nhân sinh quan riêng. Qua tư tưởng của ông, có thể thấy được phần nào bộ mặt tư tưởng của xã hội Việt Nam ở cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII. Ở thời loạn, người ta có nhiều con đường tiến thân khác nhau. Có người bằng võ nghiệp, có người bằng văn nghiệp. Võ nghiệp thì có nhiều điều kiện để thăng quan tiến chức, có nhiều cơ hội để có quyền cao chức trọng. Phùng Khắc Khoan không lựa chọn con đường võ mà bằng con đường văn, con đường của nghiệp nho. Ông  tin tưởng vào ý nghĩa của con đường này: “Đợi đến lúc thái bình, dân tình tốt, lúc bấy giờ mới tin rằng đọc sách là điều cao quý (“Đãi đắc thái bình dân tiết hảo, thử hồi phương tín độc thư cao”, Loạn thế tự thán). Và ông đã chứng tỏ nghiệp nho trên cả hai phương diện: nhà tư tưởng và nhà hoạt động xã hội.

Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan là người đã mang về làng Bùng nghề làm the, dệt lượt; mang đỗ, ngô, khoai lang... về gieo trồng trên mảnh đất quê hương.

Ông mất năm 1613, để lại nhiều tác phẩm: Nông sự tiện lãm, Nghị Trai thi tập, Ngư phủ nhập Đào Nguyên, Ngôn chí thi tập, Mai lĩnh sứ Hoa tùng vịnh... Trong đó có bài thơ Tự thuật được người đời sau nhớ mãi. Thơ bằng chữ Hán, dịch ra chữ quốc ngữ như sau: “Cây tùng, cây bách lẽ nào lại chịu hàng phục trước mùa đông giá rét/ Cá kình, cá nghê đâu chịu luyến tiếc vũng nước nông hẹp/ Biển Nam từng trông thấy cá côn hóa thành chim bằng cất cánh/ Bay bổng cao ngang sông Hà, sông Hán”.

MAI HOÀNG

;
.
.
.
.
.