.
50 tập phim Cao hơn bầu trời

Cuộc chiến đấu bi tráng

.

Lần đầu tiên viết kịch bản một lúc… 50 tập phim truyền hình trong vòng 11 tháng, có lẽ Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc không chỉ lập kỷ lục riêng trong giới nhà văn quân đội. Nhìn vào hơn 30 năm gắn bó với lực lượng phòng không - không quân, người ta không ngạc nhiên về thành quả lao động nghệ thuật của ông.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc. 			         Ảnh: DƯƠNG QUANG
Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Cao hơn bầu trời là bộ phim truyền hình dài 50 tập do Hãng phim Giải phóng thực hiện, Nguyễn Xuân Cường làm đạo diễn, về cuộc chiến đấu 12 ngày đêm anh dũng của quân và dân thủ đô trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ năm 1972. Bộ phim được xem là có quy mô hoành tráng nhất từ trước đến nay về đóng góp của lực lượng phòng không - không quân trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Dự kiến phim sẽ lên sóng VTV1 thời gian tới.

* Thưa Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc, với kịch bản phim truyền hình Cao hơn bầu trời, lần đầu tiên ông tham gia viết kịch bản. Ý tưởng cho bộ phim có xuất phát từ tác phẩm văn học nào trước đó của ông hay là kịch bản phim độc lập?

- Ban đầu tôi có ý định viết một tiểu thuyết nhiều tập về đề tài trùng với bộ phim này. Ý tưởng đang thai nghén thì nhà thơ Văn Lê giới thiệu tôi trò chuyện với Giám đốc Hãng phim Giải phóng Thái Hòa. Trò chuyện khoảng một tiếng, anh Thái Hòa mừng lắm, bảo tôi viết thành kịch bản phim.

Yêu cầu đó chạm trúng đam mê của tôi. Nhưng lúc đó mình chưa hiểu viết kịch bản như thế nào. Khoảng nửa tháng sau, tôi hoàn thành đề cương, lúc đầu chỉ định vài chục tập, nhưng sau đó bên hãng phim yêu cầu làm 50 tập.

* Trong 50 tập phim, câu chuyện xuyên suốt ông kể với khán giả là gì?

- Bối cảnh phim xảy ra từ tháng 5-1972 đến ngày 28-12-1972, tức thời điểm kết thúc 12 ngày đêm của trận Điện Biên Phủ trên không. Sau đó, theo yêu cầu của hãng phim, tôi làm thêm 2 tập nữa, kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm.

Xuyên suốt 50 tập phim, các nhân vật chính đồng hành từ đầu tới cuối. Điều tôi muốn nói trong phim là để đánh được B52, chúng ta phải có quá trình chuẩn bị rất lâu dài. Trước đó là lời tiên đoán từ rất sớm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại ý rằng đế quốc Mỹ sẽ chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội. Chúng ta phải chuẩn bị vì nhất định Mỹ sẽ đưa B52 ra Hà Nội. Lời tiên đoán đó của Người đã trở thành kim chỉ nam cho lực lượng phòng không - không quân chuẩn bị ứng phó.

Tôi chọn thời điểm tháng 5-1972 cho bối cảnh phim vì từ năm 1972, không quân Mỹ bắt đầu đưa B52 ra đánh phá thăm dò ở khu vực giáp ranh khu 4. Khi đó, chúng ta đã phải tổ chức các đoàn vào miền Trung để nắm vững quy luật hoạt động của máy bay B52 và nghiên cứu cách đánh. Đây là quá trình chuẩn bị hết sức công phu và gian khổ, không đơn giản như một số người vẫn nghĩ, đánh B52 chỉ là bắn vài quả tên lửa lên trời.

Bộ phim Cao hơn bầu trời làm nổi bật quá trình nghiên cứu, tìm tòi phương án tác chiến, sự hy sinh gian khổ, những mưu trí sáng tạo của quân và dân ta, từ tổng hành dinh xuống tới các quân chủng, các đơn vị sư đoàn phòng không, các đơn vị tên lửa, không quân, ra đa, cao xạ. Tất cả đều một lòng nghiên cứu cách đối phó với B52.

* Đã có nhiều bộ phim khai thác về đề tài Điện Biên Phủ trên không và cuộc chiến 12 ngày đêm của quân, dân Hà Nội. Là người biên kịch, theo ông, ở bộ phim này, người xem sẽ được biết thêm những gì khác?

- Quan điểm của tôi là tôn trọng sự kiện lịch sử. Nhưng về con người, về các nhân vật, tôi đều hư cấu. Một nhân vật có thể được nhào nặn từ hàng chục nguyên mẫu trong đời thực. Vì vậy, các bạn sẽ thấy trong phim không có bất cứ một nguyên mẫu nào hoàn toàn chính xác.

Điểm thứ hai tôi muốn thể hiện rõ, đó là cuộc chiến đấu bi tráng của quân và dân Hà Nội, nòng cốt là bộ đội phòng không - không quân. Xem phim, khán giả chứng kiến tinh thần chiến đấu dũng cảm tuyệt vời của họ, từ người dân phòng ở khu phố đến những người dân yêu Hà Nội hết mình, buộc phải sơ tán nhưng có người trốn ở lại để góp phần chiến đấu bảo vệ thủ đô.

