Với sự phát triển như vũ bão của mạng Internet và công cụ điện tử cầm tay tiện lợi, báo mạng đang là xu thế toàn cầu. Người đọc giờ đây thường ưu tiên đọc báo mạng thay vì báo giấy - loại hình báo chí được xem là của thế kỷ trước. Liệu báo mạng có là nguyên nhân cho vấn đề sống - chết của báo in?
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Nhà báo Robin Jeffrey của hãng ABC News (Úc) ví von sự bùng nổ của mạng Internet và điện thoại di động thông minh trong thời gian qua với sự ra đời và nhanh chóng lan rộng của việc sử dụng… giày dép. Mới nghe qua thì sự so sánh này có vẻ quá cường điệu. Tuy nhiên, nó không phải là không có lý khi smart phone (điện thoại thông minh có thể kết nối Internet) đang trở thành vật dụng cá nhân được sử dụng rộng rãi nhất và được đánh giá là công cụ góp phần lớn nhất vào cuộc cách mạng truyền thông hiện nay.
Giờ đây, bất kỳ ai cũng có thể trở thành “nhà báo” chỉ với sự hỗ trợ của chiếc smart phone có thể chụp hình, quay phim và kết nối Internet. Nhà báo công dân đã giúp mang lại những thông tin, những bức ảnh mà các nhà báo chuyên nghiệp bỏ qua hoặc không thể tiếp cận. Với chiếc điện thoại, người đọc có thể chia sẻ và cập nhật tin tức bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi đâu, ở tất cả các lĩnh vực từ khắp nơi trên thế giới…, chỉ miễn là có Internet. Điều này đã rút ngắn, thậm chí gần như không còn khoảng cách giữa tòa soạn và bạn đọc - điều mà báo giấy chưa thể và không thể làm hiệu quả bằng báo mạng. Giờ đây, người đọc có thể truy cập hàng trăm tờ báo mạng một ngày với chi phí rẻ hơn mua một tờ báo giấy. Xu hướng đọc báo thay đổi, chi phí sản xuất và phân phối lớn đã buộc nhiều tờ báo lớn trên thế giới phải thay đổi ấn bản hằng ngày thành ấn bản hằng tuần hoặc chuyển hẳn sang báo mạng như tờ Wall Street Journal, New York Times, US Today hay New York Daily News.
Thực tế trên khiến nhiều người nghĩ đến “cái chết” của báo in. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, khảo sát nghiêm túc được thực hiện trên thế giới, báo in sẽ vẫn là tương lai của báo chí bởi nhiều lý do. Thứ nhất, lợi nhuận khổng lồ từ việc quảng cáo trên báo mạng đang giảm xuống vì các nhà quảng cáo nhận ra rằng người đọc chỉ bỏ ra một vài giây để lướt qua hàng loạt tít báo mạng và hoàn toàn không nhận ra sự có mặt cũng như không đủ thời gian để hiểu những thông điệp từ các mẩu quảng cáo điện tử. Một khi lợi nhuận quảng cáo giảm xuống buộc các tờ báo mạng phải thực hiện chiến thuật “paying for news”, tức là trả tiền để được đọc báo - điều mà rất nhiều tờ báo lớn đang thực hiện, bởi số tiền đạt được từ quảng cáo qua mạng không đủ để họ duy trì tờ báo của mình.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, đa phần người đọc không muốn trả tiền để đọc báo mạng, dù chỉ một xu. Bởi Internet là kho thông tin khổng lồ, họ sẽ quay lưng với tờ báo mạng tính tiền để tìm đến nguồn thông tin miễn phí hay quay về với báo giấy - nơi họ có được tất cả những bài viết hay, cô đọng, giá trị, những phóng sự gần với cuộc sống chứ không phải là những tin tức nhanh, ngắn gọn nhưng thiếu chất văn chương và đôi khi không chính xác của báo mạng. Bên cạnh đó, việc trả trước tiền để nhấp chuột vào các bài báo được đánh giá là hành động “may rủi” bởi người đọc không biết trước nội dung mình sẽ đọc có xứng với số tiền bỏ ra hay không, và để an toàn, người đọc lại quay về với báo giấy. Tờ New York Times và National Business Review - 2 tờ báo nổi tiếng của Mỹ và New Zealand đã phải chịu sự quay lưng của người đọc chỉ bởi áp dụng biện pháp trả tiền để đọc báo mạng, là một trong những minh chứng hùng hồn cho sự tồn tại không thể thiếu của báo giấy.
