Nằm ngay đầu đoạn đường dẫn vào thôn, với diện tích 2.580m2, Nhà văn hóa (NVH) thôn Quang Châu - hoành tráng nhất trong các NVH thôn của xã Hòa Châu, được xây dựng thành một khu liên hợp, gồm một nhà họp thôn, sân khấu lộ thiên dùng để tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, lễ hội và sân cầu lông, bóng chuyền phục vụ nhu cầu rèn luyện TDTT của người dân…
Khu văn hóa thôn Quang Châu khang trang sau khi được mở rộng về quy mô và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. |
Từ một nhà họp thôn nhỏ ban đầu, năm 2011, khi xã Hòa Châu bắt tay vào xây dựng NTM, NVH thôn Quang Châu được đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm các dàn âm thanh, loa máy hiện đại, bàn ghế mới, hàng trăm đầu sách bổ ích cung cấp kiến thức cho người dân về chăn nuôi, trồng trọt, chăm sóc sức khỏe, truyện tranh phục vụ thiếu niên- nhi đồng… Từ đó NVH thôn trở thành địa điểm tham gia sinh hoạt thường xuyên của người dân thôn Quang Châu. Bà Lê Thị Bàng, người dân trong thôn không giấu được niềm tự hào: “Từ khi cái nhà ni được xây rộng ra thì tổ chức đủ thứ hoạt động, từ văn nghệ, thể dục-thể thao cho đến ma chay, đám hỏi… Mỗi lần có hội hè gì lại tập trung hết ra đây, vui lắm. NVH rộng, con cháu tui hay ra đánh cầu lông, đá bóng. Xung quanh có tường rào nên không lo tai nạn giao thông như ngày trước. Mấy người già như tui cũng có câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh, sáng mô cũng tập đó chứ”.
Nếu như trước năm 2010, toàn xã Hòa Châu chỉ có 2 NVH thôn đạt chuẩn NTM thì đến nay, qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, toàn xã đã có 8/8 thôn có NVH với 5 nhà được xây mới, nâng cấp 1 nhà với tổng kinh phí đầu tư gần 3 tỷ đồng, trong đó 6/8 thôn có diện tích đất sử dụng từ 608 đến 2.580m2; 4/8 thôn có diện tích khu thể thao từ 4.780 đến 8.100m2; các trường học có sân rộng rãi, có nhà thi đấu đa năng và thư viện với hàng trăm đầu sách phục vụ công tác dạy và học… Để hỗ trợ người dân kịp thời cập nhật thông tin, xã đầu tư một bưu điện với hệ thống thông tin liên lạc và sách báo. 95% hộ dân dùng điện thoại di động và cố định, toàn xã có 14 trạm phát sóng các mạng di động; Internet đã về đến tận nhà người dân. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao của xã được tổ chức thường xuyên, có chất lượng, thu hút ngày càng đông người dân ở mọi lứa tuổi tham gia. Đặc biệt, nhiều thôn đã thành lập các câu lạc bộ bóng đá, cầu lông, bóng chuyền, thể dục dưỡng sinh… tạo địa chỉ sinh hoạt, giải trí bổ ích, tăng cường tình đoàn kết trong nhân dân.
Mới từ trong suy nghĩ và hành động
Xây dựng đời sống văn hóa trong nhân dân là cả một quá trình đầu tư, tích lũy lâu dài với việc lấy xuất phát điểm từ mỗi gia đình, mỗi thôn, làng làm yếu tố động lực và lấy hiệu quả, chất lượng làm tiêu chí để bình xét các danh hiệu gia đình, thôn văn hóa. Ông Đỗ Quốc Thụ, Trưởng ban Văn hóa-xã hội xã Hòa Châu giới thiệu với chúng tôi: Hằng năm, xã tổ chức kiểm tra, rà soát chất lượng hoạt động văn hóa, đồng thời bổ sung những quy ước cho phù hợp với thực tiễn. Xã đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc xây dựng gia đình văn hóa và phong trào quần chúng hoạt động văn hóa, thể thao; kiên quyết đấu tranh, bài trừ những tệ nạn và tiêu cực trong đời sống xã hội; nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ trong việc phối hợp vận động quần chúng nhân dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa.
Với những việc làm trên, không chỉ giúp nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn góp phần xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp của địa phương, dân tộc. Các tệ nạn xã hội, hủ tục mê tín dị đoan từng bước được đẩy lùi. Hằng năm số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa từ 90% trở lên. Đặc biệt, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm được nhân lên. Người dân có ý thức và trách nhiệm hơn với sự phát triển của quê hương. Điều này được minh chứng qua việc, trong gần 3 tỷ đồng kinh phí đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa tại xã Hòa Châu 3 năm qua, thì có đến gần 500 triệu đồng là số tiền mà người dân trong xã đã chủ động đóng góp.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA