Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu - tác giả bản Dạ cổ hoài lang kinh điển của sân khấu cải lương - nằm trong một con xóm nhỏ, xung quanh là đầm nước mênh mông, thỉnh thoảng lác đác vài trảng cỏ. Một khung cảnh đậm chất đồng quê ở Bạc Liêu.
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu tặng hoa cho ông Cao Văn Oai, con trai thứ tư của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: N.TRÂN |
Vào khu lưu niệm, qua cổng tam quan, đi thẳng là đến khu mộ còn mới của gia đình nhạc sĩ quá cố tài danh Cao Văn Lầu. Đó là 4 ngôi mộ được xây bằng đá hoa cương, chia 2 cặp: bà Trần Thị Tấn (vợ nhạc sĩ Cao Văn Lầu) - nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bà Thạch Thị Tài (1865-1956) - ông Cao Văn Giỏi (1860-1938), thân sinh nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Phòng trưng bày được xây theo kiến trúc 3 gian 2 chái. Ở giữa là bàn thờ cụ Cao Văn Lầu khói hương nghi ngút, phía sau có 2 cái liễng ghi bài Dạ cổ hoài lang phần nhạc và lời. Giữa phòng trưng bày có tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu, hai bên tường ghi lại các tác phẩm khác của ông như: Mai xuân, Minh Loan thưởng nguyệt, Long Châu, Giọt mưa đêm, Thu phong bá điểu, Chim chiều.
Một chiếc tủ nhỏ cạnh góc tường đựng chiếc áo dài mà GS Trần Văn Khê đã mặc khi tham dự hội thảo âm nhạc tại Tehran (Iran) năm 1967, biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam tại Pháp và Đức. Ngoài ra còn có bộ áo dài và đôi hài của TS - NSƯT Bạch Tuyết diễn trong vở Thái hậu Dương Vân Nga năm 1997.
Phòng trưng bày treo hình ảnh một số nghệ sĩ gốc Bạc Liêu như: nghệ nhân Lê Văn Bình, nghệ nhân Hai Thơm, NSƯT Thanh Nguyệt, danh ca Bảy Kiên và có cả NSƯT Bảo Quốc - cũng là người gốc Bạc Liêu. Bên cạnh còn có hình ảnh NSND Út Trà Ôn, NSND Năm Châu, NSƯT Thanh Nga, NSND Phùng Há, NSƯT Bạch Tuyết…
Không thể không nhắc đến phục trang các nghệ sĩ đã mặc trong các vở cải lương kinh điển như bộ áo dài và mão NSƯT Ngọc Giàu mặc trong vở Thái hậu Dương Vân Nga từ năm 1980-1999; trang phục nhà vua của đoàn cải lương Cao Văn Lầu trong vở Lưỡi gươm oan nghiệt, Một ngai vàng hai hoàng hậu, Chiếc bóng oan khiên.
Nhuốm màu thời gian
Nơi đây còn trưng bày cuốn sổ quý giá ghi lại những bản nhạc viết tay đã ố vàng của nhạc sĩ, được sáng tác từ năm 1968-1976, trong đó có bản Văn thiên tường, Tình cổ giao duyên. Đặc biệt, có cuốn sổ được chú thích là “Nhạc sĩ Cao Văn Lầu ghi lại các bản nhạc và bản di chúc”. Tờ di chúc viết: “Tờ này ba viết trước khi ba còn mạnh để khi ba già yếu hoặc lãng trí viết không được. Vậy con coi theo đây, khi ba qua đời rồi con nên…”.
Thậm chí, nhạc sĩ còn viết cả nội dung trên bia mộ của mình: “Đây là nơi an giấc ngàn thu của nhạc sĩ Cao… cho sanh bản đường vọng cổ. Hưởng thọ…”. Cao Văn Lầu quả là người kỹ lưỡng, chỉn chu, ngay cả chuyện ra đi của mình cũng được ông chuẩn bị chu đáo.
Một góc phòng được dành để đặt những bức tượng người mặc áo dài khăn đóng bằng thạch cao, minh họa cho một buổi diễn đờn ca tài tử. Cạnh đó treo tấm bảng ghi lại quá trình phát triển của bản Dạ cổ hoài lang. Soạn giả Trịnh Thiên Tư phát triển bản Dạ cổ hoài lang từ nhịp 2 lên nhịp 4. Sau đó, danh ca Lư Hòa Nghĩa phát triển bản nhạc này từ nhịp 4 lên nhịp 8. Soạn giả Mộng Vân phát triển từ nhịp 8 lên nhịp 16. Nghệ sĩ Trần Tấn Hưng phát triển từ nhịp 16 lên nhịp 32. Nhạc sĩ Lý Thi phát triển từ nhịp 32 lên nhịp 64. NSƯT Viễn Châu phát triển bản Vọng cổ thành Tân cổ giao duyên. Kèm theo đó là ảnh các soạn giả, nghệ sĩ cùng bản nhạc mà họ đã phát triển. Bài Võ Đông Sơ (Tân cổ giao duyên) chính là của soạn giả Viễn Châu phát triển từ bản Dạ cổ hoài lang:
Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi,
đường dài mịt mùng em không đến
nơi.
Mây nước buồn cơn lửa binh,
hết kể chuyện chung tình,
khóc than riêng em một mình...
