Không nhiều cuốn nhật ký có số phận đặc biệt như cuốn nhật ký được viết trong 56 ngày đêm chiến dịch Điện Biên Phủ của họa sĩ Phạm Thanh Tâm, nguyên Giám đốc Xưởng mỹ thuật quân đội.
Cuốn nhật ký chiến trường Điện Biên Phủ, bản dịch tiếng Pháp. |
Sau khi nằm yên trong một căn phòng trên gác 3 Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) hơn 20 năm, cuốn nhật ký về với chủ nhân, được dịch và xuất bản bằng tiếng Anh, tiếng Pháp tại London (Anh), nhưng lại chưa hề in tại Việt Nam.
Cuốn nhật ký đặc biệt
22 tuổi, chàng trai trẻ Phạm Thanh Tâm lên đường tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trong vai trò phóng viên chiến trường kiêm họa sĩ. Từ ngày 22-2-1954, ông bắt đầu những dòng nhật ký: “Tôi cùng 1/2 đội văn công đi chiến dịch. Vui và hăng say vì thấy mình đã khỏe, tuy hơi gầy”. Những trang nhật ký ghi lại trọn vẹn trong chiến dịch 56 ngày đêm của đơn vị nơi ông công tác nói riêng, của quân và dân ta nói chung trên chiến trường Điện Biên Phủ. Những trang viết được ghi theo lối biên niên, ngắn gọn, trọng thông tin, ấn tượng nhiều hơn là làm văn hay tô điểm cảm xúc.
Bên cạnh đó, Phạm Thanh Tâm còn có những bức ký họa cỡ nhỏ về người lính, các pháo thủ, những chiếc xe tải hạng nặng Motolova, những tấm bản đồ và cả bức chân dung tự họa tác giả đang ngồi trên mặt đấu, đầu cắm cúi trong tư thế viết ở chiến hào chật hẹp giữa chiến trường.
Chỉ với một chiếc bút sắt cán tre, một lọ penicillin đựng mực giắt trong túi áo ngực, Phạm Thanh Tâm đã có được cuốn nhật ký chân thực và các bức ký họa thật đẹp trong những ngày ở chiến trường Điện Biên Phủ. Một số trong những bức ký họa gốc của Phạm Thanh Tâm từng vẽ trong 56 ngày đêm chiến dịch vẫn nguyên vẹn cho tới hôm nay. Một vài bức được xếp vào danh mục, được xuất bản bên cạnh những bức vẽ của vợ chồng họa sĩ Mai Văn Hiến và xuất hiện trong danh mục Paris - Hanoi - Saigon trong triển lãm tranh Việt Nam tại Paris năm 1996.
Với tất cả những trải nghiệm và gắn bó ấy, những trang nhật ký từng được viết ra không với mục đích nào khác ngoài việc ghi lại suy nghĩ và quan sát cá nhân của Phạm Thanh Tâm, sau này được nhà nghiên cứu lịch sử và mỹ thuật châu Á người Anh Sherry Buchanan (học giả và chủ bút nhật báo Wall Street và Diễn đàn dự báo quốc tế) đặc biệt quan tâm. Qua những chuyến đi lại và trao đổi liên tục suốt hơn 2 năm, bà Sherry Buchanan đã tổ chức dịch và xuất bản tại London cuốn nhật ký của Phạm Thanh Tâm bằng 2 thứ tiếng. Một bản dịch sang tiếng Anh có tên Drawing under fire (Vẽ dưới lửa đạn), một bản dịch sang tiếng Pháp có tên Encre De Chine - Carnet de guerre d’un artise Viêt-minh (Mực nho - Cuốn sổ chiến tranh của một nghệ sĩ Việt Minh). Cả hai bản dịch này đều do NXB Asia Ink tại London ấn hành năm 2005.
Sau đó, một NXB khác tại Paris cũng tái bản bản dịch tiếng Pháp nhưng với tiêu đề khác Carnet De guerre D’un Jeune Viêt-minh à Diên Biên Phu (Cuốn sổ chiến tranh của một người Việt Minh trẻ tuổi tại Điện Biên Phủ).
Tuy nhiên, cuốn nhật ký này của Phạm Thanh Tâm vẫn chưa từng được in ở Việt Nam. Bản thảo gốc cuốn nhật ký đã được tác giả tặng lại cho Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ tỉnh Điện Biên. Hiện ông chỉ còn giữ lại bản chép tay.
