.

Nhà nghiên cứu Đàm Văn Chí: Nỗi niềm gửi lại

.

Trong số những công trình biên soạn của Đàm Văn Chí, tập sách Lịch sử văn hóa Việt Nam sinh hoạt trí thức (NXB Trẻ 1992) là công trình giá trị viết về kỷ nguyên 1427-1802.

Nhà nghiên cứu Đàm Văn Chí.             (Ảnh tư liệu)
Nhà nghiên cứu Đàm Văn Chí. (Ảnh tư liệu)

Sinh thời, Đàm Văn Chí có lối sống lặng lẽ, ít giao du rộng rãi. Vốn là nhà giáo, ngoài thời gian giảng dạy ở nhà trường, chủ yếu ông dành thời gian đọc sách và nghiên cứu, sáng tác…

Trong suốt quá trình nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử văn hóa Việt Nam, Đàm Văn Chí đặc biệt bỏ nhiều công sức ngược về những miền quê Bắc Ninh để tìm hiểu nguồn cội tộc Đàm của dòng họ mình. Ông làm việc khoa học, cẩn thận, chi li. Giọng văn trầm hùng sâu lắng, mênh mang tạo hình ảnh tuyệt đẹp khi viết về những bậc tiền nhân đấu tranh giữa thiên nhiên khắc nghiệt, giữa thế sự thăng trầm từ nhiều thế kỷ trước.

Qua tập sách Lịch sử văn hóa Việt Nam sinh hoạt trí thức, tác giả cho biết, gạn lọc truyền khẩu, huyền thoại cũng là phương pháp rộng tìm những tâm trạng tư duy của quần chúng. Truyện ký, dã sử, truyền kỳ, thi văn, luật, chính sách, sử gia đình, tiểu sử cá nhân và chính sử là những chứng thực. Thông qua tất cả để xác định thời kỳ, vạch trào lưu, rút ra những phạm trù tư tưởng trong sinh hoạt văn hóa. Từ mỗi sự kiện được liệt kê, từ mỗi nhận định, từ mỗi hệ thống, tác giả hy vọng độc giả có thể hướng suy tư mình về những tư kiến, những liên kết mới.

Kỷ nguyên 1427-1802 có nhiều sinh hoạt mang những phạm trù tư duy phong phú, những vấn đề mà thời đại ta đang có là: dân chủ, nhân bản, nhân đạo, Tổ quốc, liên đới tình người, những tương quan xã hội. Tư tưởng kỷ nguyên thứ ba này mang tính tích cực: từ ý thức chủ thể ra liên chủ thể trong luật pháp. Văn chương nghệ thuật cũng hàm ngụ những tình cảm cao quý triết lý. Giáo dục thể hiện được tính công bằng. Chế độ tuyển người để giao quyền bính hành chính đích thực là bầu cử gián tiếp, ưu việt… Văn hóa kỷ nguyên này đã bảo tồn vốn cũ của Lý Trần và có phát triển, tiến vào những tương quan ngày càng sâu thẳm theo nhu cầu tự nhiên của xã hội. Quan trọng hơn là văn hóa của kỷ nguyên này khá lưỡng toàn về hai mặt: lý thuyết và hành động, hiệu quả cao quý nhất là đã tạo dựng được trong lòng dân tộc tư tưởng nhân bản bao la cho đến bây giờ. Kỷ nguyên đã chói sáng những nhân vật như: Nguyễn Trãi, Lê Niệm, Giáp Hải, Phạm Công Trứ, Nguyễn Công Hãng, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du…, những văn bia, những tác phẩm đồ sộ, những Hội Tao Đàn, Hàn Lâm Viện mở rộng… Tất cả là những hiện vật chứng tỏ chúng ta có những tầm vóc cao lớn trong vùng HOA - ẤN, là những biểu tượng văn minh toàn nhân loại, chứ đâu phải của chỉ một kỷ nguyên mà thôi.