Nguồn gốc bài Áo rách vai
Ông Cao Văn Oai, con trai thứ tư của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, năm nay 90 tuổi, cho biết: “Thực ra ba tôi sinh năm 1880 chứ không phải 1882. Còn bà nội tôi tên thật là Võ Thị Tài chứ không phải họ Thạch. Ba nói nghề đờn ca tài tử nay đây mai đó nên ông không truyền nghề lại cho chúng tôi. Các con tôi sau này cũng không ai theo nghề hát xướng. Nhưng không hiểu vì lẽ gì ông lại dạy nghề cho người em thứ 7 và thứ 8 của tôi. Ngày đó, em trai út của tôi vừa đờn vừa ca rất hay, là nghệ sĩ rất nổi tiếng ở Bạc Liêu. Còn chúng tôi không biết ca nhưng khi mọi người trong đoàn đến nhà tập cùng cha tôi, chúng tôi cũng bắt chước ca theo.
Khi ba tôi 7 tuổi, ông nội cho ba tôi vào tu trong chùa Vĩnh Phước. Ông được học kinh Phật, chữ Nho và làm công phu, tức đánh trống vọng chuông cho chùa. Lúc ba tôi 10 tuổi, ông rời chùa, ông nội cho ba tôi đi học trong trường của Pháp.
Đến năm 15 tuổi, ông rời trường học và đi theo học nghề nhạc sĩ Lê Tài Khí. Thầy Lê Tài Khí bị mù và không thể tự làm việc gì được. Ba tôi theo học và đã giúp đỡ thầy nhiều việc nên thầy rất thương ba tôi. Thầy của ba tôi có người con gái nhỏ hơn ba tôi 3 tuổi nên muốn kết sui gia với gia đình tôi nhưng ông nội tôi phản đối.
Ba tôi không dám cãi lời ông nội. Cuối cùng cô gái đó phải lấy chồng và ba tôi được mời đến ca trong đám cưới của cô. Lúc ấy, cuộc sống đói khổ, không đủ ăn đủ mặc, ba phải mặc một chiếc áo rách vai. Khi thấy ba tôi, cô ấy khóc. Cô ấy đã vá áo cho ba tôi nên mới có bản vọng cổ Áo rách vai.
Rồi ba cưới má khi ông 24 tuổi, lúc ấy má tôi mới 17. Ngày đó cuộc sống khổ cực, ba má tôi chỉ làm ruộng và bắt tôm cua. Ba má tôi đi khai hoang đất ở một vùng đất hoang sơ, toàn thú dữ. Nhưng ông hội đồng trạch bảo đó là đất của ông và không cho ba má tôi gặt lúa mà hai người đã vất vả cày cấy được. Ông ta đem lính đến cho đốt sạch chòi của ba tôi. Ông nội tôi lo sợ nên bảo ba tôi trở về.
Sau khi cưới 3 năm mà vẫn không có con, ông bà nội bắt ba dẫn má tôi đi trả lại cho bên nhà ngoại. Ba tôi rất có hiếu nên bà nội bảo gì ông đều nghe theo. Hai người chia tay nhau nhưng lòng buồn vô hạn. Giữa đêm khuya ba nhớ má nên mang đờn ra viết bản Dạ cổ hoài lang. Ông hoàn thành bản nhạc chỉ trong một tuần.
Ba tôi mời các anh em nghệ sĩ đến và nói rằng mình vừa viết một bản nhạc mới, muốn mọi người nghe thử. Khi tiếng đờn bi thương của ba tôi vừa dứt, mọi người vô cùng xúc động. Ba tôi hỏi ông Trương Minh Thống, một nhà Nho nổi tiếng ở Bạc Liêu thời đó, nên đặt tên bản nhạc mới là gì. Ông Thống nói rằng ông thích tên Vọng cổ.
Người Pháp chất vấn ba tôi và không cho hát bản này vì nghĩ bản nhạc có nội dung chống đối. Bản Dạ cổ hoài lang chính là nguồn gốc của Vọng cổ. Rất nhiều bản nhạc và thơ sau này đã dựa vào bản Vọng cổ. Ngày trước đờn ca tài tử không có bản nhạc, chỉ ca những bài nhỏ.
Vọng cổ chính là một dòng nhạc mới dựa trên Dạ cổ hoài lang. Về sau, các bản nhạc đều dựa trên điệu nhạc Dạ cổ hoài lang. Bản nhạc này cũng như một món ăn của người Việt Nam: bản nhạc là nhân của chiếc bánh, bánh không có nhân thì không thể ngon được. Ba tôi nói bản Vọng cổ là một món quà trên sân khấu Việt Nam.
Sau Dạ cổ hoài lang, ba sáng tác thêm bản Giọt mưa đêm. Ngày đó ba nằm ngủ trong một căn nhà rách rưới, trời đêm mưa giọt đúng chỗ ba tôi nằm. Mọi thứ ướt hết nên ba ngủ không được. Ông thức dậy đốt cây đèn dầu và sáng tác bản Giọt mưa đêm. Sau này có một gánh hát mượn bản nhạc này của ba và làm thất lạc.
Khi má tôi đi rồi, bà nội muốn cưới vợ khác cho ba nhưng ông không chịu. Má tôi xa ba lòng rất buồn nên trốn bà ngoại lên chùa. Ba biết chuyện lên chùa khuyên má về nhưng bà không đồng ý. Ba năn nỉ mãi cuối cùng má thuận theo nhưng ba phải đưa má gửi nhà bà Chín Đại, một phụ nữ nhân hậu giúp cưu mang má, chứ không dám đưa về nhà. Sau một thời gian, má sinh anh hai tôi, bà nội tôi mừng rỡ cho đón má tôi về nhà”.
NGỌC TRÂN