Điểm đặc biệt nữa là tôi không dẫm lên bất cứ vết mòn nào khi xây dựng hình tượng nhân vật là những người con của miền Nam tập kết ra Bắc, đánh giặc trên đất Bắc. Đó là điều mà tôi rất tâm đắc. Có thể nói, viết về đề tài chiến tranh, từ lâu người ta lãng quên những con người này. Họ đã sát cánh chiến đấu anh dũng, hào hùng với quân và dân thủ đô trong 12 ngày đêm. Những điều đó để lại niềm xúc động rất sâu sắc trong tôi. Có những tập viết xong mắt tôi nhòe nước vì thương xót cho số phận nhân vật. Thương lắm, đau lắm, nhưng không thể làm khác, vì kết cục của trận đánh phải như thế. Mình không thể viết theo lối tô hồng, không thể lúc nào cũng là ta thắng và địch thua.

* Ông đã có khoảng 30 năm gắn bó với lực lượng phòng không - không quân. Những trải nghiệm đó đã giúp ông như thế nào trong quá trình thực hiện kịch bản phim?

- Từ tháng 10-1975, tôi là người lính trong lực lượng phòng không - không quân và ở đó cho tới ngày chuyển công tác về Tổng cục Chính trị năm 2004. Tôi trưởng thành từ một anh binh nhì, rồi binh nhất, sau đó được đi đào tạo sĩ quan và trở về làm giáo viên.

Tôi có ý thức tìm hiểu, sưu tầm và ngẫm nghĩ về tất cả số phận con người từng đi qua chiến tranh trong lực lượng quân đội mình tham gia. Tôi “thuộc” rất nhiều số phận các nhân vật như các phi công, sĩ quan tên lửa, những người dẫn đường bay, nhân viên trắc thủ ra đa, pháo thủ cao xạ, v.v… Tôi hiểu cặn kẽ về họ. Khi bắt tay vào viết, tất cả những người đó dường như nhất loạt đổ xô về với tôi, và tôi chỉ việc nhào nặn các nhân vật theo ý tưởng của mình.

Khi viết, tôi nghĩ một điều duy nhất: viết hết mình, viết thật hay, không quan tâm chuyện ai sẽ duyệt phim này, ai sẽ duyệt kịch bản. Có thời kỳ chỉ trong một tháng, tôi viết được 10 tập phim. Mỗi tập phim dài 45 phút thì kịch bản ít nhất phải là 50 trang.

* Nhiều nhà văn sau khi thành công với kịch bản phim đã biến các chất liệu từ đó trở thành một tác phẩm văn học. Sau khi hoàn thành 50 tập kịch bản phim truyền hình Cao hơn bầu trời, ông có ý định biến nó thành tiểu thuyết không?

- Trong giới văn chương chúng tôi thường nhắc nhau câu “nói trước bước không qua” như tự răn mình. Với chúng tôi, tất cả còn ở phía trước mặc dù dự cảm, dự định rất nhiều. Nhưng tôi nghĩ rằng, tất cả những gì tâm đắc nhất về phòng không - không quân nói riêng và về quân đội ta nói chung chắc chắn sẽ phải được viết ra. Điện ảnh chỉ là một mảng của cuộc sống, còn văn chương vẫn là loại hình nghệ thuật sâu sắc, là lương thực của tâm hồn. Vì vậy, sớm hay muộn, tôi cũng sẽ phải chuyển tải nó sang loại hình này.

* Rất nhiều bộ phim đề tài chiến tranh thường có “sạn” về kiến thức quân sự. Hẳn ông đã chuẩn bị để tránh những sai sót đó?

- Tôi thấy những hạt sạn trong phim thường xảy ra ở hai khâu: biên kịch và đạo diễn. Ở bộ phim này, là biên kịch, lại là nhà văn, tôi đặc biệt chú trọng ngôn ngữ. Có sự khác biệt rất rõ trong ngôn ngữ của một phi công, một sĩ quan tên lửa, một cô gái thủ đô và một người miền Nam tập kết ra Bắc. Mỗi người có một kiểu suy nghĩ và cách đối thoại khác nhau.

Thường phim của ta hay bị phổ thông hóa, xóa nhòa những đặc trưng của gốc gác, vùng, miền, ngành nghề. Trong phim, tôi đặc biệt chú trọng dấu ấn cá nhân trong ngôn ngữ các nhân vật và tôi không hiện đại hóa ngôn ngữ của họ.

Người dân miền Bắc giai đoạn trước năm 1975 sống tình cảm và trong cách nói họ rất giản dị, không màu mè, không bóng bẩy. Chẳng hạn, không có cách nói “đi du học” trong giai đoạn ấy. Những người được cử đi học ở Liên Xô về, nếu gặp bạn bè, họ chỉ nói đơn giản là đi học ở nước ngoài về. Cũng không có lối khoe mẽ như bây giờ. Đó cũng là cách nói thể hiện nhân cách, và tôi cố gắng thể hiện điều đó.

Về các đạo cụ, mọi xe đạp thời đó phải mang biển số, ô-tô chỉ sử dụng loại xe com-măng-ca hay loại xe Ru-ma-ni mà chúng tôi thường đùa là “xe Ru-ma-ni vừa đi vừa đẩy”. Lúc đó mà dùng xe U-oát thì vẫn sai vì thời điểm đó ta chưa nhập loại xe này. Hoặc nếu dùng loại xe của Bắc Kinh thì lại sai hơn nữa. Hay với loại xe để kéo pháo chở đạn thì phải bôi xóa các biển số đi, chứ nếu để biển QP, QC như bây giờ thì không thể chấp nhận được.

* Xin cảm ơn nhà văn, Đại tá Nguyễn Minh Ngọc.

DƯƠNG QUANG thực hiện

;
.
.
.
.
.