ĐNĐT - Lễ Cầu ngư ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà được tổ chức vào ngày 26 tháng Hai âm lịch hằng năm. Đây là lễ hội tưng bừng nhất của ngư dân và những người có cuộc sống gắn liền với biển, là dịp để người dân vạn chài tạ ơn biển cả, cầu xin cá Ông cho vụ mùa may mắn; đồng thời, cũng là dịp vui chơi và họp mặt đầu năm của người dân làng biển.
Các bô lão ở khối Thọ An đang chuẩn bị cho lễ Cầu Ngư. |
Đậm tính tâm linh
Theo các lão ngư tại phường Thọ Quang, lễ Cầu ngư tại đây có lịch sử hơn 400 năm, bắt đầu từ khi thành lập xã Nam An sau là xã Nam Thọ và giờ là khối Thọ An, phường Thọ Quang.
Trong tiềm thức, mỗi người dân miền biển đều coi cá Ông là biểu tượng của sự thiêng liêng, uy quyền. Đồng thời, mọi biểu hiện của cá đều là sự dự báo chính xác về mọi điều tốt, xấu, may rủi cho một năm, một vụ mùa hay một sự kiện liên quan tới nghề biển.
Lễ hội Cầu ngư là một trong những sinh hoạt văn hoá mang đậm yếu tố tâm linh của ngư dân vùng biển Sơn Trà. Nó gắn với các tín ngưỡng thờ cá - là vật tổ từ xa xưa của ông cha ta trong những ngày đầu di dân về phía biển. Dân làng gọi cá Ông bằng những cái tên thật tôn kính như: Ông Đông Hải, cá lớn gọi là “Ông lớn”, cá nhỏ gọi là “Ông cậu”, cá Voi cái gọi là “cá Cô”. Tùy theo hình dạng của đầu cá voi, người ta gọi những cái tên như “Ông Chuông”, “Ông Kìm”, “Ông Nhồng”, ông ở ngoài khơi gọi là “Ông khơi”, ông ở trong bờ gọi là “Ông lộng”...
Bên cạnh tín ngưỡng về cá Ông, sở dĩ người dân vùng biển Thọ Quang có đức tin với lễ Cầu ngư này còn bởi lăng cá Ông trước đây đã được du kích cách mạng của ta sử dụng. “Trước đây, các chiến sĩ cách mạng hoạt động ở trên bán đảo Sơn Trà, một số khác tại lăng Ông để tiếp tế lương thực và qua mặt bọn giặc. Sau đó, họ bị phát hiện, lăng bị giặc phá bỏ, lăng Ông mới được trùng tu vào năm 1996. Đến giờ, trong lịch sử của làng vẫn còn lưu tên hơn 100 chiến sĩ cách mạng hoạt động ở đây”, ông Trần Lự, một lão ngư nhiều năm đứng ra tổ chức lễ Cầu ngư, kể lại.
Các ngư dân ở vùng biển Thọ Quang cho biết, tất cả người dân miền biển này đều xem lễ Cầu ngư là lễ lớn nhất năm. “Cá Ông rất linh hiển. Trước lễ Cầu ngư, ngư dân chúng tôi đánh bắt 10 chỉ được 2. Nhưng sau khi cúng lễ xong, ngư dân ra khơi rất được mùa. Chính vì lẽ đó mà lễ này đã được duy trì hơn 400 năm nay”, một lão ngư nói.
Các lão ngư ở vùng biển này cho biết thêm, trước đây, ông bà làng biển này 1 năm có tới 3 lễ cúng quan trọng, là lễ Cầu bông (lễ này các ông đồng đội mũ bông than khóc cầu xin trời đất phù hộ cho nghề biển của làng), lễ Cầu ba (lễ này là lễ nông nghiệp, cầu xin thần linh cho nông dân được mùa), và lễ Cầu ngư. “Tuy nhiên, về sau này, chúng tôi chỉ còn giữ được lễ Cầu ngư vì Cầu bông thì không còn ông đồng nữa, đất nông nghiệp cũng không còn nên lễ Cầu ba cũng không có. Giờ chỉ cầu ngư để tôm cá được mùa. Do đó, lễ Cầu ngư có thể nói là lễ lớn nhất của người dân miền biển này”.
Từ những lý do trên nên lễ Cầu ngư được tổ chức nhằm bày tỏ lòng thành kính của ngư dân vùng biển với “cá Ông”, cầu mong sự che chở, tốt lành bội thu và cũng như để xua đi mọi điều xấu. Lễ hội này còn là dịp để người ta cúng tế những vong hồn oan khuất và vĩnh viễn ở lại với biển nhằm xoa dịu nỗi đau của những người ở lại. “Chim có tổ, người có tông, con cháu của làng chúng tôi dù cuộc sống hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng với lòng thành kính, tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân đã khuất, nhất là để cho muôn đời sau hiểu biết về cội nguồn nên dù trải qua bao nhiêu thay đổi, chúng tôi vẫn phải giữ được tinh thần trong đời sống tâm linh”, một lão ngư ở khối Thọ An nói.
