.

Nhọc nhằn phận người di cư

.

Di cư là câu chuyện phổ biến của loài người, dù ai cũng biết không đâu bằng quê cha đất tổ. Trong văn chương thế giới, đây là đề tài lớn. Nữ nhà văn người Mỹ gốc Nhật Julie Otsuka đã “chạm” tới đề tài này theo một cách rất riêng, và cũng “rất Nhật”: ám ảnh, day dứt và chậm rãi.

Có một giai đoạn trong quá khứ, những phụ nữ Nhật được môi giới sang Mỹ làm vợ, mà thực chất là làm nông dân lao động trên các nông trường. Giấc mộng về miền đất hứa đã không kéo dài với họ trong các cuộc “xuất khẩu cô dâu” ấy. Càng ngày họ càng hiểu sự thật: sẽ không bao giờ có thể hòa nhập với văn hóa ở nơi họ đến.

Tiểu thuyết Phật ở tầng áp mái của nữ nhà văn Nhật Bản Julie Otsuka, người Mỹ gốc Nhật, đưa người đọc cùng bà khám phá thế giới nội tâm với đầy những khủng hoảng, ê chề, xót thương, đau buốt của những phụ nữ rơi vào hoàn cảnh ấy. Cuốn tiểu thuyết không có một “nhân vật điển hình” nào với cuộc đời xuyên suốt như bao cuốn tiểu thuyết viết theo mô hình truyền thống, phổ biến nhất, nghĩa là nó không có nhân vật xưng “tôi”, và cũng không được kể theo ngôi kể thứ ba.

Điều thú vị của cuốn sách, nhân vật là một đám đông, một nhóm người luôn xuất hiện ở dạng thức “chúng tôi”. Đã rất chí lý khi tờ Minneapolis Startribune nhận định: “Otsuka đã thật tài tình khi tạo ra một dàn hợp xướng của những giọng người không thể nào quên được, những giọng người vang vọng suốt không gian của cuốn tiểu thuyết mỏng nhưng rất hấp dẫn này”.

Cũng phải nói thêm rằng, mặc dù giống như một “dàn hợp xướng” nhưng suốt gần 200 trang của cuốn tiểu thuyết không có bất cứ một đối thoại. Các đối thoại đều chìm trong mạch độc thoại của “chúng tôi”. Rất nhiều khi những câu nói được kể ở dạng gián tiếp và in nghiêng trong văn bản, nó giống một ý nghĩ hơn là lời nói. Lối tự sự ấy không hiểu sao cứ gợi ra trong tâm trí người đọc bóng dáng những phụ nữ lầm lũi, cô độc, quần quật làm việc trên đồng, gần như không nói bất cứ điều gì nhưng ý nghĩ thì nổi sóng cuồn cuộn, như thiêu như đốt trong trái tim, khối óc.

Thành ra, nói “chúng tôi” mà cũng lại là nói “tôi”. Cả một lớp phụ nữ Nhật di cư sang Mỹ thuở ấy đã chịu chung số phận lao khổ, ê chề, nhẫn nhục.

Văn chương Nhật Bản cũng như hội họa Nhật Bản. Dù viết hay vẽ gì, người xem vẫn nhận ra cốt cách Nhật trong đó. Đôi khi sự thấy này không hẳn cụ thể, rành mạch, nhưng lại cực kỳ rõ ràng về cảm giác. Đọc Phật ở tầng áp mái càng thấy “cốt cách Nhật Bản” đó kìm giữ tốc độ người đọc như thế nào. Người ta không thể đọc nhanh dù các câu văn đều rất ngắn, chiếm phần lớn là các câu đơn. Người ta cũng không muốn vội vàng vì biết rất rõ, ở những trang cuối cùng của cuốn sách không có một cái kết thật cụ thể, rõ ràng.

Cuốn sách bắt đầu từ những “chuyến tàu mộng ước” đưa các cô gái Nhật sang Mỹ làm vợ những người đàn ông họ chỉ biết mặt qua ảnh. Niềm tin về tương lai chỉ hoàn toàn dựa vào các câu chuyện giả tưởng do đám người ấy và miệng lưỡi những người môi giới thêu dệt. Rồi tiếp đó là liên tiếp những cơn “vỡ mộng” ngay khi tàu cập bến.

Hầu hết các cô gái còn trinh đó rất mau chóng trở thành đàn bà khi vẫn đang chếnh choáng với cơn say sóng lúc lên bờ. Rồi cũng mau chóng không kém, họ trở thành những nông dân thực thụ, suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Rồi họ có con. Các con họ lớn lên. Rồi chiến tranh lại đến. Họ lại tiếp tục những cuộc di cư của đời mình đến một phương trời khác.

Đâu cần phải ngược về quá khứ vài thập kỷ để suy ngẫm với câu chuyện của tác giả Otsuko. Nhìn xung quanh, và nhìn ngay thực tiễn ở nước ta. Trong hàng trăm ngàn cô dâu Việt ở Trung Quốc, Hàn Quốc, liệu có bao người không phải trải qua những nhọc nhằn dạng này, dạng khác nơi xứ lạ quê người.
Bằng giọng văn gọn gàng, thấu cảm, bằng góc nhìn khách quan nhưng đi sâu, mổ xẻ, Julie Otsuka khiến người đọc không thể thờ ơ với những gì mà lớp phụ nữ Nhật di cư từng trải qua. Lớp người ấy rồi sẽ chết đi. Những thế hệ nối tiếp có thể không còn muốn nhớ về ký ức đau thương của cha mẹ, ông bà chúng. Nhưng những thân phận di cư khốn khổ sẽ là nỗi ám ảnh thời sự không bao giờ nguôi.

Tuy nhiên, cho tới trang cuối cùng của cuốn sách, tôi vẫn chưa hiểu vì sao người viết chọn tựa đề tiểu thuyết là Phật ở tầng áp mái. Bản dịch của dịch giả Nguyễn Bích Lan cũng không thấy ghi tên tác phẩm trong nguyên bản tiếng Anh là gì. Trong truyện, chỉ có một chi tiết liên quan tới tên gọi này ở trang 161: “Harako ra đi để lại bức tượng Phật bằng đồng nhỏ xíu ở một góc của phòng áp mái, nơi bức tượng vẫn ngồi đó mỉm cười cho đến tận ngày hôm nay”.

Theo cách lý giải của chúng tôi, có lẽ chi tiết người phụ nữ tên Harako trước ngày cùng gia đình rời khỏi khu phố Nhật để tiếp tục di cư tới nơi khác tránh chiến tranh để lại bức tượng Phật trong căn phòng áp mái, đã là cái tứ gợi cảm hứng cho tác giả Julie Otsuka nghĩ về niềm tin và sức sống mãnh liệt của con người.

Trải qua bao nỗi cùng cực thống khổ của kiếp người, kiếp đàn bà làm dâu xa xứ, những phụ nữ Nhật vẫn chọn lối sống vị tha, hỷ xả của Đức Phật. Họ đã vượt qua mọi nỗi gian truân để có thể như bức tượng ấy, ở trên căn phòng áp mái - căn phòng cao nhất của ngôi nhà, lặng lẽ và thanh thản ngắm nhìn mọi sự đời chảy trôi, và “vẫn mỉm cười cho đến tận ngày hôm nay”.

Cuộc sống không lúc nào ngừng nghỉ. Nỗi đau nào rồi cũng sẽ qua đi. Khi còn niềm tin vào cuộc sống, con người sẽ đủ sức vượt qua mọi thử thách của cuộc đời.

 DƯƠNG KIM THOA

;
.
.
.
.
.