.
Văn hóa - lịch sử huyện Điện Bàn

Bảo tồn thông qua kết nối với Đà Nẵng và Hội An

.

“Ra Hàn xuống Phố” - câu nói cửa miệng một thời của người Quảng- xét về phương diện địa - chính trị thì dường như phù hợp nhất với trường hợp Điện Bàn. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà bàn đến vấn đề bảo tồn văn hóa - lịch sử Điện Bàn, có ý kiến cho rằng trước hết nên kết nối với hai thành phố Đà Nẵng và Hội An.

Một tiết mục múa Chăm được biểu diễn tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng).           Ảnh: TÚ PHƯƠNG
Một tiết mục múa Chăm được biểu diễn tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng). Ảnh: TÚ PHƯƠNG

Bài viết này đi sâu gợi ý một số việc làm có tính khả thi nhằm tạo điều kiện để thông qua kết nối với hai thành phố Đà Nẵng và Hội An, Điện Bàn có thể đảm đương có hiệu quả sứ mệnh bảo tồn văn hóa - lịch sử của địa phương mình.

Bảo tồn nghệ thuật hát bội/tuồng

Nhà hát tuồng ở Đà Nẵng mang tên Nguyễn Hiển Dĩnh có thể được xem là một gợi ý hay về việc bảo tồn nghệ thuật hát bội/tuồng ở Điện Bàn - quê hương của ông Tuần An Quán Nguyễn Hiển Dĩnh… Đất Quảng không phải là chiếc nôi của nghệ thuật hát bội/tuồng. Song, người Quảng rất thích hát bội/tuồng, bởi hát bội/tuồng truyền thống có nhiều đặc trưng nghệ thuật khá phù hợp với chất chính trị mạnh mẽ quyết liệt của dân Quảng: tích tuồng nào cũng xoay quanh những cuộc tranh giành quyền lực chính trị, đầy ắp những thoán đoạt, phản loạn, mưu mô, xung đột giữa chốn triều đình và bao giờ cũng có ít nhất một vai anh hùng nghĩa hiệp; đạo cụ trên sân khấu hát bội chủ yếu là gươm đao, côn kiếm; giọng hát bội cơ hồ lúc nào cũng quyết liệt thét gào.

Không những thế, người Quảng còn làm cho hát bội/tuồng Quảng Nam thành một dòng hát bội/tuồng độc đáo. Và xét về lịch sử phát triển nghệ thuật của dòng hát bội/tuồng độc đáo ở đất Quảng thì Điện Bàn có đóng góp rất lớn. Nguyễn Hiển Dĩnh rời quan trường về quê lập trường dạy nghề diễn tuồng, đồng thời tổ chức biểu diễn và sáng tác, qua đó đã đào tạo được nhiều diễn viên tuồng xuất sắc, tiêu biểu là 5 người được triều đình nhà Nguyễn phong danh hiệu Ngũ Mỹ: Nguyễn Nho Túy vai kép, Nguyễn Lai vai nịnh, Chánh Đệ vai tướng, Chánh Phẩm vai lão, Văn Phước Khôi vai hề...

Về phương diện sáng tác kịch bản tuồng, Nguyễn Hiển Dĩnh đã viết và soạn lại trên hai chục vở tuồng, nội dung phản ánh chân thực xã hội nông thôn Việt Nam thời thực dân phong kiến, lời văn dung dị, hạn chế dùng từ Hán - Việt, sử dụng thuần thục lời ăn tiếng nói dân gian trong ca dao tục ngữ, thể hiện rõ tài năng châm biếm xã hội của ông Tuần An Quán. Kinh nghiệm sáng tác kịch bản tuồng của Nguyễn Hiển Dĩnh còn được trao truyền cho một tác giả trẻ - cháu gọi ông bằng cậu - là Tống Phước Phổ cũng người làng An Quán. Tống Phước Phổ từng được Nguyễn Hiển Dĩnh chọn làm thư ký riêng để ghi chép, chỉnh lý các vở tuồng.

