.

"The Change" chạm vào trái tim

.

ĐNĐT - Bằng những hình ảnh chân thực và đầy cảm động về con người miền Trung liên quan đến biến đổi khí hậu, bộ phim ngắn “Thay đổi” (The Change) của nhóm làm phim không chuyên ở Đà Nẵng đã “chạm” tới tận sâu thẳm trái tim của đông đảo người xem.

grfsg
Ngư dân Đà Nẵng chuẩn bị vươn khơi. (Một cảnh trong phim được chụp lại qua màn hình).

Đây là bộ phim ngắn nằm trong dự án chương trình “Sáng kiến thanh niên thuộc mạng lưới các thành phố châu Á có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH)” do quỹ Rockerfeller, Hoa Kỳ tài trợ. Nhóm làm phim gồm các thành viên hiện đang công tác tại các phòng, ban của Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng thực hiện. Trong đó, Lê Hạ Uyên, chuyên viên Phòng Lãnh sự - Việt kiều, cô gái đa năng, cá tính vừa đảm nhận nhiệm vụ quay phim, dựng phim và cũng kiêm phần lồng tiếng nhân vật nữ chính trong phim.

3 lần thay đổi kịch bản

Hạ Uyên cho biết, cơ duyên đưa cô và nhóm làm phim đến với dự án này là từ sau khi có thông tin về dự án từ một người đồng nghiệp trong cơ quan. Sẵn có năng khiếu quay phim, dựng phim, cộng với niềm đam mê của mình, Uyên đã bàn với một số đồng nghiệp khác trong cơ quan và bắt tay vào thực hiện ý tưởng.

“Những nhóm khác như sinh viên chẳng hạn, họ có thế mạnh về nghiên cứu nên họ sẽ thực hiện những công trình nghiên cứu. Còn nhóm mình có lợi thế về lĩnh vực truyền thông nên mọi người quyết định sẽ dựng một bộ phim ngắn với mục đích nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho mọi người về BĐKH”, Uyên chia sẻ.

Khoảng đầu tháng 6-2012, một đề cương ngắn gọn về ý tưởng ban đầu của bộ phim hướng tới chủ đề bão, lũ được nộp lên và hai tháng sau, đề cương chính thức được duyệt. “Lúc đầu, nhóm định làm một bộ phim nhằm hệ thống và trình bày các số liệu về sự ảnh hưởng của BĐKH, những con số thống kê về thiệt hại do bão, lũ… gây ra. Tất nhiên sẽ tính tới việc sử dụng cách trình bày và dàn dựng phim sao cho thật bắt mắt để những con số đó không quá khô khan và thu hút khán giả”, nữ quay phim nói và cho biết, ý tưởng này đã bị thay đổi sau một vài cảnh quay ban đầu.

Sau đó, nhóm lại nảy ra ý tưởng mới: dựng một bộ phim về khung cảnh của Đà Nẵng trước và sau bão, lũ. Trong đó, hình ảnh trước khi bão, lũ… chưa tới với những khung cảnh đẹp đẽ, thơ mộng, bầu trời trong xanh, con người hân hoan… bao nhiêu thì sau khi bão, lũ đi qua, mọi thứ trở nên hoang tàn, u ám bấy nhiêu.

Tuy nhiên, người hướng dẫn của nhóm đưa ra lời gợi ý: nên thể hiện bộ phim thành một câu chuyện có cốt truyện từ đầu tới cuối và tìm cách kể chuyện sao cho nổi bật, biết vận dụng tốt ngôn ngữ điện ảnh thì khả năng tác động trực tiếp vào nhận thức của con người, các thông điệp trong phim sẽ dễ dàng ảnh hưởng tới sự thay đổi hành động cụ thể của người xem. Thế là, kịch bản này sau đó lại tiếp tục chuyển sang hướng khác.

“Bão, lũ là hai yếu tố được coi là ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH và hậu quả gây ra của nó với con người là ghê gớm nhất. Bão thường gây ra thiệt hại lớn cho cư dân ở biển, còn lũ sẽ khiến nhà nông chịu khổ cực. Vì thế, nhóm mới hình thành ý tưởng đi tìm hai câu chuyện ở hai vùng khác nhau để làm cốt chính cho phim”, Hạ Uyên kể lại và cho biết, sau đó cả nhóm háo hức và bắt đầu chia nhau ra đi tới nhiều vùng biển, về nhiều vùng nông thôn ở Đà Nẵng để tìm những câu chuyện cảm động nhất làm tư liệu cho phim.

Hai sự trái ngược

Cơ duyên đã đến với nhóm khi họ nghe được câu chuyện từ một người phụ nữ làng chài ven biển của quận Sơn Trà (Đà Nẵng).

“Cô ấy kể cho nhóm về hoàn cảnh đau thương, mất mát của gia đình người bạn thân nhà ở bên cạnh, khi người chồng, người cha, người đàn ông trụ cột của gia đình bạn khi đi biển không may bị cơn bão Chanchu (năm 2006 - PV) cuốn đi mãi mãi. Con trai của hai vợ chồng lúc đó còn quá nhỏ nên chưa hiểu hết sự đau thương này. Cô ấy vừa kể vừa cứ khóc nấc khiến mọi người đều cảm động rồi khóc theo”, Uyên nhớ lại. Ngay lập tức, nội dung chính của phim đã hiện lên từ câu chuyện có thật này.