Đặc sắc phần lễ
Mọi công việc chuẩn bị đã gần như hoàn tất. |
Khác với các lễ hội khác có cả phần lễ và phần hội, lễ Cầu ngư phường Thọ Quang chỉ có phần lễ. Do đó, phần lễ thường được chuẩn bị công phu và diễn ra rất bài bản, đặc sắc.
Trong lễ Cầu ngư, nghi thức Đại lễ chỉ diễn ra 3 năm một lần, sau đó tùy theo tình hình kinh phí, những năm tiếp theo, nhân dân chỉ tổ chức Tiểu lễ hoặc Trung lễ, trong đó Tiểu lễ cúng đức ngư ông Thần biển, không có nghi thức múa hát hoặc xướng văn. Trung lễ khác Tiểu lễ là có thêm văn tế, có nghi thức cúng như Đại lễ, nhưng không có hát tuồng. Còn nghi thức của ngày Đại lễ được tổ chức công phu hơn, để có được ngày Đại lễ thành công, nhân dân phải chuẩn bị trước đó 20 ngày, ngày đầu tiên là họp các chư phái tộc của làng, Ban đại diện ngư dân, Ban phụng sự di tích Lăng Ông và chính quyền địa phương, trong cuộc họp này, họ quyết định kinh phí và bầu Ban tổ chức điều hành lễ. Ban tổ chức được thành lập và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên (Ban cung phụng chuyên lo việc tổ chức, tiếp khách; Ban dự tế chuyên lo cúng kiến).
Trước thời gian tổ chức lễ hội, các tàu thuyền đánh cá tập trung về neo đậu gần bờ, tất cả tàu thuyền đều treo cờ Tổ quốc, nhân dân tổng dọn vệ sinh nhà cửa, đường phố, bãi biển và nơi diễn ra lễ hội. Nhân dân và các chủ phương tiện tình nguyện đóng góp tiền của, công sức để tổ chức lễ hội.
Vào ngày 10 tháng Hai, nhân dân dựng rạp, lều trại ở tại Lăng Ông, công việc phải hoàn thành trước ngày 25. Đến ngày 25 tháng Hai, lễ Cầu ngư chính thức bắt đầu.
Sáng ngày 25, lễ đầu tiên là lễ nghinh ông, nghinh hà bá từ Bãi Đa về lăng (trước đây, lễ nghinh ông bắt đầu từ Mũi Nghê), lễ này kéo dài mãi đến trưa. Buổi chiều, đoàn rước sẽ đi nghinh sắc (sắc phong của nhà vua), nghinh văn (văn tế) về lăng. Đúng 17h30 bắt đầu lễ vọng, trong lễ này có đọc văn tế nhưng chưa đầy đủ. Tuy vậy, trong lễ này đã có học trò dẫn và ông tế xướng, ông tế xướng cái gì, học trò phải làm theo.
Lễ tế chính sẽ diễn ra vào lúc 8h30 ngày 26 tháng Hai. Đây là lễ cúng quan trọng nhất. Sau khi cúng lễ xong, sẽ tiếp tục xây chầu hát lễ. Thường thì với những ngày Đại lễ như vậy, chầu hát bội sẽ diễn ra trong 2 đêm (26 và 27). Người dân miền biển rất thích hát bội, do đó, những đêm này, hầu như tất cả người làng đều đến nghe hát.
Vì không có phần hội nên phần lễ cúng được diễn ra rất trang nghiêm, bài bản, phần xây chầu hát bội có thể xem là điểm nhấn đặc biệt của lễ hội này.
Đây là một lễ hội hoành tráng, đầy không khí trang trọng, thiêng liêng song cũng vô cùng dân dã, thể hiện vẻ đẹp truyền thống của người dân vùng biển. Lễ hội Cầu ngư ngoài ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa biển bội thu, cá mực đầy khoang, đem lại cuộc sống ngày càng no đủ hơn, còn thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ công đức của các vị tiền hiền, có công lập làng, dựng nghề.
Trong những năm gần đây, vấn đề “bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể” được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, do đó việc bảo tồn và phát huy lễ Cầu ngư của phường Thọ Quang, quận Sơn Trà là một việc làm hết sức cần thiết, nhằm giữ gìn vốn văn hoá truyền thống đặc sắc của người dân vùng biển.
Bài và ảnh: Quỳnh Trang