Trước thực trạng người Việt Nam ít đọc sách, vẫn còn khá nhiều người yêu đọc sách và chính họ đã tạo ra niềm tin về văn hóa đọc trước sự bùng nổ của truyền thông số hiện nay.
Cà-phê Omely trở thành điểm đến quen thuộc của những người thích đọc sách. |
Những người mê sách cũ
Dọc đường Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu, Đà Nẵng) có khoảng 5-7 điểm sách cũ bày bán nhiều loại sách, báo, từ sách giáo khoa (SGK), tham khảo cho học sinh đến sách văn học, lịch sử, tạp chí, truyện…
Một người bán sách nói: “Do tôi bán ở vỉa hè nên thường nghỉ vào mùa mưa, còn mùa nắng thì bán thường xuyên. Người mua đa dạng lắm, phụ huynh chủ yếu mua SGK, sách tham khảo cho con; sinh viên mua lại tài liệu các môn học, tác phẩm văn học, truyện; một số người thích mua sách lịch sử…
Vì giá khá rẻ, vừa túi tiền nên vẫn có khách lai rai”. Trong khi sách mới được bày bán ở các nhà sách có giá khá cao thì sách cũ là lựa chọn phù hợp cho những người thích đọc sách. Chị Kim Anh (quận Hải Châu) chia sẻ: “Đối với tôi, cảm giác được cầm trên tay những cuốn sách mà mình yêu thích thật thú vị”.
Không chỉ lựa chọn giải pháp mua sách cũ, nhiều người tìm đến thư viện, phòng đọc sách để thỏa niềm yêu thích con chữ. Đó là trường hợp ông Đỗ Tuấn Khanh (tổ 45, phường Xuân Hà). Ông đã đọc 115 cuốn sách của nhiều tác giả, có cả tác giả nước ngoài về lịch sử, địa lý, tục lệ nhiều vùng, miền. Dù trời nắng hay mưa, bất kỳ khi nào khỏe thì ông đều đặn đến phòng đọc sách phường Xuân Hà.
Tại phòng đọc sách phường Xuân Hà, chỉ tay về phía một thanh niên vừa bước vào, ông Võ Ngọc Anh, nhân viên quản lý phòng đọc giới thiệu với chúng tôi rằng, người thanh niên này thường ghé vào phòng đọc sách trước khi đi làm. “Anh ấy đọc xong, nhiều lúc tâm đắc điều gì đó thì lấy giấy bút ghi ghi, chép chép. Rất tiếc phòng đọc chỉ mở cửa giờ hành chính, nhiều người đi làm không có thời gian đọc nên phải mượn về nhà”, ông Võ Ngọc Anh nói.
Khơi dậy thói quen đọc sách
Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xuất hiện nhiều cách làm hay để khơi dậy thói quen đọc sách, mang lại làn gió mới cho văn hóa đọc. Đó là việc nhiều trường tiểu học đã tạo ra các tủ sách lưu động với nhiều thể loại như: sách tham khảo, SGK, sách nghiệp vụ giảng dạy, sách lịch sử, truyện tranh…, thu hút các em ngồi đọc trong giờ ra chơi, tiến đến xây dựng phong trào đọc sách có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn bậc học.
Trường hợp khác là anh Cấn Đình Việt, lập ra dự án cho mượn sách trực tuyến tại website sach100.vn. Bạn đọc chỉ cần vào trang web chọn sách mình cần và liên hệ các điểm của sach100 để lấy sách. Hiện ở Đà Nẵng, dự án có địa chỉ tại cà-phê Omely (125 Hoài Thanh, quận Ngũ Hành Sơn).
Chị Huỳnh Thị Hoa, chủ quán cà-phê Omely cho biết: “Ở khu vực xung quanh Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) có khá nhiều quán cà-phê nhạc ồn ào, rồi tiệm game… nhưng cũng có một bộ phận sinh viên cần không gian yên tĩnh để học hành, đọc sách. Đây cũng chính là đối tượng để dự án sach100 hướng đến. Ngoài lượng sách do dự án cung cấp, chúng tôi cũng bổ sung thêm sách mới để phục vụ bạn đọc”.
Xu hướng mở quán cà-phê kết hợp với đọc sách đang khá phổ biến tại Đà Nẵng. Một số quán như chuỗi cà-phê Molly, cà-phê sách Velo, Book Cafe PNC, Paris Book - Cafe Sách… đang trở thành điểm đến của nhiều người.
Ngoài cách làm bài bản trên, một số bạn trẻ Đà thành muốn truyền cảm hứng đọc sách đến mọi người bằng cách làm tự phát. Chẳng hạn, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Hoan (24 tuổi) mở một thư viện sách mini “di động” hoàn toàn miễn phí, 4 năm qua đã phục vụ nhiều đối tượng yêu sách như học sinh, sinh viên, những người lớn tuổi…
Gần một năm nay, những người thường xuyên đến Công viên 29-3 đều biết cô gái nhỏ nhắn Trần Thị Thu Nhi (24 tuổi) với Điểm đọc sách miễn phí cuối tuần. Mỗi sáng chủ nhật, các em thiếu nhi, các bạn trẻ, người đi dạo công viên ghé vào chọn sách cho mình. Nếu muốn mượn sách mang về nhà đọc tiếp thì ghi lại tên và số điện thoại để chủ nhân liên lạc. Nhi cho biết, cô làm việc này với mong muốn chia sẻ niềm vui đọc sách với mọi người. Đây là những tín hiệu vui, làn gió mới cho văn hóa đọc của thành phố.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