Đó là hình ảnh tái hiện câu chuyện của cậu bé, lúc nhỏ vốn rất yêu mến và tự hào với nghề đi biển của cha mình và nguyện sau này cũng sẽ tiếp nối truyền thống nghề biển. Nhưng khi lớn lên, biết câu chuyện về sự ra đi của cha mình, anh đã thay đổi suy nghĩ và quyết định tìm một công việc khác mà không phải ở lại với nghề biển. Bởi anh không muốn mẹ mình đau khổ thêm lần nữa; không muốn thấy mẹ phải khóc hàng đêm giống như khi ngóng chờ tin tức của cha từ biển hồi năm nào…

gjfgj
Nữ chính trong phim với công trình nghiên cứu về thủy canh của mình. Cô luôn cố gắng mang sức lực, trí tuệ của mình để góp phần nhỏ vào việc làm giảm thiểu đi sự hung hãn, dữ dội mà thiên nhiên gây ra cho loài người.

Còn câu chuyện của nhân vật nữ thì ngược lại: cô gái này sau khi trải qua nhiều kỷ niệm gắn bó với tuổi thơ nơi quê nghèo; phải đương đầu với biết bao tai ương của thiên nhiên gây ra, phải chịu đựng nỗi đau mất đi người thân gần như 2 lần… song cô vẫn kiên quyết gắn bó với quê hương và luôn nỗ lực mang sức lực, trí tuệ của mình để góp phần nhỏ vào việc làm giảm thiểu sự hung hãn, dữ dội mà thiên nhiên gây ra cho loài người. Hai nhân vật chính là người Đà Nẵng thay nhau, đan xen kể về tuổi thơ đầy ắp tiếng cười gắn liền với cuộc sống nơi miền biển và vùng quê nghèo của mình.

“Hai câu chuyện, hai sự lựa chọn trái ngược là chủ ý của nhóm làm phim hướng tới và một kịch bản hoàn chỉnh được mọi người hưởng ứng và hào hứng bắt tay vào thực hiện ”, Uyên nói và cho hay, khó khăn nhiều nhất trong quá trình làm phim là về thời gian. Bởi kịch bản thay đổi từ đầu tới cuối nên lịch quay cũng phải thay đổi nhiều, trong khi đó, mọi người trong nhóm chỉ tranh thủ chút thời gian vào những ngày nghỉ cuối tuần.

Tuy nhiên, mọi công đoạn sau đó như: kế hoạch liên hệ địa điểm quay phim, liên hệ “diễn viên”, cách diễn xuất… đều cơ bản thuận lợi. Các thành viên trong nhóm đều đã hiểu nhau nên trao đổi công việc nhanh chóng hơn. Hai “diễn viên” nam chính và nữ chính của phim vốn là học trò của chị đồng nghiệp với Uyên trong cơ quan nên dễ dàng trong việc liên hệ. Còn hai nhân vật nam, nữ lúc nhỏ lại được phát hiện tình cờ trong một lần đi quay nhưng theo Uyên chia sẻ, các em nhỏ rất thông minh, nhanh nhẹn nên chỉ hướng dẫn cho các em chút thôi, các em đã diễn xuất rất tốt và có hồn rồi.

Ngay cả tới chi tiết chọn cách đọc của hai người dẫn chuyện bằng chất giọng “sệt” “Quảng Nôm”, với những ngôn từ, cách nói quen thuộc đời thường như: răng, ri, mô, nớ, hè… cũng là một sự chủ ý từ ban đầu của nhóm làm phim.

“Quyết định sử dụng chất giọng Quảng Nam - Đà Nẵng như vậy cũng là cách mà nhóm muốn chuyển tải sự đặc trưng cơ bản của người dân địa phương. Bởi khi nghe giọng nói ấy, rồi qua những hình ảnh ấy, mọi người sẽ cảm nhận như có hình ảnh của chính mình trong phim. Qua đó, phần nào tạo sự kết nối trái tim những người con miền Trung, nhất là những người con xa quê”, Uyên chia sẻ.

Có lẽ, với sự dàn dựng công phu cùng nội dung kịch bản mang tính đại diện, phù hợp với thông điệp và chủ đề, được thể hiện độc đáo và sáng tạo; cách diễn xuất đạt độ chân thực cao của các “diễn viên không chuyên”; cho tới các góc quay, bố cục khuôn hình, cách xử lý ánh sáng, kỹ thuật dựng và kỹ xảo tốt… đã lay động trái tim người xem.

Cách kết thúc phim cũng được nhóm xây dựng mang tính “mở” để khán giả yêu thích có nhiều cách cảm nhận cho riêng mình. Ở cuối bộ phim, nhóm còn đưa ra nhiều số liệu thống kê về thiệt hại mà thiên tai gây ra, càng làm tăng tính thuyết phục và khéo léo nhắc nhở người xem về sự thay đổi chóng mặt của thiên nhiên trong những năm gần đây.

Đặc biệt, phim ngắn này sau khi trình chiếu tại buổi tổng kết dự án tổ chức tại Đà Nẵng đã nhận được sự khen ngợi và được Hội đồng Dự án đánh giá rất cao. Sau khi chia sẻ lên trang mạng Youtube.com, phim đã được cộng đồng cư dân mạng hết sức khen ngợi.

“Đây là niềm vui và niềm hạnh phúc lớn của cả nhóm. Điều mừng nhất là khi thấy “đứa con tinh thần” của mình được đón nhận. Hy vọng thông điệp của hai câu chuyện trong phim sẽ góp phần nhỏ trong việc nâng cao nhận thức của mọi người về sự ảnh hưởng của BĐKH”, Hạ Uyên chia sẻ.

Xem phim ngắn The Change tại địa chỉ: https://www.youtube.com/watch?v=T6tEn0Jk7Jg

Đắc Mạnh

;
.
.
.
.
.