.

Nhớ mãi thành phố mang tên Bác

Đầu năm 1975, từ bộ binh, chúng tôi được điều động gấp sang hải quân, rồi tức tốc xuống tàu hành quân vào Nam. Do phải nhiều lần ghé vào đất liền, lúc sửa chữa máy, lúc bổ sung lương thực, thực phẩm… nên khi tàu cập cảng xưởng Ba Son, Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng.  

Khác hẳn với những gì hình dung trước đó, “Hòn ngọc viễn đông” hiện ra trước mắt thật nguy nga, tráng lệ. Những ngôi nhà chọc trời, phố xá sầm uất. Tuy giải phóng chưa lâu nhưng nhịp sống của thành phố diễn ra bình thường như chưa hề có cuộc chiến vừa đi qua.

Nửa ngày sau khi tàu cập bến, chúng tôi chuyển lên ngôi nhà 2 tầng của xưởng Ba Son cách cầu cảng không xa. Vừa ổn định nơi ăn ở, đơn vị tổ chức sinh hoạt, phổ biến tình hình an ninh trật tự của thành phố và quán triệt quy định đi lại. Những ngày kế tiếp, chúng tôi chỉ được phép quanh quẩn trong phạm vi xưởng Ba Son. Người duy nhất của đơn vị ra phố là chiến sĩ tiếp phẩm.

Chính trong thời gian này, chúng tôi biết về tivi, thiết bị nghe nhìn khá phổ biến. Tôi nhớ như in, đêm đó khoảng hơn 19 giờ, đang tụ tập tán gẫu, cán bộ tiểu đội từ đâu chạy về gọi mọi người đi xem tivi. Nhiều câu hỏi đặt ra: tivi là cái gì, xem như thế nào? Đi rồi khắc biết. Tiểu đội trưởng nói to. Đến nơi, ai nấy không khỏi ngạc nhiên khi lần đầu tiên biết đến chương trình của sóng truyền hình. Từ đó, mỗi buổi tối, căn phòng có chiếc tivi ấy đông nghịt người.      

Điều mong mỏi tham quan phố xá trong mỗi chúng tôi cũng thành hiện thực. Đơn vị cho phép ra phố với yêu cầu bảo đảm tư thế tác phong người lính, đi theo đội hình tiểu đội và hạn chế tiếp xúc với  người lạ để đề phòng tàn quân bắt cóc, thủ tiêu. Ngày tiểu đội tôi ra phố, từ sáng sớm, ai nấy trong bộ quân phục còn mới, rộng thùng thình; quân hàm binh nhì đỏ chói trên ve áo, hàng một tự tin rảo bước ra khỏi cổng xưởng Ba Son.

Điểm đến của chúng tôi lúc đó là chợ Bến Thành và Sở thú. Vừa đi, chúng tôi vừa hỏi dò đường. Đang ngắm nhìn mấy ngôi nhà cao ngất phía trước, bỗng tôi nghe ai đó gọi đúng tên. Một anh lính chạy đến ôm chầm lấy tôi. Tôi nhận ra Quảng - thằng bạn thân hồi học phổ thông, nhập ngũ trước mấy tháng. Quảng nhấc bổng tôi quay mấy vòng trước sự ngỡ ngàng của anh em trong tiểu đội. Quảng cho biết, anh em nhập ngũ đợt đó bình yên cả, đang làm quân cảnh giữ an ninh trật tự tại các tuyến phố. Mấy phút gặp nhau ngắn ngủi, tôi phải chia tay Quảng để theo kịp anh em và không quên hẹn gặp tại xưởng Ba Son - nơi tôi đóng quân.

