.

Kinh tế học, dễ đi thôi mà!

.

“Chỉ có một điều bạn không thể không làm, đó là học tập”

Hank Paulson, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ

Hễ đã là người viết về kinh tế, thương mại thì phải học thêm về kinh tế để có kiến thức về chuyên ngành mình viết, nhờ đó có thể mô tả, giải thích và dự đoán (chút đỉnh) tình hình kinh tế. Người đọc báo cũng vậy.

Khi đã nắm được môn kinh tế học một cách tương đối, chắc chắn bài viết của bạn sẽ có chất lượng cao hơn người khác. Khi có nền tảng kiến thức kinh tế, bạn sẽ giải thích được những chuyện mà người khác không giải thích được. Hơn nữa, viết về kinh tế, thương mại mà không đủ kiến thức, khả năng viết sai sẽ nhiều hơn người biết kinh tế. Theo Alfred Marshall, nhà kinh tế học nổi tiếng người Anh, kinh tế học là môn khoa học nghiên cứu “công việc kinh doanh bình thường của cuộc sống”.

Rõ định nghĩa

“Kinh tế” là từ Hán Việt, rút gọn của “kinh bang tế thế”, có nghĩa “trị nước giúp đời”, chỉ công việc của vua, quan trong cai trị đất nước: chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân. Nhưng từ kinh tế này được dùng để chỉ kinh tế học kiểu thị trường của phương Tây.

Ngày nay, hầu như quốc gia nào cũng theo kinh tế thị trường nhưng ở cấp độ khác nhau. Kinh tế thị trường đem đến sự giàu có lẫn nghèo khổ. Tuy nhiên, biết sử dụng nó thì sẽ bớt đi sự nghèo khổ và sự giàu có sẽ nhiều hơn. Đất nước chúng ta từ khi mở cửa, dần đi theo kinh tế thị trường đến nay đã hơn 20 năm. Trong thời gian đó, tiêu cực, phá hoại do lợi dụng kinh tế thị trường cũng nhiều. Nhưng không ai chối cãi một sự thật: nhờ đó cuộc sống của người dân, đặc biệt ở thành thị, đã được cải thiện đáng kể.

Nhiều nhà kinh tế học đã định nghĩa kinh tế học, nhưng bạn chỉ cần nhớ định nghĩa này là đủ: “Kinh tế học là việc nghiên cứu cách thức các xã hội sử dụng những nguồn tài nguyên hiếm hoi cho việc sản xuất các hàng hóa có giá trị nhằm phân phối cho những con người khác nhau” (P. Samuelson, W. Nordhaus).

Các nước có các nhà lãnh đạo khôn ngoan thường trở nên giàu có vì những người đó đã phân bổ việc sử dụng nguồn tài nguyên hữu hạn hiệu quả nhất, đem lại lợi ích cao nhất cho đất nước mình. Như vậy, khi nghiên cứu kinh tế, bạn phải tìm hiểu cả sự khan hiếm tài nguyên như đất đai, dầu mỏ. Chính vì sự khan hiếm đó, các quốc gia đã đánh nhau; ngày nay, các nước cũng đụng độ nhau nhưng theo kiểu khác. Căn nguyên của mọi xung đột đều là từ sự khan hiếm.

Thử hình dung một gia đình cha mẹ chỉ biết tiêu tiền nhưng không làm ra nhiều tiền nên luôn vay để tiêu, chắc chắn con cái sẽ rất khổ. Nhưng có gia đình, do phân bổ tài nguyên hạn hẹp cho hợp lý, cha mẹ đành cắn răng hy sinh. Hy sinh mình rồi hy sinh cả con cái. Thường ở Việt Nam, con gái phải chịu thiệt, bỏ học làm lụng cực khổ phụ giúp cha mẹ nuôi anh hoặc em trai học hành. Anh hoặc em trai được đi học, ra làm việc có tiền, sống thong dong. Nếu anh hoặc em trai biết thương em hoặc chị mình, giúp đỡ thì quá quý. Nhưng con người lạ lắm, chỉ biết nhận; rất ít người biết cho.

Nói chung, kinh tế luôn liên quan đến sở hữu và lợi ích.

Thấy tăng trưởng

Những chính phủ giỏi bao giờ cũng biết sử dụng tăng trưởng kinh tế, chấp nhận những bất công trong thời gian đầu để tích lũy của cải.

Ngày trước, các chính phủ luôn thúc đẩy phát triển sản xuất để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Nhưng ngày nay, tăng trưởng kinh tế đã gắn liền với việc sử dụng công nghệ. Những nước chỉ biết khai thác tài nguyên thiên nhiên và đẩy mạnh những ngành như sản xuất lúa, nuôi và đánh bắt thủy hải sản để xuất khẩu thì sẽ chỉ giải quyết được giai đoạn đầu của tăng trưởng mà thôi. Nếu dừng lại ở đó thì sẽ không thể thoát nghèo.

Ở đây, cần quay lại với khái niệm tài nguyên hữu hạn - khai thác đến một ngày nào đó sẽ bị cạn kiệt. Cách đây 20 năm và 30 năm, Hàn Quốc và Đài Loan đầu tư vào vi mạch - một ngành công nghệ mũi nhọn. Nhờ đó, họ đã tiến lên một bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị  kinh tế toàn cầu,  trở nên giàu có hơn. Họ biết đầu tư khôn ngoan với những đồng tiền tiết kiệm được từ khai thác tài nguyên hữu hạn, để tiến xa hơn.

