.
Triển lãm "Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam"

Thêm yêu Hoàng Sa

.

Tiếp nối thành công của 2 đợt triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam” được tổ chức vào tháng 3 vừa qua, sáng 21-4, Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng tiếp tục phối hợp với UBND huyện Hoàng Sa, Bảo tàng Đà Nẵng và Đại học Đà Nẵng tổ chức đợt triển lãm thứ 3 tại khuôn viên Trường Đại học Bách khoa. Triển lãm kéo dài đến ngày 26-4.

Sinh viên Đại học Bách khoa tìm hiểu các tư liệu lịch sử khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam.
Sinh viên Đại học Bách khoa tìm hiểu các tư liệu lịch sử khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam.

Triển lãm trưng bày 70 hình ảnh, tư liệu, hiện vật giá trị về Hoàng Sa như: Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ, An Nam đại quốc họa đồ, Đại Nam nhất thống toàn đồ... Nhiều sinh viên, cán bộ nhà trường bày tỏ niềm tự hào, sự trân trọng khi lần đầu tiên được xem nhiều chứng tích về chủ quyền biển, đảo Hoàng Sa.

Vững một niềm tin

Mai Bảo Lê Hoàng, sinh viên năm 5 khoa Điện tử viễn thông, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) bày tỏ: “Triển lãm này có ý nghĩa rất lớn đối với thế hệ trẻ chúng em. Đây là bằng chứng khẳng định chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam. Nếu trước đây chúng em chỉ được nghe thông tin về Hoàng Sa qua các kênh thông tin truyền thông đại chúng thì nay được trực tiếp xem, trực tiếp tìm hiểu. Qua đây, em cảm thấy gần gũi, thêm tình yêu với Hoàng Sa - một phần lãnh thổ không thể thiếu của đất nước, con người Việt Nam”.

Trong khi đó, đứng ngắm nhìn rất lâu trước bia chủ quyền trên đảo Hoàng Sa do người Pháp dựng năm 1938, sinh viên Nguyễn Thị Cẩm Nhung, ngành Công nghệ thông tin (Trường Đại học Bách khoa) xúc động: “Triển lãm là nguồn xác thực cho sinh viên chúng em tìm hiểu về vấn đề Hoàng Sa. Nghe lời chia sẻ của Chủ tịch huyện Hoàng Sa, tận mắt nhìn thấy những bằng chứng lịch sử về chủ quyền Việt Nam trên đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bây giờ em ý thức hơn về chủ quyền biển đảo và sẽ khuyến khích bạn bè cùng nhau tìm hiểu nhiều hơn trong thời gian tới”.

Nhắc nhở các thế hệ

Buổi triển lãm không chỉ trưng bày những thư tịch cổ của Việt Nam minh chứng cho việc xác lập chủ quyền Hoàng Sa từ lâu đời qua nhiều nhà nước, mà còn có những bản đồ, Atlas, tài liệu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Trung Quốc, chứng minh cực nam lãnh thổ Trung Quốc từ xa xưa chỉ đến đảo Hải Nam. Ngoài ra, còn có nhiều bằng chứng cho thấy người dân Việt Nam đã đến và sinh sống trên quần đảo Hoàng Sa từ lâu như ảnh Đơn vị Bảo an thực hiện nghi thức chào cờ trên đảo Hoàng Sa, giấy chứng sinh của bà Mai Kim Quy ngày 7-12-1939 tại đảo Hoàng Sa (Pattle) là con gái ông Mai Xuân Tập, nhân viên khí tượng đảo Hoàng Sa...

PGS, TS Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, khẳng định: “Từ triển lãm này, mỗi cán bộ, viên chức và sinh viên sẽ càng thấy rõ trách nhiệm công dân của mình trong việc phát huy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, bằng hành động thiết thực, cụ thể, góp phần cùng thành phố và nhân dân cả nước tuyên truyền về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, giáo dục lòng yêu nước, ý thức bảo vệ Tổ quốc cho thế hệ trẻ”.

Phát buổi tại lễ khai mạc, ông Đặng Công Ngữ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, cho rằng việc thành lập huyện Hoàng Sa có mục đích rất quan trọng trong việc nhắc nhở con cháu mai sau biết rằng Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam. Ông Ngữ cũng nhấn mạnh đến ý nghĩa của hoạt động triển lãm trong việc tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, cũng như tri ân những chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tại lễ khai mạc, Trường Đại học Bách khoa đã trao tặng 50 triệu đồng của cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường ủng hộ chương trình Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa cho đại diện Văn phòng Báo Lao động tại miền Trung - Tây Nguyên.

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.