Sáng nay, chị vừa nhận được thư Vy. Bức thư viết vội, em kể trong văn phòng công ty em ở Nhật mọi người hết bàn tán chuyện quan chức ngành đường sắt Việt Nam nhận hối lộ, lại xôn xao chuyện một nữ tiếp viên của Vietnam Airlines bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ vì nghi cô xách hàng lậu ăn cắp về Việt Nam.
Báo chí Nhật cũng đã đưa rùm beng chuyện này. Em cảm thấy đây quả thực là những ngày rất “khó thở” giữa xứ người, dù em vẫn được mọi người yêu mến.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Thông tin ấy thật không vui! Hơn nữa, mới tuần trước, chị em mình vừa nói chuyện với nhau về việc giữ gìn hình ảnh đất nước. Và mới đây thôi, chính Hãng Hàng không quốc gia (Vietnam Airlines) cũng đưa ra những quy định về việc nhân viên chỉ được mang cặp bay/valy kéo nhỏ. Vậy mà thông tin cô nhân viên Nguyễn Bích Ngọc đã làm mọi nỗ lực như nước đổ lá khoai. Tất nhiên người Việt Nam không ai ủng hộ việc trộm cắp, làm xấu hình ảnh đất nước như thế. Và Vietnam Airlines cũng đã khẳng định không bao che, tránh né, mà kiên quyết xử lý nghiêm đối với bất kỳ cá nhân nào là tiếp viên hay cán bộ, công nhân viên lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ để mang hành lý sai quy định. Và ai làm sai, sai đến đâu sẽ bị xử lý.
Có thể Vy vẫn chưa hài lòng, bởi việc xử lý ấy chẳng thể lấy lại được những gì đã mất. Cô nhân viên kia có thể rồi sẽ thôi không làm tiếp viên hàng không nữa, nhưng cô ấy đã để lại một ấn tượng thật sự không hay đối với người Việt. Hằng ngày, tiếp xúc với các đồng nghiệp người Nhật, dù cố gắng đến đâu em cũng không thể xóa nhòa những định kiến, thành kiến mà một người đồng hương của mình trót để lại trong lòng họ. Cũng như em, trên mạng xã hội, rất nhiều bạn trẻ đã bày tỏ nỗi bức xúc, buồn bực và xấu hổ vì hành động của cô tiếp viên này. Giá trị số hàng hóa đó, so với nỗi nhục, vết nhơ mà cô đã để lại trong lòng bạn bè quốc tế quả là quá nhỏ bé và không đáng.
Đừng cho rằng đó chỉ là hành động của một cá nhân. Khi đã vượt ra khỏi biên giới nước ta, những việc làm ấy không còn mang màu sắc tư lợi nữa, mà nó gắn liền với hình ảnh về đất nước, con người Việt. Nếu chúng ta không làm được gì tốt cho đất nước thì cũng đừng làm ảnh hưởng tới hai tiếng “Việt Nam”.
Đúng thời điểm này, một bức thư được cho là của bạn trẻ người Nhật từng sống và học tập ở Việt Nam gây xôn xao cộng đồng mạng. Bức thư có thể còn có điểm này điểm khác tỏ rõ sự cực đoan của người viết, nhưng cũng có nhiều viên “thuốc đắng”, đụng chạm đến những “sự thật mất lòng”. Vì thế, có những người phản ứng rất gay gắt, rằng đó là sự nông nổi của một người trẻ, chưa thấu hiểu hết đất nước, con người Việt Nam mà đã vội quy kết. Thậm chí, có ý kiến còn bảo, nếu với cái nhìn như thế, nhìn vào đất nước Nhật Bản, cụ thể là nhìn vào cái cách người Nhật ứng xử với vụ sóng thần và rò rỉ phóng xạ mấy năm trước, cũng đầy chuyện không hay ho.
Song, có nhiều người bày tỏ thái độ chia sẻ. Một người bạn của chị đã rất dứt khoát: “Ai đóng cửa bảo nhau thì cứ đóng, còn tớ, phải đối diện, tiếp thu, nhận sai và sửa chữa”. Chứng tỏ, những người Việt đồng trang lứa với bạn trẻ người Nhật kia cũng phần nào đồng cảm với nhau. Đó là một dấu hiệu vô cùng đáng mừng. Và Vy ạ, chắc chắn rằng, thời gian sẽ như chiếc sàng, lọc văng những thứ sỏi đá lổn nhổn, chỉ để cát và phù sa lắng lại. Đất nước mình, văn hóa, con người của mình tồn tại được qua bao nhiêu mất mát đau thương, qua chiến tranh tàn phá, ở mỗi thời điểm đều có những giá trị nổi bật, ngời sáng. Vì thế, chị tin, ở thời đại này, khi biết “nhìn thẳng, nói thật”, thì những giá trị tốt đẹp kia sẽ sớm trở lại...
MAI HOÀNG