Tổng biên tập của tờ Newport Daily News, ông Albert Sherman, đã tính phí đến 345 USD/năm cho việc tiếp cận tờ báo mạng của ông với mục đích: “Hướng mọi người quay lại với tờ báo giấy”. Ông nhận ra báo mạng không phải là con gà đẻ trứng vàng, sự phụ thuộc vào lợi nhuận quảng cáo trên mạng là không bền vững. Theo ông, cảm giác được cầm trên tay một tờ báo in đẹp, có tít lớn, tít nhỏ, có những tấm hình thời sự hoặc yêu thương… mà giá chỉ bằng nửa ly cà-phê sẽ mãi là cám dỗ lớn đối với bạn đọc. Đây là chưa kể đến cảm xúc khi đọc các bài phóng sự hay trên trang giấy, từng câu, từng chữ đi vào lòng người đọc là một cảm giác vô cùng đặc biệt. Cảm giác này hoàn toàn khác với việc đọc báo trên màn hình điện tử loang loáng, lúc cần phải phóng to, lúc phải thu nhỏ mới đọc được hết nội dung và thường làm người đọc nản chí. Họ chọn cách lướt qua để nắm thông tin chứ không phải đọc, suy ngẫm và ghi nhớ như khi đọc báo giấy.
GS Kath Albury, giảng viên khoa Báo chí Trường đại học New South Wales cho biết: “Thu hẹp báo điện tử và tìm đường trở lại báo in sẽ là tương lai của nền báo chí, nếu thấy điều này khó tin, bạn có thể đi vòng quanh các trường đại học. Ở đây luôn có báo chí trực tuyến, máy tính cầm tay và điện thoại thông minh, tuy nhiên các sinh viên đại học vẫn say sưa đọc báo in của nhà trường. Tại sao thế hệ hiểu biết nhất về công nghệ không dây vẫn đón nhận báo giấy - phương tiện truyền thông lâu đời này? Có lẽ đó là vì hiệu quả, vì giá trị thông tin mà mỗi bạn lưu giữ lại trong trí nhớ mình, vì những cảm xúc đặc biệt được khơi gợi bằng ngôn ngữ có chất văn học, đời thường nhưng dữ dội, sâu sắc chứ không đơn thuần là những tin ngắn, đáp ứng thông tin về mặt nhanh chóng nhưng chưa bảo đảm hoàn toàn về mặc chính xác và văn chương, là điều mà chỉ báo giấy mới có thể mang lại cho người đọc”.
Việc đưa ra câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi “tương lai của báo chí sẽ nằm ở đâu?” có lẽ là điều không thể. Điều duy nhất có thể thấy là khẳng định “báo mạng sẽ chiếm vị trí thống soái, báo in rồi sẽ chết yểu” mới chỉ là khẳng định phiến diện. PGS, TS Nguyễn Văn Dững, Trưởng khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền - Hà Nội) cho biết: “Báo in sẽ vẫn đóng vai trò như là trục chính của truyền thông, mà xung quanh nó, các phương tiện truyền thông mới ra đời và phát triển. Báo in gắn với văn hóa đọc căn bản như trục xương sống của văn minh nhân loại; mặt khác, những phẩm chất truyền tải và tác động từ báo in mà các loại hình truyền thông khác như truyền thanh, phát thanh hay báo mạng điện tử không thể bù đắp hay thay thế được. Đây là những phẩm chất mà công chúng mãi mãi cần, mãi mãi tìm đến”.
“Tương lai sẽ không chỉ có báo in hay báo mạng điện tử, loài người sẽ vẫn sử dụng các phương tiện truyền thông hiện có, đồng thời sáng tạo thêm những phương tiện truyền thông mới. Với sự hỗ trợ của kỹ thuật và công nghệ truyền thông hiện đại, các loại hình truyền thông này sẽ cạnh tranh và hợp tác dưới nhiều dạng thức. Có ý kiến cho rằng, vì nhiều lý do khác nhau, báo in đang hấp hối và thay vào đó sẽ là báo mạng điện tử. Những ý kiến này là bình thường, tuy nhiên không nên “hốt hoảng” trước sự gia tăng của báo mạng điện tử. Có thể nhìn vào sự tồn tại bền bỉ của báo phát thanh để thấy được những tiên lượng khi nói rằng: “Báo chí truyền hình phát triển sẽ dẫn đến cái chết tất yếu của báo phát thanh” là sai, từ đó có thể thấy một tương lai sáng sủa hơn cho báo in. Hiện nay báo in châu Mỹ, châu Âu… đang sụt giảm nhanh, nhưng báo in châu Á vẫn phát triển khá bền vững. Nếu báo in Việt Nam sụt giảm, nguyên nhân có lẽ không phải là do báo mạng điện tử cạnh tranh thị phần mà vì lý do khác - do quan điểm và cách làm báo. Cá nhân tôi cho rằng, với cách làm báo như ở Việt Nam hiện nay thì loại hình báo nào rồi cũng sẽ sụt giảm, cũng sẽ bị công chúng quay lưng”. PGS, TS Nguyễn Văn Dững, Trưởng khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền - Hà Nội) |
MAI TRANG