Điện Bàn có thể liên kết với Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh ở Đà Nẵng để xây dựng thêm một cơ sở mới của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tại làng An Quán, xem đây là cách phục hưng nghệ thuật hát bội/tuồng ngay trên đất tổ của hát bội Quảng Nam. Để tạo hấp lực từ sự khác biệt thì nên chăng cơ sở An Quán chỉ chuyên diễn các kịch bản tuồng của hai tác giả nổi tiếng người An Quán là Nguyễn Hiển Dĩnh và Tống Phước Phổ. Cơ sở hai của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh ở An Quán có thể bao gồm Nhà hát - sân khấu để diễn, để xem và Nhà thờ tổ nghề để tôn vinh các đạo diễn, tác giả kịch bản, các diễn viên người làng An Quán nói riêng, người huyện Điện Bàn nói chung. Nguồn khán giả trước tiên có thể khai thác từ số du khách thập phương đang lưu trú ở Hội An cũng như từ số khán giả của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh ở Đà Nẵng thích xem kịch bản tuồng của Nguyễn Hiển Dĩnh và Tống Phước Phổ. Trong việc liên kết này, cả Đà Nẵng và Điện Bàn đều có lợi.   

Bảo tồn di tích văn hóa Chămpa

Bảo tàng Điêu khắc Chăm ở Đà Nẵng cũng là một gợi ý hay khác về việc bảo tồn di tích văn hóa Chămpa trên đất Điện Bàn, chẳng hạn như Tháp Bằng An ở làng Bằng An - ngôi tháp duy nhất có mặt bằng hình bát giác còn tồn tại đến nay (tháp Chánh Lộ ở Quảng Ngãi cũng có mặt bằng hình bát giác, nhưng đã sụp đổ từ lâu, không thể biết được hình dạng bên trên của nó). Điện Bàn có thể liên kết với Bảo tàng Điêu khắc Chăm để quảng bá về điểm đến du lịch Tháp Bằng An chỉ cách Đà Nẵng 27km về phía Nam. Chẳng hạn, khi giới thiệu về phong cách Chánh Lộ, người thuyết minh ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm hoàn toàn có thể thu hút sự quan tâm của du khách đối với tháp Bằng An; và từ chỗ du khách có sự quan tâm đến cái độc đáo ấy, rất dễ làm phát sinh nhu cầu được tận mục sở thị tháp Bằng An.

Để mở rộng hơn các hình thức tiếp thị du lịch đối với tháp Bằng An, Điện Bàn cũng có thể chủ động phối hợp với Bảo tàng Điêu khắc Chăm tổ chức một số hội thảo khoa học nhằm làm rõ hơn một số vấn đề, chẳng hạn như về niên đại của tháp Bằng An - ra đời cùng thời hay trước tháp Chánh Lộ? Tất nhiên, một địa phương có nhiều tên làng mang âm hưởng Chămpa như Thanh Chiêm, Phú Chiêm… như huyện Điện Bàn thì di tích văn hóa Chămpa ở đây không chỉ có tháp Bằng An. Nhưng rõ ràng tháp Bằng An là một trọng điểm bảo tồn di tích văn hóa Chămpa trên đất Điện Bàn - ngay nhiều cổ vật của Phế tích Lạc Thành cũng đã được quy tập vào tháp Bằng An.    

Bảo tồn nghề và làng nghề truyền thống    

Có thể tìm thấy những thông tin sớm nhất về nghề và làng nghề thủ công truyền thống đất Quảng trong các sáng tác văn nghệ dân gian. Rất nhiều câu ca/câu nói/câu chuyện dân gian được truyền tụng khắp vùng đất chưa mưa đà thấm nhằm vinh danh các nghề, các làng nghề và các vị tổ nghề truyền thống, chẳng hạn như câu nói “Trống Lâm Yên, chiêng Phước Kiều” đánh giá cao làng nghề làm trống Lâm Yên (ở xã Đại Minh, huyện Đại Lộc) và làng nghề đúc đồng Phước Kiều (ở xã Điện Phương, huyện Điện Bàn).

Nghề làm trống và làng trống Lâm Yên, nghề làm chiêng và làng đúc đồng Phước Kiều là làng nghề thủ công truyền thống đòi hỏi người làm nghề không chỉ có đôi tay tinh xảo để chế tác mà còn phải có đôi tai tinh tế để thẩm âm. Điều này đã tạo nên đặc điểm nổi bật của làng nghề đúc đồng Phước Kiều mà các làng nghề đúc đồng khác không có là khả năng đúc ra những chiếc cồng và chiêng với độ tinh xảo và chính xác về âm thanh.

