Một sáng Hà Nội nắng chói chang. Khi tôi đang ngồi uống trà đá vỉa hè góc đường Bà Triệu thì thấy NSND Lê Huy Quang dừng xe. Ông rút một tờ Văn nghệ số mới tặng tôi và bảo: “Có minh họa của mình, cầm xem cho vui...”.
Nhà thơ, họa sĩ, NSND Lê Huy Quang Ảnh: MAI HOÀNG |
1. Nhà thơ, họa sĩ, NSND Lê Huy Quang sinh năm 1944, quê gốc Hà Tĩnh nhưng có gần 50 năm gắn bó với Hà Nội. Ông đã sáng tác nhiều bài thơ về Hà Nội, từng xuất bản tập Ta về Hà Nội đi em. Trên con đường sáng tạo nghệ thuật, ông tâm niệm: “Hội họa cho tôi trí tuệ; thơ cho tâm hồn bay bổng, trữ tình; sân khấu - loại hình nghệ thuật tổng hợp - cho tôi cái nhìn đầy đủ về cuộc sống, cái đẹp, cùng những nhân vật của xã hội; công việc làm báo cho tôi tính chính xác, cẩn trọng, bình tĩnh, với tư cách của một công dân. Tất cả công việc tôi làm quy tụ lại chỉ ở hai phương tiện: bút lông và bút sắt”.
Mỗi khi nhớ về nhà thơ - họa sĩ Lê Huy Quang, trong tôi hiện lên hình ảnh một con người mặc áo sơ mi đỏ đơm rất nhiều khuy do ông tự thiết kế, tay đeo nhiều “nhẫn khủng”, chân đi đôi guốc mộc. Giới văn nghệ nước mình có người cả đời đi xe đạp. Có người đi ngủ cũng đội mũ. Còn Lê Huy Quang thì gắn với đôi guốc mộc, đến chết tôi nghĩ ông vẫn đi như thế.
Bước vào tuổi “nhân sinh thất thập”, hằng ngày Lê Huy Quang vẫn rong ruổi trên chiếc xe máy cùng đôi guốc mộc, vẫn tạt chỗ này qua chỗ khác để gặp gỡ bạn bè và trò chuyện dăm câu đôi điều. Quê ở Thạch Hà - Hà Tĩnh, nhưng tuổi thơ Lê Huy Quang lớn lên ở bên dòng sông Lam, Đô Lương (Nghệ An). Nơi ấy và nhiều vùng quê khác vào những năm khốn khó đã xa, đa phần mọi người đều đi guốc mộc. Vì thế, đôi guốc thân thuộc với ông từ bé. Với ông, guốc mộc là một nét văn hóa của người Việt, có lẽ không giống với bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Sau này lớn lên, ra Hà Nội lập nghiệp, đôi guốc đầu tiên Lê Huy Quang đi do chính tay nhà thơ Phùng Quán đẽo tặng. Ông kể: “Phùng Quán khéo tay vô cùng. Bất cứ cái gì đó đi qua tay ông đều thành những đồ vật có ích. Ông đã lấy gốc tre, gỗ ổi đẽo hai đôi guốc. Một đôi Phùng Quán đi. Một đôi tặng tôi. Tôi đã đi đôi guốc mộc đó suốt những năm cuối 1970, đến lúc nó bong ra mới mua đôi khác”…
Có giai thoại rằng, cái đận ông được phong NSƯT vì đi guốc mộc mà bị “tuýt” lại không được lên sân khấu đón nhận niềm vinh dự ấy.
Kể lại chuyện này, Lê Huy Quang cười khà khà và bảo: “Bịa đấy. Làm gì có chuyện đó”. Rồi ông kể, lần ấy Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT ở Nhà hát Chèo Kim Mã (Hà Nội). Khi tên mình được xướng lên, Lê Huy Quang lững thững bước lên sân khấu với đôi guốc mộc. Lúc trao bằng, nhạc sĩ, Bộ trưởng Trần Hoàn ghé tai bảo: “Hôm nay mà Lê Huy Quang vẫn đi guốc mộc?”. Lê Huy Quang cười: “Anh ơi, danh hiệu gì thì em vẫn là một nghệ sĩ thôi mà”…
Đôi guốc mộc làm nên hình ảnh Lê Huy Quang khác biệt chứ không dị biệt. Lê Huy Quang bảo, ông lựa chọn đi guốc mộc không xuất phát từ quan niệm mình đi guốc để hơn người, cũng không phải để cho khác người hay cho ra vẻ nghệ sĩ. Đơn giản vì thuận tiện và đó là sở thích của ông. Bạn văn từng có người ví Lê Huy Quang là người đi guốc mộc vào thơ.
2. Tôi đặc biệt thích cách làm việc của Lê Huy Quang. Ít nhất là thích cách ông luôn đúng hẹn trong việc nộp minh họa cho trang truyện ngắn. Mỗi khi gửi email cho ông để nhờ vẽ, ít phút sau bao giờ cũng nhận được email hồi đáp, hoặc sẽ thấy điện thoại ông gọi tới. Có khi là để hỏi cho rõ vẽ màu hay đen trắng, có khi là để dứt khoát: “Mình đang ở Đà Nẵng, số này chuyển họa sĩ khác vẽ nhé”.
Mỗi khi đã nhận lời thì ông luôn đúng hẹn, không để người trong cuộc phàn nàn hay vào thế khó. Vì thế, mỗi khi gửi truyện hay thơ nhờ ông vẽ minh họa, bao giờ cũng có cái cảm giác rất… yên tâm. Lê Huy Quang xác định đây là công việc, mà đã là công việc thì phải chuẩn về thời gian, nhất lại là một sản phẩm báo chí.
Duy chỉ có điều, nếu tờ báo, tạp chí không dễ mua ở ngoài thị trường, ông gửi gắm một yêu cầu duy nhất: không phải nhuận bút bao nhiêu, mà là “nhớ giữ cho mình hai tờ báo nhé”. Ông có thói quen giữ gìn rất cẩn thận những tác phẩm của mình, dù đó là một bài thơ, một bài báo, hay một cái minh họa bé bằng bao diêm. Hai tờ báo đó, gặp ai ông sẽ tặng ngay một tờ, còn một tờ đến cuối tháng ông sẽ làm cuộc “tổng kết” nho nhỏ: cắt lại tất cả những gì là “của mình”, cho vào kẹp nilon, giữ rất cẩn thận.
Lê Huy Quang cũng là người “chơi web” từ rất sớm, nhưng ông không giống nhiều người khác. Web của ông đơn thuần để lưu trữ những gì thuộc về cá nhân. Vào web của Lê Huy Quang sẽ nhận ra được chân dung nghệ thuật của ông, một mình ông, với đủ “món”: thơ, tranh, tản văn, và những bài viết về nghệ thuật. Ông chỉ đưa lên đó những gì là của mình, không đưa đủ thứ thập cẩm. “Sức mình có hạn, thời gian cũng có hạn”, ông nói rồi cười. Nhưng tôi biết, với những công việc mà ông tự tạo cho cuộc đời của mình, để giải quyết hết cũng đã là đủ bận rộn rồi. Thời gian đâu để mà lên mạng tranh luận hay “ném” một cái comment nói vui nói buồn về người khác.
MAI HOÀNG