Để người đọc có điều kiện tiếp cận vấn đề thuận lợi, tác giả Đàm Văn Chí đã trình bày tập sách thành các chương rõ rệt, giới thiệu 54 dòng tộc xuất sắc về học vấn, những thăng trầm của các dòng tộc trí thức,  các sự kiện biểu thị đức tính hiếu học trong truyền thống Việt Nam…, trong đó chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc đáo như: làng có nhiều tam khôi trong lịch sử; làng có từ 2-4 tam khôi: 12 làng chính sử ghi, 1 làng chính sử chưa ghi. Căn cứ vào một bức trướng của Ngô Thì Sỹ viết khi ông 27 tuổi (cùng tuổi với Lê Quý Đôn), lúc Lê Quý Đôn 15 tuổi (1741) theo cha vừa được phục chức lên kinh, học ở đây 6 năm thì đỗ đầu thi hương. Trong đó nêu rõ những người thầy của Lê Quý Đôn ở kinh đô như: Đinh Nguyên Hanh, Nguyễn Tông Khuê, Nhữ Trọng Thai, Trần Công, Vũ Công Tể…

Theo Đàm Văn Chí, nhà giáo lừng danh nhất thế kỷ 15 là Đông các đại học sĩ Trần Ích Phát và nhà giáo được truyền tụng rộng nhất là Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thế kỷ 16 lúc nhà Mạc trị vì, thời thịnh của văn Nôm.

Những nhà giáo buổi Lê sơ có Nguyễn Vũ Quỳnh, Vũ Duệ và đồng khoa Đàm Thận Huy. Hầu như những nho sĩ nào cũng dạy học, từ những hàn nho nơi thôn dã đến những vị tên đề bảng hổ. Họ bận việc quan ở châu, lộ hay ở đài, sảnh, viện, quán. Ngay cả những bậc tể tướng trọng thần điều hành cả trăm việc quốc gia cũng dạy học. Họ dạy sĩ tử bốn phương như cảnh “cha con”, như tình “thân thích”, nên họ đã để lại niềm tôn kính mãnh liệt. Họ giảng học ở chốn thôn điền hương dã hay ở nơi đô hội đều có không khí của một buổi hội, trong các lần kiểm bài có giọng đọc ngân nga lời kinh sử, bình văn trứ tác, lại có khi có cả những ẩn sĩ quái dị bất thần đến so tài thi phú, cũng hấp dẫn luôn cả lớp bình dân vô học tụ tập lắng nghe…

Hiện nay, ngoài tập sách Lịch sử văn hóa Việt Nam sinh hoạt trí thức là có lưu giữ tại các thư viện, còn nhiều công trình khác của Đàm Văn Chí, mặc dù đã được biên soạn hoàn chỉnh, nhưng hầu như chưa được phổ biến. Mong sao các cơ quan có trách nhiệm cần quan tâm lần lượt giới thiệu những tác phẩm ấy với công chúng. Bởi những công trình đó hôm nay cũng như trong tương lai, không phải có mấy người đủ tài năng và tâm sức làm được.

Nhà nghiên cứu Đàm Văn Chí sinh năm 1939 tại Đà Nẵng, là con thứ 6 trong một gia đình hiếu học, yêu nước, thuộc phái III tộc Đàm Xuân Đán.

Ông tốt nghiệp cử nhân văn chương trước 1975, thạc sĩ ngữ văn ĐH Huế (2001), nghiên cứu sinh, tiến sĩ văn chương (2007).

Tác phẩm đã in: Lịch sử văn hóa Việt Nam sinh hoạt trí thức (NXB Trẻ, 1992), Phong trào Duy Tân (công trình nghiên cứu chung với Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Q. Thắng, Võ Chí Đạt, NXB Văn hóa thông tin, 1997)…

Ông vừa mất vào ngày 18-2-2014.

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.