Biết cách hỏi

Tại sao phải lo lắng khi ngân sách quốc gia bị thâm hụt? Thâm hụt ngân sách tác động tới lạm phát như thế nào? Tại sao phải lo âu khi xảy ra lạm phát?

Sao lại có lạm phát? Sao một số người lại quá giàu; số khác quá nghèo? Toàn những câu hỏi kinh tế nhưng liên quan tới xã hội, hành vi con người... và cả đạo đức nữa.

Ra chợ có thể giúp bạn nhận ra được tác hại của lạm phát.

Khi nói về lạm phát, các giáo trình kinh tế luôn nhắc tới một trường hợp điển hình: siêu lạm phát ở Đức vào những năm 1920. Tình trạng này cũng xảy ra ở Zimbabwe trong 10 năm đầu của thế kỷ XXI. Về mặt lý thuyết, siêu lạm phát xảy ra khi giá cả tăng ít nhất 50% chỉ trong vòng một tháng. Triều đình Weimar của Đức từng phải phát hành tờ giấy bạc 100.000 tỷ mác vào năm 1923. Nghĩa là, lúc đó siêu lạm phát đã lên tới đỉnh điểm; giá đã tăng đến... 1.000.000.000.000% trong vòng 2 năm. Vì thế, tài sản của người dân bị mất hết, dẫn đến bất ổn xã hội, tạo điều kiện cho Hitler lên nắm quyền. Đây chính là bài học lịch sử về lạm phát.

Một câu chuyện vui minh họa cho lạm phát thời kỳ đó: bà kia đẩy xe cút kít đựng đầy tiền. Bà vô cửa hàng mua bánh mì, để xe (vẫn còn nhiều tiền) ở ngoài đường. Kẻ cắp lấy cái gì? Lấy cái xe, đổ tiền ra, chạy mất.

Khi ngân hàng tăng lãi suất, bạn nên tự hỏi tại sao vậy. Và có thể tự trả lời: khi lạm phát tăng, tiền sẽ mất giá mà lãi suất thấp, chắc chắn người dân sẽ không gửi tiền vào ngân hàng nữa vì không có lời. Thay vào đó, họ chọn các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán hoặc bất động sản. Để thu hút tiền trở lại, ngân hàng buộc phải tăng lãi suất.

Rồi khi tiền được rút ra khỏi lưu thông, lạm phát sẽ giảm. Mỗi khi kinh tế bị khó khăn do lạm phát cao, các chính phủ đều can thiệp bằng biện pháp hành chính như vậy. Nếu chỉ đề nghị doanh nghiệp bình ổn giá thì sẽ không có kết quả. Các doanh nghiệp sẽ không nghe theo hoặc nếu có cũng chỉ một phần.
Nếu nhìn lại quá khứ, bạn sẽ thấy thỉnh thoảng lạm phát lại nổi lên. Nhưng con người ta hay quên chuyện cũ. Có tiền lên là quên mất hồi xưa mình đã cực khổ như thế nào. Vì quên, nên không biết giữ tiền, không làm cho tiền sinh sôi nẩy nở; cứ vài năm là trở lại y như hồi xưa.

Các nhà doanh nghiệp cũng hay quên. Một đại gia ngành cá, xây dựng thêm nhà máy collagen, đầu tư cả bên Mỹ; tưởng mình làm cái gì cũng được. Dè đâu, do phát triển quá mức, quên bài học “liệu cơm gắp mắm”, quay lại chỗ hầu như tay trắng.

Đừng tưởng không nghiên cứu lịch sử mà mình có thể giỏi được. Bao giờ con người cũng có quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhà triết học George Santayana từng nói: “Ai quên quá khứ, chắc chắn sẽ bị thúc đẩy đến chỗ lặp lại những bài học, những sai lầm của quá khứ, của lịch sử”.

Cuốn Kinh tế học ồ quá dễ (NXB Trẻ) của tác giả Ngọc Trân thảo luận các nội dung cơ bản của kinh tế học nhưng không tách bạch kinh tế vĩ mô với vi mô như truyền thống, không đi vào chi tiết, cũng không cung cấp các công thức phức tạp, mà chắc chắn bạn sẽ nhanh chóng quên đi vì không thường xuyên sử dụng đến. Trong số những nội dung này, có thuyết bàn tay vô hình, quy luật cung cầu, chi phí cơ hội, lợi ích cận biên, sự tưởng tưởng, lạm phát, giảm phát, thất nghiệp và tổng sản phẩm nội địa.

Tác giả cũng giới thiệu các nội dung liên quan đến kinh doanh, tài chính - ngân hàng thường xuất hiện trên các báo như hệ thống ngân hàng, thuế khóa và thị trường chứng khoán, và một số nội dung khác.

Kinh tế học không thể vẽ nên bức tranh kinh tế rõ nét nhưng lại có thể giúp chúng ta hiểu biết các thế lực vô hình chi phối sự vận động của nền kinh tế, biết được đất nước hiện nằm ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới. Khi tìm hiểu kinh tế học, chúng ta còn có thêm kiến thức, nhờ đó sẽ biết cách chi tiêu khôn khéo và kiếm ra tiền, làm cuộc sống trở nên dễ chịu hơn. Riêng đối với nhà báo chuyên kinh tế hoặc kinh doanh, tìm hiểu kinh tế học không những chỉ giúp viết bài tốt hơn, mà còn có thể giúp gây ấn tượng với đồng nghiệp.

NGỌC TRÂN

;
.
.
.
.
.