ĐNĐT - Tối 12-4 tại Kỳ đài - Quảng trường Ngọ Môn, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã long trọng tổ chức lễ khai mạc Festival lần thứ 8 năm 2014 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”.
Tiết mục hát múa mang tính nghệ thuật cao đã làm người dân và du khách nức lòng trong đêm khai mạc. |
Đến dự, có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các tỉnh, thành trong cả nước, cùng đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, hơn 2 vạn người dân và du khách.
Đêm khai mạc Festival năm 2014 có chủ đề “Cố đô - Hội tụ và Tỏa sáng” và lần đầu tiên có tổ chức bắn pháo hoa tầm cao 15 phút ở lễ khai mạc và bế mạc. Mặc dù 20 giờ mới chính thức diễn ra lễ khai mạc, nhưng từ xế chiều người dân và du khách đã lũ lượt kéo đến khu vực khán đài chính để xí chỗ ngồi. Khu vực trước Quảng trường Ngọ môn chật kín người.
Sân khấu chính đặt trước Quảng trường Ngọ Môn, lấy phông cảnh là Kỳ đài Huế với diện tích trên 1.000 m2 được thiết kế với gam màu tím chủ đạo cùng nhiều hoạ tiết mô tả cung đình Huế tinh tế được các thợ thủ công nhà rường Huế tay nghề cao, chạm khắc tinh xảo. Kết cấu sân khấu 4 tầng, 5 cổng thành (cổng tam quan ở giữa) cùng 7 màn hình led, 3 hồ sen lung linh dưới ánh đèn đêm trở nên huyền ảo, làm cho nhiều du khách không khỏi trầm trồ thán phục trước vẻ độc đáo của kiến trúc và mỹ thuật Huế.
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế nói rằng: Nhờ sự giúp đỡ của Chính phủ và bạn bè quốc tế mà Festival Huế năm 2000 trở thành lễ hội văn hóa-nghệ thuật, du lịch có quy mô quốc gia và tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam. Từ đó đến nay, cứ hai năm một lần, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức thành công được 7 kỳ festival. Lễ hội Festival Huế là lễ hội đương đại đầu tiên ở Việt Nam. Với phương châm giữ cốt cách truyền thống nhưng cách thể hiện luôn luôn mới, Ban tổ chức lễ hội năm nay chú trọng đến các hoạt động cộng đồng, để nhân dân và du khách vừa có thể là chủ thể sáng tạo, vừa là chủ thể hưởng thụ, quyết tâm xây dựng Huế thành thành phố Festival đặc trưng, xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của Việt Nam.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Kinh đô Phú Xuân - Thừa Thiên Huế xưa là điểm hội tụ văn hóa của dân tộc, là nơi gặp gỡ và giao hòa giữa các nền văn hoá. Quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá thế giới năm 1993 và đúng 10 năm sau, năm 2003, Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Huế - được công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hoá phi vật thể đầu tiên của nhân loại. Để quảng bá những di sản có giá trị toàn cầu và những nét văn hóa đặc sắc của địa phương, Festival Huế được tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Qua 7 kỳ tổ chức, những thành công của Festival Huế ngày càng thể hiện nét đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam.
“Festival Huế cũng là nơi gặp gỡ và cầu nối giữa các dân tộc khi hội tụ về vùng đất Cố đô để trình diễn những nét đẹp văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, mang đậm dấu ấn và sức sống riêng, mở ra những cơ hội hợp tác, hữu nghị cùng xây dựng và phát trển vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng trên nền tảng đa sắc màu văn hoá. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế, làm cho văn hóa thực sự là một trong những kênh đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đã tổ chức thành công các kỳ Festival Huế trong những năm qua, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cũng như thúc đẩy các địa phương trong khu vực miền Trung phát triển bền vững, nâng cao sự hưởng thụ văn hóa cho người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Sau phát biểu khai mạc của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tiếp theo đó là ca khúc “Việt Nam quê hương tôi” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận được trình diễn mở màn như một lời mời thân thiết, đầy thiện chí của những người dân Việt Nam nói chung, người Huế nói riêng tới bạn bè khắp năm châu đã và đang hội tụ về Huế để dự đại tiệc văn hóa Festival Huế 2014. Các tiết mục múa hát tiếp theo như “Một vùng non nước trời Nam”; “Kinh đô Huế - Hội tụ và Tỏa sáng” cũng đã giới thiệu khái quát về đất nước, con người Việt Nam, những di sản văn hóa truyền thống tiêu biểu, đặc sắc và thơ mộng đang rạo rực chuyển mình trong âm vang của cuộc sống mới.
Cùng với đó những tiết mục đặc sắc, đầy quyến rũ được các đoàn nghệ thuật: Bati Holic Nhật Bản; Múa “Tú sắc hả san” (Vẻ đẹp huyền ảo) Đoàn nghệ thuật Hà Nam Trung Quốc; Đoàn nghệ thuật Deepblue Úc; Đoàn nghệ thuật Raduga Liên bang Nga; Đoàn nghệ thuật Nhà hát GuGak Hàn Quốc... góp phần gắn kết thêm tình hữu nghị đằm thắm giữ các quốc gia trên thế giới.
Đêm khai mạc Festival Huế 2014 kết thúc với màn pháo hoa độc đáo sau lưng Kỳ Đài của nghệ sĩ quốc tế Pterre Alain Hubert. Và khởi đầu cho một đại tiệc của 66 đoàn nghệ thuật đến từ 37 quốc gia ở 5 châu lục diễn ra tại cố đô Huế kéo dài từ ngày 12-4 đến 20-4.
Ngọc Đoan