.
Cafe sáng

Khám dịch vụ

.

Mẹ tôi mắc bệnh hiểm nghèo. Điều đầu tiên tôi có thể làm cho mẹ là tìm một bác sĩ giỏi để chẩn đoán xem có đúng là bệnh U.T không.

Trong lúc cả nhà hoang mang thì may mắn tôi được một người quen giới thiệu một bác sĩ trẻ được cho là giỏi nhất nhì thành phố về lĩnh vực này. Bác sĩ với chức danh là tiến sĩ, làm phó giám đốc một bệnh viện lớn, nên chúng tôi an tâm và đặt hết niềm tin, hy vọng khi chọn giải pháp khám dịch vụ trước để biết kết quả, rồi sẽ bàn bạc phương án điều trị tiếp theo.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Sau khi lấy lại bình tĩnh về kết quả khám bệnh không tốt, mẹ tôi tâm sự: “Sao mẹ thấy ông bác sĩ này là lạ. Ông ấy cứ bảo, nếu chị muốn thì mai tôi mổ cho. Chị thích mổ tại đây cũng được và vào bệnh viện mổ dịch vụ tôi sẽ trực tiếp mổ cho chị. Chị đừng ra Huế. Không có bệnh viện nào tốt hơn bệnh viện ở đây đâu”. Tôi trấn an mẹ: “Dạ, họ làm dịch vụ thì họ nói vậy cũng phải. Chắc họ muốn mẹ mổ ở dịch vụ của họ nên nói thế”. “Không, nhưng mẹ thấy lạ là họ cứ khuyên ngăn mẹ và muốn mẹ mổ ở đây. Họ còn nói chị đừng uống cây cỏ gì cả, chỉ có điều trị bằng hóa học và cắt đi là xong”, mẹ nói thêm. Tôi tiếp tục phân tích: “Họ nói cũng đúng, bệnh đó không có uống cây cỏ gì hết. Chắc họ sợ mẹ không chịu mổ mà để vậy thì nguy hiểm”.

Cũng từng mấy chục năm trong nghề y, mẹ phân tích: “Là bác sĩ thì không nên nói vậy. Lẽ ra họ phải tư vấn cho mình, nếu chị muốn ra Huế mổ, tôi giới thiệu người quen ở Bệnh viện Trung ương Huế cho. Mẹ thấy nhiều bác sĩ cũng thường tư vấn cho bệnh nhân như thế. Ít ra họ cũng phải có đạo đức của người thầy thuốc chứ con. Hơn nữa, bệnh này phải có quy trình đi từng bước cẩn thận, sau khi “chọc dò” rồi đến làm “sinh thiết” gửi ra Hà Nội và phải chờ một thời gian xem kết quả bệnh ở giai đoạn mấy mới biết mổ cắt bỏ phần nào. Sao mẹ thấy bác sĩ vẫn chưa nói rõ hết cho bệnh nhân, nếu lỡ họ làm dịch vụ rồi đến đoạn nào đó không làm được nữa, họ bảo mình đi bệnh viện khác thì sao. Vậy mà họ cứ hối mình cắt, trong khi mẹ đã nói cho mẹ thời gian để bàn bạc lại với chồng con rồi quyết định”.

Thấy mẹ trằn trọc suốt đêm, tôi cứ nghĩ về người bác sĩ ấy rồi nhớ đến lời của một số vị lãnh đạo thành phố khi tiếp khách nước ngoài: “Đà Nẵng hướng đến một thành phố đáng sống, trong đó ưu tiên tập trung kêu gọi đầu tư vào một số lĩnh vực dịch vụ như du lịch, thương mại, giáo dục, y tế…”.

Có lẽ, ngoài một số lĩnh vực dịch vụ du lịch, thương mại chủ yếu phục vụ cho những người có điều kiện khá giả thì dịch vụ y tế, giáo dục xem ra lại mang tính cộng đồng cao và nhân văn hơn vì phục vụ cho tất cả mọi tầng lớp xã hội, trong đó có cả người nghèo. Sao tôi vẫn thấy lấn cấn về người bác sĩ mà mẹ nói và tỏ ra băn khoăn về tay nghề, đạo đức và trách nhiệm của những bác sĩ khác dù vẫn biết rằng ở đâu cũng có người tốt, người chưa tốt. Tâm lý của người bệnh bao giờ cũng rất hoang mang ở những lúc nguy kịch. Bác sĩ là người điều trị bệnh trực tiếp cho bệnh nhân, có lẽ điều đầu tiên cần làm là ân cần hỏi han, tư vấn sao cho tốt nhất để người bệnh an tâm chọn cách giải quyết hiệu quả. Không ít bác sĩ đã nhờ vào vị trí, chức danh của mình ở bệnh viện công để mở dịch vụ riêng tại nhà và chạy theo lợi ích cá nhân mà quên đi lương tâm, đạo đức của người thầy thuốc. Câu nói “Lương y như từ mẫu” xem ra vẫn còn là câu chuyện dài dài trong thời buổi kinh tế thị trường ngày nay.

GIA HUY
 

;
.
.
.
.
.