.

Tuổi mười lăm em lớn từng ngày…

.

Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, xung quanh vấn đề thời điểm phù hợp để bắt đầu giáo dục luân lý và đạo đức cho trẻ, thế giới tồn tại nhiều lý thuyết khác nhau. Tuy nhiên, dù thời điểm nào đi nữa, ý thức tạo dựng cho con trẻ một nền tảng tinh thần và trí tuệ cần thiết để trở thành “Con Người” luôn là điều quan trọng. Cuốn sách mới Nhật ký sen trắng của GS Cao Huy Thuần là niềm tâm huyết lớn của một người đã đi qua thời hoa niên rất lâu rồi dành cho thế hệ trẻ.

Nhật ký sen trắng của GS Cao Huy Thuần là tâm huyết của một người đã đi qua thời hoa niên rất lâu rồi dành cho thế hệ trẻ.
Nhật ký sen trắng của GS Cao Huy Thuần là tâm huyết của một người đã đi qua thời hoa niên rất lâu rồi dành cho thế hệ trẻ.

Trách nhiệm của một trí thức

GS Cao Huy Thuần từng chia sẻ, điều thôi thúc ông viết Nhật ký sen trắng bắt đầu từ tâm trạng buồn, nếu không muốn nói là thất vọng về tình trạng suy thoái trong đạo đức và giáo dục hiện nay. Và thay vì “nguyền rủa bóng tối”, ông cố gắng “thắp một que diêm”.

Tâm trạng “tiên ưu” của bậc trí giả đó đã được nhà báo Cầm Phan (Báo Tuổi trẻ) và biên tập viên Hoàng Anh (NXB Trẻ) “rốt ráo” động viên kiêm “thúc ép”, để rồi tác phẩm Nhật ký sen trắng đã có thể ra mắt bạn đọc mới đây.

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, người bạn chí thiết của GS Cao Huy Thuần, người coi GS Thuần như anh trai, nói rằng, ông không ngạc nhiên khi nhận được cuốn sách. Bởi ông biết, rốt cuộc GS Thuần sẽ phải làm việc đó. Ông chỉ ngạc nhiên không hiểu sao ông anh đã hoàn thành được công việc thực sự khó khăn này. Là nhà nghiên cứu triết học, ông Bùi Văn Nam Sơn quá hiểu những gian truân trong phương cách truyền tải một khái niệm luân lý, đạo đức, nhất là với người trẻ.

Học mà chơi

Nhật ký sen trắng giảng giải luân lý, đạo đức cho bạn trẻ lứa tuổi 15 thông qua những truyện ngụ ngôn, những trích dẫn văn chương kinh điển nước ngoài. Cuốn sách gồm 15 câu chuyện với các vấn đề được tác giả đặt ra, gợi mở cho các em: thương yêu sự sống, tranh luận và tranh cãi, nói lời hòa ái, cãi và im, nói xấu, tiếng đồn, v.v…

Thông qua những cuộc trò chuyện, trao đổi của một nhóm bạn độ tuổi trăng tròn: Sen Trắng, Sen Hồng, Sen Xanh, Sen Búp và chị Cả, tác giả khơi gợi tư duy chủ động, thích khám phá và vun đắp tâm hồn hướng thiện.

Có những chuyện vẻ như “cao siêu”, “trừu tượng” như phân biệt giữa tranh luận và tranh cãi, nhân từ, rộng lượng hay cao thượng; tới những chuyện thật gần gũi, nhưng hàm chứa bao bài học đáng suy ngẫm: thói khoe khoang, hợm hĩnh, bài học lấy ân trả oán, đức kiên nhẫn, bền chí, sự bình đẳng trong cho và nhận.

Với người trẻ, có vẻ các bài học luân lý này hơi “nặng đô”. Bởi sự thực nó cũng đã khá nặng với ngay cả người trưởng thành, có đôi chút trải nghiệm. Nhưng có những điều dẫu khó vẫn phải được nói cho rõ mức độ khó của nó mà không nôm na, không làm nhòe mòn khái niệm gốc.

Có vẻ như GS Cao Huy Thuần muốn khuyến khích bạn trẻ một hình thức trau luyện kiến thức tốt nhất: hãy trao đổi, thảo luận, thậm chí tranh luận tích cực để cùng hiểu những tri thức cần thiết. Chẳng phải ngay từ thuở xa xưa, các học giả uyên bác nhất của văn minh phương Tây như Socrate đã dạy học trò theo cách ấy.

Sự thật, những vấn đề GS Cao Huy Thuần đề cập trong sách không chỉ là chuyện của hôm nay. Văn hóa và đạo đức luôn là những vấn đề nằm trong tình trạng “báo động đỏ” ở mọi thời, dưới con mắt của các bậc trí thức ưu thời mẫn thế. Bao đời nay, sách vở dù thiên kinh vạn quyển, cũng chỉ bàn chuyện ấy. Nhưng nói thế nào cho dễ tiếp cận, cho thuyết phục, từ đó truyền cảm hứng tích cực để bạn đọc làm theo, lại là câu chuyện không đơn giản.

GS Cao Huy Thuần cho biết, khi viết cuốn sách Nhật ký sen trắng, ông cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều từ cuốn tiểu thuyết Những tấm lòng cao cả của nhà văn người Ý Edmondo De Amicis. Ông chọn đối tượng hướng đến của cuốn sách là lứa tuổi 15 vì theo ông, ở lứa tuổi đó, các em mới có thể hiểu những vấn đề sách đề cập.

Không chỉ dành cho lứa tuổi 15

Trong cuộc giao lưu giữa GS Cao Huy Thuần và độc giả do NXB Trẻ phối hợp với Đại học Hoa Sen tổ chức vừa qua tại thành phố Hồ Chí Minh, ngoài sinh viên, còn có rất nhiều độc giả ở các lứa tuổi lớn hơn tham dự.

Rất đông độc giả lớn tuổi đã bày tỏ sự tâm đắc với cuốn sách trong tư cách phụ huynh. Bản thân họ cũng ngộ ra được nhiều điều về việc cần dành thời gian hơn cho con, cần lắng nghe con, cần biết nói chuyện và khơi gợi để con nói ra điều chúng nghĩ. Họ hiểu rằng, nếu việc khiến một đứa trẻ nói ra suy nghĩ trong đầu đã khó, thì việc để chúng nói ra suy nghĩ của chúng, chứ không phải suy nghĩ của người khác, lại càng khó hơn gấp bội.

Dạy trẻ luân lý và đạo đức phải là công việc được tiến hành dần dần, từng chút một. Điều quan trọng, phải để trẻ tự hiểu được những điều đó qua công việc tự tay chúng làm, qua những thắc mắc cần được giải quyết tự nảy ra trong ý thức. Có như thế, tri thức và luân lý mới thực sự ở lại lâu với con người.

(Đọc Nhật ký sen trắng của GS Cao Huy Thuần)

DƯƠNG QUANG

;
.
.
.
.
.