.

Đầu tư xứng tầm cho văn hóa

.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp đánh giá tình hình đầu tư cho văn hóa trong 10 năm (2005-2014) và kế hoạch đầu tư cho văn hóa trong thời gian tới, do Sở VH-TT&DL tổ chức chiều 29-5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh việc tăng cường đầu tư, quan tâm đối với lĩnh vực này.

Hạn hẹp nguồn vốn

Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, ngân sách thành phố bố trí từ nguồn vốn xây dựng cơ bản cho đầu tư văn hóa trong giai đoạn 2005-2014 là 424 tỷ đồng (trung bình 42,4 tỷ đồng/năm). Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011-2014, kinh phí đầu tư giảm nhiều so với các năm trước đó (năm 2011, tỷ lệ đầu tư xây dựng cơ bản cho văn hóa chỉ chiếm 0,79% so với đầu tư xây dựng của cả thành phố; tỷ lệ này năm 2012 là 0,28%, 2013 là 0,3% và 2014 là 0,58%).

Về công tác trùng tu di tích, hầu hết các di tích cấp quốc gia đã được trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên, các di tích cấp thành phố trong hai năm 2012-2013 không được bố trí vốn trùng tu, dẫn đến hiện trạng xuống cấp, hư hại.

Cũng theo báo cáo, 10 năm qua, ngân sách thành phố cấp kinh phí cho hoạt động văn hóa là 244,6 tỷ đồng (bình quân 24,4 tỷ đồng/năm). Trong đó, đầu tư cho hoạt động chuyên môn chiếm khoảng 25%; còn lại là chi cho con người, đào tạo... Nguồn kinh phí trên không đủ để thực hiện các nội dung hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, gây khó khăn trong điều hành...

Thực trạng đầu tư cho văn hóa cấp thành phố như vậy nên mức đầu tư ở lĩnh vực này ở cấp quận, huyện trong 10 năm qua gặp không ít khó khăn. Theo báo cáo của 7 quận, huyện, ngân sách cấp quận, huyện bố trí chi cho văn hóa là 252,60 tỷ đồng. Nguồn vốn trên quá ít để xây dựng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở theo quy định của Bộ VH-TT&DL

Tăng đầu tư nhưng phải hiệu quả

Trong thời gian tới, lãnh đạo thành phố có chủ trương tăng cường đầu tư cho lĩnh vực văn hóa. Theo đó, về đầu tư xây dựng cơ bản, đầu năm 2014, Sở VH-TT&DL đã được UBND thành phố bố trí kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cho các công trình văn hóa là 13.127 triệu đồng. Ngày 8-4 vừa qua, thành phố điều chỉnh bổ sung thêm 400 triệu đồng để chuẩn bị đầu tư cho 4 công trình trọng điểm gồm: Thư viện Khoa học tổng hợp, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố.

Giữa tháng 4, Sở VH-TT&DL đề xuất bổ sung điều chỉnh tăng kế hoạch vốn cho xây dựng cơ bản trong năm 2014 là 12 tỷ đồng. Sau khi rà soát nhu cầu thực tế, Sở VH-TT&DL đề xuất nguồn kinh phí đầu tư văn hóa giai đoạn 2016-2020 là 752,9 tỷ đồng. Riêng trong năm 2015, mức đầu tư cho sự nghiệp văn hóa sẽ tăng gấp đôi năm nay, tức lên gần 77,62 tỷ đồng. Sở VH-TT&DL cũng sẽ rà soát, đánh giá, sắp xếp, bố trí lại cán bộ khối văn hóa, tăng cường công tác tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ...

Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho rằng, tăng cường đầu tư để lĩnh vực văn hóa xứng tầm với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố là việc làm cần thiết như chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Trần Thọ. Tuy nhiên, hiện nay, khi bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn thì việc giải ngân cho hầu hết các lĩnh vực đều hạn chế, không chỉ riêng lĩnh vực văn hóa.

“Vì thế, chúng ta cần phải cân nhắc làm sao để nguồn vốn bỏ ra phải thực sự hiệu quả, nhất thiết chú trọng cách làm. Chúng ta không chỉ đầu tư về cơ sở vật chất mà cần phải tăng cường sự quan tâm đến lĩnh vực văn hóa nói chung. Lãnh đạo thành phố sẽ xem xét, chỉ đạo, để đầu tư trong lĩnh vực văn hóa sao cho hiệu quả”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.