Những trang ký ức không quên
Những ngày đầu của chiến dịch Trần Đình (bí danh của chiến dịch Điện Biên Phủ), Phạm Thanh Tâm khi đó được điều về công tác tại Đại đoàn 351. Đầu tiên ông ở Trung đoàn 45 - trung đoàn trọng pháo đầu tiên của nước ta, pháo 105mm. Trong thời gian chuẩn bị chiến dịch, Đại đoàn 351 có nhu cầu tăng cường nhân sự cho báo Quyết thắng, ông được điều về làm việc tại báo này.
Những ngày ấy, tuy không trực tiếp chiến đấu, nhưng với nhiệm vụ phóng viên, ông lăn lê cùng các chiến sĩ trên suốt 300km công hào ở chiến trường. Ông cùng họ đi bộ vài cây số lấy nước uống, thức ăn. Cùng họ ngâm thơ Tố Hữu, hát xẩm xoan trong giờ giải lao giữa những trận tập kích. Cùng họ đọc lại những trang chép tay cuốn tiểu thuyết của Nga Thép đã tôi thế đấy. Quả thực, nhờ đó, ông đã tận mắt chứng kiến và ghi lại rất nhiều điều diễn ra trên chiến trường trong cuốn nhật ký 44 trang viết.
Hồi ấy, dân công hỏa tuyến dọc các tuyến đường đã rất vui khi lần đầu tiên nhìn thấy đoàn trọng pháo 105mm, trung đoàn pháo cao xạ 37mm của ta vượt đồi núi đi về phía Điện Biên. Họ xúm lại vuốt ve nòng pháo như những đứa con cưng, rồi cùng chiến sĩ kéo pháo qua đèo, qua núi. Không chỉ dân công nâng niu các trọng pháo, tình cảm gắn bó mật thiết giữa bộ binh và pháo binh cũng trở thành dấu ấn khó phai, được trở đi trở lại giữa các trang nhật ký của Phạm Thanh Tâm.
Lúc bấy giờ, không khí ở chiến dịch vui như mở hội, nhất là lực lượng dân công. Dân công từ Thanh Hóa, Nghệ An đi ra qua đường Hòa Bình. Một hướng nữa của dân công đi từ Việt Bắc, tức là các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai đi qua Bến Ngọc, qua Cò Nòi lên Nà Sản, Lũng Lô, Pha Đin, Tuần Giáo rồi vào Điện Biên Phủ. Người ta đã tính rằng, lượng gạo một người chở lên Điện Biên Phủ thì đã phải ăn hết một nửa suốt trong quãng đường vận tải. Do đó, phải trông vào một lượng rất đông dân công thì mới gom đủ số gạo phục vụ chiến trường.
Có một kỷ niệm sâu sắc về tình
quân - dân cũng đã ghi lại trong nhật ký là sự cố trên đường đi, ông vô tình va phải một chiếc xe đạp đang thồ gạo rất nặng đi ngược dốc. Chiếc xe bị đổ, bánh quằn lại. Ông phát hoảng và vô cùng áy náy. Thế nhưng, một bác dân công độ tuổi cha chú đã trấn an ông, bảo ông cứ yên chí hành quân tiếp, bác dân công sẽ tìm cách nắn lại bánh xe. Vậy là ông yên tâm lên đường đi tiếp.
Phạm Thanh Tâm còn nhớ họa sĩ Văn Giáo đã vẽ cô dân công Lò Thị Huy. Bên cạnh chở gạo và vũ khí nhẹ, cô gái người Mông này còn chở theo một chiếc khèn. Những lúc dừng chân giải lao, cô lại thổi khèn cho mọi người nghe. Là một phóng viên, ông lưu tâm tới những số liệu cụ thể, những diễn biến chi tiết trong các lần pháo ta chiếm lĩnh trận địa. Thậm chí, ông còn chép lại cả một bài ca phổ lời theo điệu xẩm xoan của cánh pháo binh: “Pháo quyết thi đua bắn cho tan tành từng hàng lô cốt lũ giặc tan hoang. Ngày đêm pháo nổ, quân thù khiếp kinh. Chiến đấu gian lao, khó khăn ta khắc phục không ngừng. Tang tính tình… tình tính tang…”. Đôi khi, nhật ký chỉ ghi lại một câu rất ngắn kiểu như “Anh em trực đài chỉ huy khao khát sách báo”, nhưng người ta đọc được nhiều thông tin từ đó.
Tuy những chân dung, câu chuyện, nhân vật chính của cuốn nhật ký là hình ảnh phong phú về đời sống sinh hoạt, chiến đấu của lực lượng pháo binh, đơn vị Phạm Thanh Tâm đang công tác, nhưng qua đó, người đọc có thể hình dung rõ rệt khí thế chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thật hào hùng, mạnh mẽ trong những ngày tháng lịch sử đó.
DƯƠNG KIM THOA