Trong những năm qua, dù đại dịch AIDS trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đã được khống chế về số lượng người nhiễm nhưng đằng sau những con số biết nói ấy, có một sự thật rằng, sự kỳ thị với những người không may mắc căn bệnh thế kỷ vẫn âm thầm lớn mạnh từng ngày, chưa bao giờ có điểm dừng.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Tại buổi gặp mặt những người nhiễm HIV trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, do Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS (Sở Y tế) tổ chức vào sáng 28-11, ít nhất 5 lần không khí buổi giao lưu chùng xuống khi hội trường nghe những lời tâm sự như rút ruột, những giọt nước mắt không thể kiềm chế của những người có “H”.
Chị T.T.A (SN 1980, quận Hải Châu), thành viên Nhóm chăm sóc sức khỏe tại nhà (mang “H” 7 năm nay), góp lời: “Có lần tôi đưa bệnh nhân mình phụ trách bị nổi hạch đến bệnh viện. Các bác sĩ mới nghe đến bệnh nhân HIV thì đùn đẩy trách nhiệm. Bác sĩ chỉ thăm khám dè chừng, rất thờ ơ. Ngày vào viện, em ấy còn ăn uống, nói năng được, nhưng đến ngày ra viện thì sức khỏe suy kiệt hẳn”. Những ngày tiếp theo ở viện là chuỗi ngày cay đắng khi chị và người thanh niên ấy luôn sống trong nỗi ám ảnh, bởi các bác sĩ nói với nhau rằng, họ là bệnh nhân AIDS cả đấy, cần tránh xa ngay.
Trượt dài trong tuyệt vọng, hoang mang tột độ kể từ giây phút nghe tin mình mang trong mình căn bệnh thế kỷ, nhưng rồi nghĩ đến con cái, những con người có “H” đã gượng dậy. Nhưng những đau đớn bệnh tật không làm họ đau khổ, dằn vặt bằng sự phân biệt, kỳ thị quá nặng nề của xã hội. Nhiều bệnh nhân HIV đã mạnh dạn công khai bệnh tình của mình với mong muốn nhận được sự đồng cảm, sẻ chia từ gia đình, bạn bè, cộng đồng. Nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại.
Phụ huynh không chấp nhận con em mình học chung với con của người “si-đa” dù những đứa trẻ ấy không hề mắc bệnh, hàng xóm dựng hàng rào ngăn cấm con cái qua lại, họ phải mang khẩu trang kín mít khi ra khỏi nhà. Thậm chí, có chị phải đành lòng đưa con đi tới địa phương khác sinh sống vì không chịu nỗi áp lực tinh thần từ xã hội.
“Tôi đi nhận thuốc. Điều dưỡng dùng kéo cắt ngay cây bút mà tôi mới ký nhận thuốc xong và họ phát thuốc cho tôi bằng cách thả từ trên xuống. Một cái chạm tay người ta cũng sợ. Chúng tôi thắc mắc tại sao các y, bác sĩ thừa hiểu về con đường lây nhiễm HIV nhưng sao họ vẫn làm như vậy?”, anh T., một bệnh nhân HIV bức xúc nói. Anh T. vừa dứt lời, một tràng pháo tay cùng những tiếng đệm “Đúng rồi! Đúng rồi” vang lên từ những người đồng cảnh ngộ.
Sự tàn nhẫn chưa dừng lại ở đó khi một tình nguyện viên B. đứng lên nói: “Một chị bị nhiễm HIV đến ngày sinh nở nhập viện lúc 5 giờ sáng nhưng mãi đến 24 giờ vẫn chưa được sinh, trong khi nước ối đã hết, mẹ con đều cận kề cái chết trong gang tấc. Tôi cầu xin bác sĩ cho chị ấy mổ nhưng bác sĩ vẫn khăng khăng phải đẻ, phải đẻ vì họ sợ đụng tới máu của người có “H” như chúng tôi…”. Câu chuyện của B. bị bỏ lửng vì nước mắt lăn dài trên gò má của cô gái mới tuổi đôi mươi.
Tại buổi gặp gỡ hôm ấy, nhiều anh chị đã không ngại ngần đưa con đi theo nhưng cũng có người e ngại mang khẩu trang ngồi lặng lẽ một góc. Trong chính cuộc tâm tình của những người đồng cảnh ngộ, những người có “H” vẫn cảm thấy tự ti về bệnh tật của mình thì trong cuộc sống thường nhật, họ còn phải đương đầu với những điều gì?
Đà Nẵng đang hướng đến mục tiêu “3 không”: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Có thể khẳng định rằng nếu mục tiêu thứ ba: không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS không được đẩy lùi thì rất khó để đạt được hai mục tiêu còn lại. HIV chưa phải “dấu chấm hết”, chưa phải là ngõ tối vì vẫn có hàng ngàn người sống chung với “H” hàng chục năm trời. Mong rằng, xã hội - mà trước hết là đội ngũ y, bác sĩ trực tiếp chăm sóc cho người nhiễm HIV hiểu rõ, nhận thức đầy đủ hơn về căn bệnh này để những người nhiễm HIV không còn bị nỗi đau tinh thần làm héo mòn sự sống.
Tôi có đọc đâu đó rằng, “tất cả những gì thực sự quan trọng sau cùng là tình yêu thương”. Vậy, chúng ta đã thật sự yêu thương, dang rộng vòng tay đối với những người có “H” chưa? Câu hỏi này có lẽ để lại nhiều trăn trở cùng bao nỗi niềm khi nói đến sự hòa nhập cộng đồng của những người có “H”.
MỘC MIÊN