ĐNĐT - Ngày 29-3, theo phản ánh của người dân, chúng tôi đến tại khu vực ghềnh đá Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) vào lúc 22h tối.
Sóng biển phát sáng màu xanh |
Lúc này thủy triều đang lên và những đợt sóng xô vào bờ xuất hiện ánh sáng xanh trên đầu ngọn sóng. Tần suất không cố định, từ 5 đến 10 phút xuất hiện một lần, độ dài khoảng 2-3 mét và chỉ kéo dài chưa đầy một phút. Điểm ghi nhận hiện tượng sóng phát quang kéo dài từ ghềnh Nam Ô đến gần khu du lịch Xuân Thiều. Theo người dân sống khu vực này, không chỉ ven bờ, một số ngư dân đánh bắt cá ngoài vịnh Đà Nẵng cách bờ khoảng 200m vẫn thấy hiện tượng này. Đặc biệt, nhiều ghe thuyền làm nghề ban đêm khi di chuyển cũng để lại những đợt sóng phát sánh màu xanh.
Nhiều ngư dân làm nghề biển có kinh nghiệm cho biết, đó là hiện tượng sóng lân tinh.
Ngoài ra, theo người dân phản ánh, trước đó vào buổi chiều cùng ngày, nhiều bà con ra khu vực này tắm thì thấy nước biển có hiện tượng lạ. Nhiều láng nước khi tấp vào bờ có màu nâu đỏ, gây ngứa và nhiều bợn (lớp bụi bẩn và chất nhờn) bám quanh người. Người dân sống ở khu vực này cho biết đây là lần đầu tiên họ thấy hiện tượng thủy triều đỏ và sóng lân tinh. Nhiều người phản ánh có thể là do nguồn nước ở đây bị ô nhiễm nhưng vẫn chưa biết vì sao lại bị ô nhiễm, mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý.
Theo tìm hiểu trên mạng Wikipedia, có thể ban ngày sóng biển có màu nâu đỏ là hiện tượng thủy triều đỏ, về đêm nó phát quang màu xanh. Đây là tên gọi chung cho những hiện tượng được biết đến như là những đợt bùng phát tảo biển nở hoa, xảy ra ở cửa sông, mặt biển tích tụ nhanh chóng những cột hoa do tảo biển sinh ra. Thủy triều đỏ được biết đến dưới các đợt nở hoa bùng phát của tảo biển, tấn công và làm tổn thương hàng loạt đối với động vật biển giáp xác và thân mềm. Cơ chế nhóm tảo đơn bào hai roi (dinoflagellates) sinh ra những đợt thủy triều đỏ mang độc tố vẫn còn là một bí ẩn, nhưng đó có thể là một cơ chế phòng thủ được triển khai xuất phát từ những thay đổi của các dòng hải lưu như thay đổi nhiệt độ hay trạng thái quá tải của môi trường.
Kênh 14 dẫn ý kiến của các chuyên gia là các nhà khoa học thuộc Đại học Rush ở Chicago cho rằng, loài tảo này có đầy đủ các yếu tố để kích hoạt sự phát sáng. Nó cho phép các proton mang điện tích dương đi qua, xung điện, sau đó lan truyền khắp các proton bên trong, kích hoạt các phản ứng hóa học. Cuối cùng, nó kích hoạt một protein có tên luciferase nhằm sản xuất ra ánh sáng dạ quang neon màu xanh.
Trọng Huy