Hơn 2 tuần kể từ khi vào Sài Gòn, chúng tôi được chia lẻ thành nhiều bộ phận đi nhận các tàu chiến ngụy quân bỏ lại. Từ xưởng Ba Son, theo chân cán bộ dẫn đường, tôi và 5 người nữa, khoác ba lô, cuốc bộ ngược lên Tân Cảng. Chiếc tàu chúng tôi nhận là loại LCU số hiệu 546, nằm ghếnh mũi lên bờ cỏ, không một bóng người. Trước khi rời tàu, vị cán bộ dẫn đường khuyên không được mở các hòm tủ, đề phòng kẻ địch gài lựu đạn trước khi tháo chạy; đêm canh gác cẩn thận, không loại trừ tình trạng người nhái tập kích gài mìn vào tàu.

Lời dặn làm chúng tôi lo lắng, không ai dám đụng vào các thiết bị của tàu. Mọi sinh hoạt diễn ra tại sàn boong phía trước. Tôi nhớ có đêm, không rõ nhìn ngó thế nào, Đạt - quê Thanh Hóa - thức mọi người dậy, nói rằng có kẻ lạ vừa tiếp cận thân tàu. Quả thật ai nấy đều hoang mang. Mọi người thay nhau lặn xuống kiểm tra bụng tàu và chân vịt. Đến lượt buộc dây mồi vào cổ tay, tôi nhảy xuống nước, vừa lạnh, vừa sợ, nhưng vì nhiệm vụ cũng cố gắng lặn kiểm tra hồi lâu. Nhưng rồi kiểm tra mãi chẳng thấy vật lạ gì.

Hơn tháng sau, chiếc LCU 546 được kéo về xưởng Ba Son đậu bên tàu HQ 505, chờ lên đốc sửa chữa. Khi đó, cán bộ đơn vị xuống mở các khoang tủ. Hóa ra trong đó toàn quân tư trang, có cả dây chuyền vàng, đồng hồ, tiền bạc. Họ lập biên bản thu giữ, đưa đi hết.

Trước khi đưa tàu lên đốc sửa chữa, chỉ huy đơn vị xuống yêu cầu chuyển hết các thùng đạn lên kho của xưởng gửi, khi nào xong chuyển xuống lại (tàu LCU 546 có 4 khẩu pháo, loại 12 ly 8). 6 người làm sao chuyển hết hàng trăm thùng đạn lên kho! Một cán bộ nói rằng, chiến tranh kết thúc rồi, súng đạn giữ làm gì. Hơn nữa, tàu vận tải không cần vũ khí. Thế rồi, chúng tôi chỉ  khiêng 10 thùng lên kho cho có lệ, còn bao nhiêu chờ đêm xuống bê ra mạn tàu chuồi xuống sông Sài Gòn. Sau này, qua chuyện trò, chúng tôi biết không chỉ tàu LCU 546 mà hầu như tàu nào sắp lên đốc sửa chữa cũng làm như vậy. To lớn như HQ 505 đậu bên cạnh cũng không ngoại lệ.

Sau trận hải chiến 14-3-1988 tại Trường Sa ít ngày, chúng tôi được cấp trên nói chuyện về trận đối đầu giữa hải quân ta và hải quân Trung Quốc. Hồi đó, tôi là trợ lý tuyên huấn của Trung đoàn Tô Vĩnh Diễn (Bộ đội Phòng không Đà Nẵng). Khi nghe nói đến tàu HQ 505 bị trúng đạn, đã cố gắng trườn lên bãi san hô đảo Cô Lin làm pháo đài thép, tôi giật mình. Báo chí hồi đó nói là tàu vận tải không trang bị vũ khí, nhưng tôi biết chắc HQ 505, hỏa lực rất mạnh, nhiều khẩu pháo lớn, bắn theo chế độ tự động. Nguyên nhân không khai hỏa có nhiều, nhưng có lẽ vì các thùng đạn đã nằm sâu dưới đáy sông Sài Gòn. Tôi cảm thấy như mình cũng có lỗi trong trận hải chiến năm ấy.

Những ngày đầu tiên tại thành phố mang tên Bác vừa giải phóng của lớp lính trẻ của chúng tôi là vậy. Thời gian đã lùi xa, nhưng những ngày đầu được sống và công tác trên thành phố mang tên Bác sau giải phóng không bao giờ phai nhòa trong ký ức.

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.