.

Say mê vũ đạo tuồng

.

Bước sang tuổi xế chiều, sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng khi nói về vũ đạo tuồng, người nghệ nhân già như sống lại thời tuổi trẻ, say sưa múa vài động tác biểu trưng cho các nhân vật tướng, nịnh thần trong nghệ thuật tuồng.

Nghệ nhân Hồ Hữu Có dạy hóa trang cho học trò. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nghệ nhân Hồ Hữu Có dạy hóa trang cho học trò. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Vũ đạo tuồng đầy cuốn hút

Cha là diễn viên của một gánh hát tuồng nên lúc còn nhỏ, cậu bé Hồ Hữu Có đã theo cha rong ruổi khắp vùng Quảng Đà. Hằng ngày, nhìn các diễn viên kẻ mặt, tập biểu diễn, Hữu Có để tâm quan sát và học theo. Nhận ra niềm đam mê và năng khiếu đặc biệt của cậu bé, các bậc thầy trong nghệ thuật tuồng lúc bấy giờ như Nguyễn Lai (1902-1982), Nguyễn Nho Túy (1897-1977) và Tống Phước Phổ (1902-1991) yêu quý và đem truyền lại nghề. Một điều kỳ lạ là với các động tác vũ đạo khó trong nghệ thuật tuồng, Hữu Có học rất nhanh và bắt đầu được giao nhiều vai diễn góc cạnh…

Nói về vũ đạo tuồng, nghệ nhân Hồ Hữu Có chia sẻ rằng, hát tuồng còn có cái tên gọi khác là hát bộ, nghĩa là hát và ra điệu bộ. Đem cân đo giữa hát và điệu bộ trong tuồng thì kẻ tám lạng, người nửa cân. Nếu hệ thống làn điệu tuồng là phương tiện làm tình cảm của nhân vật, của tác giả và của chính diễn viên trở thành “cái có thể nghe được”, thì hệ thống động tác vũ đạo lại làm tình cảm trở thành “cái thấy được” và có thể phơi bày phần nội tâm của nhân vật mà lời hát chưa lột tả hết.

Cái độc đáo của vũ đạo tuồng là động tác tuy ít mà nhiều. Nghĩa là chỉ riêng sử dụng đôi tay, nhưng với một cái khoát tay, nếu khoát nhẹ hay khoát mạnh, vuốt râu… thì thể hiện trạng thái nhân vật khác nhau. Tương tự, các động tác của tay, chân, nét mặt, ánh mắt, các thế đá, thế xoay người, tư thế quỳ… nếu kết hợp một số động tác với nhau một cách linh hoạt cũng lột tả được bản chất của nhân vật: từ võ tướng, trí tướng, tướng lác (tức tướng bất tài), nịnh thần, thư sinh đến tướng cướp, vai hề…

Để minh họa cho sự độc đáo này, nghệ nhân Hồ Hữu Có múa vài động tác biểu trưng cho các nhân vật tướng, nịnh thần trong nghệ thuật tuồng… Ông dường như khác hẳn, sự mệt mỏi của tuổi 85 đi đâu mất, chỉ thấy sự hào hứng, rắn rỏi, vững chãi trong từng động tác của một bậc thầy về vũ đạo tuồng.

“Thấy tưởng như đơn giản vậy đó, nhưng để múa đúng, múa đẹp thì người diễn viên dày công khổ luyện mới có được, để múa đẹp không thể không tập cơ huấn vũ đạo. Bởi cơ huấn vũ đạo sẽ giúp người diễn viên thân thể mềm dẻo, vững chắc để dễ dàng bước vào vũ đạo cơ bản. Từ luyện tập cơ bản thuần thục mới tiến hành tập vũ đạo cho từng loại vai diễn”, nghệ nhân Hồ Hữu Có cho biết.

Xem những ghi chép tỉ mỉ và vẽ minh họa cho từng động tác phần tay, phần chân, phần lưng, đầu, nét mặt… mà nghệ nhân Hồ Hữu Có còn lưu giữ, mới hiểu được những ai thật sự đam mê nghệ thuật tuồng mới trải qua quá trình tập luyện bền bỉ để chuyển tải những giá trị của nhân vật và tác phẩm đến với người xem.

Truyền đam mê cho nhiều thế hệ

Những năm kháng chiến, Hồ Hữu Có tham gia đoàn văn công biểu diễn các vở tuồng lịch sử phục vụ bộ đội suốt dọc Trường Sơn. Sau ngày giải phóng, ông gắn liền với công tác dạy vũ đạo tuồng cho các diễn viên tuồng từ các tỉnh nổi tiếng về nghệ thuật tuồng như: Thanh Hóa, Quảng Nam - Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên… Ngoài việc dạy vũ đạo, ông còn dạy các vai tuồng mẫu mực: vai Linh Tá (vở Sơn Hậu), vai Thái Ngạn (vở Lý Phụng Đình), vai Kim Hùng (vở Ngọn lửa Hồng Sơn).

“Suốt ngày ông ấy cứ lo đi dạy cho học trò. Tối về lại thức đêm, thức khuya nghiên cứu, mày mò làm sao để dạy cho học trò dễ hiểu, dễ cảm nhận được cái hay của vũ đạo tuồng. Một mình tôi lo vun vén cho gia đình, chăm lo cho con cái, rồi cằn nhằn ổng. Nhưng riết hồi cũng quen và chấp nhận từ đó lắng nghe ổng kể về tuồng đến yêu tuồng luôn. Bây giờ, thấy học trò yêu quý, kính trọng ổng mình cũng mát lòng mát dạ vì công sức ổng bỏ ra được đền đáp”, vợ nghệ nhân Hồ Hữu Có chia sẻ.

Đến nay, số học trò được ông dìu dắt đã trên 500 người. Trong đó, nhiều người đã thành danh và đạt nhiều danh hiệu cao quý trong nghệ thuật tuồng như: NSƯT Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng đoàn Tuồng Thanh Hóa; NSND Phan Thị Bạch Hạc, Phó Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế; NSND Trần Đình Sanh, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh; NSND Nguyễn Hòa Bình, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn, tỉnh Bình Định. Nhưng người thầy dày công đào tạo nên tên tuổi cho nghệ thuật tuồng vẫn chưa có danh hiệu nào ngoài những bằng khen về những đóng góp giữ gìn và phát triển nghệ thuật tuồng truyền thống.

Tuy nhiên, nghệ nhân Hồ Hữu Có cười: “Tôi yêu từng động tác trong vũ đạo tuồng. Tôi quý những gì các thầy đã truyền cho tôi nên chỉ muốn chia sẻ tình yêu và sự hiểu biết của mình cho những người đam mê nghệ thuật tuồng. Vốn quý giá của cha ông truyền từ đời này sang đời khác, nếu để thất truyền thì rất uổng phí và có tội với cha ông”.

Nói rồi, đôi bàn tay của ông run run khi giở lại cuốn sổ ông ghi chép cẩn thận từng bài giảng lên lớp ngày nào và cuốn album ảnh ông lưu giữ những tấm hình của những người thầy ông kính mến, được ông cẩn thận cắt ra từ các bài đăng trên báo, hình ảnh ông dạy vũ đạo tuồng, dạy nghệ thuật hóa trang tuồng… Ông xem đó như gia tài quý báu bởi nó gắn liền với một đời say mê nghệ thuật tuồng của ông.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.