Ngoài ra, việc truyền nghề từ đời này sang đời khác với vài bí quyết nghề nghiệp nhất định thường chỉ giới hạn trong phạm vi một họ hoặc một số họ sống cùng xóm cùng làng: nghề làm trống và làng trống Lâm Yên chủ yếu gắn với họ Phan, nghề làm chiêng và làng đúc đồng Phước Kiều chủ yếu gắn với họ Dương. Có một ý tưởng để giải thích cho tâm lý cục bộ này là người truyền nghề sợ người-dưng-khác-họ một khi học được nghề sẽ hành nghề với chất lượng thấp làm ảnh hưởng đến thương hiệu, lỗi đạo với tổ tiên.

Lâu nay, Điện Bàn cũng hết sức coi trọng việc bảo tồn nghề làm chiêng và làng đúc đồng Phước Kiều. Và thực tế đã có nhiều giải pháp năng động, như có chính sách khuyến khích con em của các gia đình gắn bó lâu năm với nghề truyền thống này ở lại làng để được truyền nghề theo kiểu “cha truyền con nối”, hoặc như đầu tư ngân sách xây dựng nhà trưng bày sản phẩm làng đúc đồng Phước Kiều nhằm thu hút du khách đến tham quan và mua sắm. Tuy nhiên, các hình thức tiếp thị sản phẩm tại chỗ và chỉ nhằm vào một lượng du khách hạn chế dường như chưa đủ hấp lực cần thiết. Vì vậy, cần mở rộng không gian và đối tượng tiếp thị sản phẩm bằng cách liên kết với Đà Nẵng và Hội An để tổ chức trưng bày lưu động tại hai trung tâm du lịch sôi động này các sản phẩm chủ đạo của làng đúc đồng Phước Kiều là cồng và chiêng cùng các đồ thờ bằng đồng khác, như lư hương và chân đèn. Điều đặc biệt quan trọng để có thể bảo tồn nghề làm chiêng và làng đúc đồng Phước Kiều là phải kiên trì theo đuổi việc sản xuất sản phẩm chủ đạo là cồng và chiêng như cách tạo hấp dẫn bằng sự khác biệt.  

Bảo tồn văn hóa ẩm thực

Về bảo tồn văn hóa ẩm thực, trước hết là sản phẩm ẩm thực đặc trưng, thật ra lâu nay người Điện Bàn đã rất thành công trên lĩnh vực này với một thương hiệu ẩm thực nổi tiếng cả nước là thịt bò tái Cầu Mống. Tất nhiên làm nên hương vị đặc sắc của thịt bò tái Cầu Mống trước hết là thịt bò của Gò Nổi và sau nữa là mắm nêm cá cơm, cá nục nguyên chất từ các làng chài của Cửa Đại, là bánh tráng của Phú Chiêm, là rau sống các loại, nhằm kết hợp đủ các vị chát ngọt chua xen lẫn với mùi hăng nhẹ, đăng đắng. Thế nhưng, yếu tố mang tính chất quyết định ở đây là kỹ thuật thui bò. Có thể nói kỹ thuật thui bò gần như là bí truyền ở Cầu Mống xứng đáng được nâng lên thành nghệ thuật thui bò bởi đòi hỏi miếng thịt bò khi đưa ra khỏi lò phải đạt đủ hai tầng thịt tái, chín rõ rệt, còn da thì phải chín đến độ trong suốt, nhưng giòn mềm vừa phải. Chính bí quyết nghề nghiệp căn bản này vừa làm nên thương hiệu thịt bò tái Cầu Mống, vừa bảo đảm dẫu mở rộng liên kết với Đà Nẵng và Hội An đến mấy thì các nhà hàng kinh doanh thịt bò tái Cầu Mống ở hai thành phố du lịch này vẫn phải nhập hàng từ một nguồn cung cấp duy nhất là… Cầu Mống.

Điều cần chú ý là cái hương vị đặc sắc của thịt bò tái Cầu Mống vừa nằm ở từng lát thịt lại vừa nằm ở chén mắm nêm, ở đĩa rau sống, ở miếng bánh tráng và cả ở trái ớt xanh. Cầu Mống có thể không bao giờ chuyển giao công nghệ thui bò nhưng không thể không chú trọng cung cấp cho các cửa hàng nhượng quyền thương hiệu của mình ở Hội An và ở Đà Nẵng đầy đủ những yếu tố làm nên sự khoái khẩu từ thịt bò tái Cầu Mống huyện Điện Bàn.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.