.
Thế giới sách

Người khước từ Walt Disney

.

Nhà văn, họa sĩ người Phần Lan Tove Jansson lúc sinh thời đã khước từ hãng Walt Disney (Mỹ) khi họ thương lượng mua thương hiệu Mumi.

 Nhà văn, họa sĩ Tove Jansson.
Nhà văn, họa sĩ Tove Jansson.

Đó là một trong những thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Tove Jansson và Thế giới Mumi” do Hội Nhà văn Việt Nam và NXB Kim Đồng vừa tổ chức tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn, họa sĩ người Phần Lan Tove Jansson (1914-2014). Mumi là tên gọi chung của các nhân vật chính trong bộ truyện dài (9 tập) và truyện tranh (5 tập) do Tove Jansson sáng tạo, mang dấu ấn sâu đậm của những chú lùn Mumi trong thần thoại xứ Scandiavia mà tác giả được nghe kể từ thời thơ ấu.

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, Chủ nhiệm CLB văn chương Hội Nhà văn, gia đình nhân vật Mumi của Tove đến Việt Nam khá muộn nên với công chúng nước ta, tác giả Tove Jansson còn là một tên tuổi mới. Việc này có lý do về địa lý, về ngôn ngữ, về nếp sống xã hội nhưng cũng có lý do từ bản thân văn chương của Tove Jansson.

Tove Jansson là nhà văn Phần Lan có tác phẩm được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất trên thế giới (44 ngôn ngữ), chỉ sau Elias Lönnröt. Tove Jansson vừa là nhà văn, vừa là họa sĩ. Trong sự nghiệp của mình, bà đã nhận được hơn 50 giải thưởng, trong đó có giải thưởng Hans Christian Andersen (1966), được ví như Giải Nobel văn học thiếu nhi.

Là người dịch sang tiếng Việt 5 cuốn sách của Tove Jansson (Chiếc mũ của phù thủy, Mumi và sao chổi, Những cuộc phiêu lưu ly kỳ của Mumi bố, Đứa trẻ vô hình, Ngày hạ chí nguy hiểm), dịch giả Võ Xuân Quế chia sẻ: “Tove Jansson đã tạo nên một thế giới thanh bình như trong truyện cổ tích của xứ Bắc Âu với cuộc sống đầy nhân bản, không có bạo lực và thù hận. Ngôi nhà hình tròn với mái nhọn trong thung lũng đầy hoa về mùa hè và trắng toát tuyết vào mùa đông không chỉ là nhà của gia đình Mumi với những thành viên chính: Mumi, Mumi Bố, Mumi Mẹ; mà còn là tổ ấm của Muy Tí Hon, Nisku Em, Nisku Anh, Muikunen, Nipsu, Hemuli, cũng như nhiều “cư dân” khác trong thung lũng Mumi. Những câu chuyện theo trí tưởng tượng của Jansson về cuộc sống của những con Mumi kết hợp với những tranh minh họa bằng nét vẽ đen - trắng rất thanh tú và mềm mại của bà khiến các tác phẩm Mumi hấp dẫn, lôi cuốn không chỉ trẻ em mà cả người lớn khắp nơi trên thế giới”.

Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, bày tỏ mong muốn sau khi đọc những tác phẩm của Tove Jansson, các nhà văn Việt Nam sẽ tạo ra được những Mumi của riêng mình.

Nguyễn Quang Thiều tâm sự: “Khi đọc sách của Tove Jansson, những con đường nhỏ bé, tinh khôi và vô cùng bền vững của Mumi đã một lần nữa mở ra, dẫn tôi trở lại thế giới tuổi thơ của mình, khi tôi ngỡ tuổi thơ của tôi đã rời xa tôi từ lâu lắm. Đó là một điều kỳ diệu mà không phải cuốn sách cho thiếu nhi nào cũng làm được, không phải nhà văn nào cũng làm được. Một thế giới của tuổi thơ mà bất cứ ai cũng có thể tìm thấy mình ở đó”.

Từ góc độ người nghiên cứu giáo dục, lại là Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con, TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh nhìn nhận những cuốn sách của Tove Jansson mang đến sự cân bằng và tràn ngập thiên nhiên. “Với các nhân vật Mumi và các em nhỏ của chúng ta thì thiên nhiên không phải là nơi ẩn nấp, trốn tránh mâu thuẫn hay bi kịch mà để xoa dịu mọi sự căng thẳng, khiến nguy hiểm trở nên đỡ nguy hiểm hơn, đau khổ dễ chịu đựng hơn.

Trong các cuốn sách về Mumi, nhà văn chưa bao giờ quên Thiên nhiên. Có thể nói, đó là một nhân vật luôn luôn xuất hiện bên cạnh các nhân vật khác. Thiên nhiên vừa làm một cảnh phông nền thể hiện tâm lý nhân vật - khi buồn bực, lo lắng, sợ hãi, lúc thấy được an toàn, vừa xuất hiện như một chỗ bấu víu cho mọi cảm xúc ấy”, TS Thụy Anh nhận xét.

Đồng thời, TS Thụy Anh cho rằng: “Loạt truyện về gia đình Mumi và cư dân thung lũng Mumi cần cho trẻ em Việt Nam. Cần, vì chúng đã là tác phẩm kinh điển của nền văn học thiếu nhi thế giới, trong đó có câu chuyện của cả một nền văn hóa. Độc giả Việt Nam cũng cần được tiếp cận để dần xây dựng cho mình phông văn hóa phong phú, sâu rộng… Cần, vì cả vẻ đẹp của cái thiện, của sự tôn trọng, của sự chia sẻ và cả của thiên nhiên đầy ắp trong cuốn sách khiến cuộc sống trở nên nhẹ nhõm và đáng sống hơn”.

Đến nay, thế giới Mumi đã bước ra từ trang sách để mang Phần Lan ra với toàn cầu: ở London có cửa hàng Mumi, ở Nhật có công viên Mumi. Rồi Đức, Ba Lan và nhất là các nước Bắc Âu, thế giới Mumi nhập vào thế giới trẻ thơ. Việc Tove Jansson lúc còn sống đã thẳng thừng từ chối thương vụ nhượng quyền Mumi cho hãng phim hoạt hình Walt Disney khiến nhân dân Phần Lan nể phục. Họ tự hào và biết ơn Tove Jansson về nghĩa cử này. Bà đã để lại cho Phần Lan không chỉ những cuốn sách nổi tiếng mà còn giữ được một biểu tượng văn hóa độc đáo khiến cả thế giới biết đến.

NGUYỄN THANH BÌNH

;
.
.
.
.
.